Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Luật đầu tư nước ngoài mới của Trung Quốc: Bắc Kinh tung hỏa mù

Đăng ngày:

Phân tích về luật đầu tư nước ngoài mới của Trung Quốc, giám đốc văn phòng tư vấn DCA Chine Analyse của Pháp cho rằng văn bản này sẽ "không tạo được môi trường thuận lợi hơn với các doanh nghiệp nước ngoài".

Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật đầu tư nước ngoài, ngày 15/03/2019
Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật đầu tư nước ngoài, ngày 15/03/2019 REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Kỳ vọng nhanh chóng khép lại chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc vừa thông qua một bộ luật mới về đầu tư ngoại quốc hôm 15/03/2019. Bắc Kinh cam kết "đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư quốc tế và cấm các vụ cưỡng ép chuyển giao công nghệ". Đây là hai trong số những đòi hỏi chính của chính quyền Donald Trump trong cuộc đọ sức về thương mại với Bắc Kinh đã kéo dài từ tháng 03/2018.

Tất cả các nhà quan sát từ Âu sang Mỹ đều đánh giá, bề ngoài, đây là một bước nhượng bộ đáng kể của Trung Quốc, nhưng lại thận trọng hơn nhiều trước những hứa hẹn của Bắc Kinh.

Luật đầu tư nước ngoài mới của Trung Quốc bao hàm những gì và liệu có đủ sức thuyết phục đối với trên 900.000 công ty nước ngoài đã cắm rễ vào thị trường rộng lớn này hay không ?

Thiện chí bề ngoài

Gần một tuần lễ kể từ khi được Quốc Hội thông qua với 2929 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 8 đại biểu vắng mặt, bộ luật mới về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vẫn chưa được công bố. Dù vậy từ khi văn bản này được hoàn tất hồi tháng 12/2018, nhiều quan chức tại Bắc Kinh, từ thủ tướng Lý Khắc Cường đến phát ngôn viên Quốc Hội Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui) đều nhấn mạnh đến "cạnh tranh bình đẳng" giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài, đến việc cấm cưỡng ép chuyển giao công nghệ ...

Trên thực tế dự luật vừa được thông qua đã bắt đầu được bộ Thương Mại Trung Quốc bắt tay việc soạn thảo từ năm 2015. Do có nhiều bất đồng nội bộ, tranh cãi kéo dài, đến năm ngoái, khi Hoa Kỳ gia tăng nỗ lực tấn công Trung Quốc, lên án chính sách trợ giá của Bắc Kinh, tố cáo các doanh nghiệp Trung Quốc "ăn cắp công nghệ" của Mỹ và không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, ... Trung Quốc mới khẩn trương hoàn tất dự luật đầu tư mới. Trong vỏn vẹn ba tháng, một thời gian ngắn kỷ lục, văn bản này đã được thông qua để được áp dụng kể từ ngày 01/01/2020.

Theo quan điểm của Jean-François Dufour, giám đốc DCA Chine Analyse chuyên cố vấn cho các doanh nhân Pháp muốn sang Trung Quốc hoạt động, luật mới của Bắc Kinh trước hết nhằm thuyết phục Washington về thiện trí cải tổ và tạo một sân chơi công bằng hơn cho tất cả các doanh nghiệp nước ngoài.

"Với những gì chúng ta biết được cho đến hôm nay, Bắc Kinh muốn tạo một sân chơi bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Trung Quốc. Luật này cấm phân biệt đối xử khi một hãng ngoại quốc muốn vào thị trường Trung Quốc hoạt động. Văn bản này cũng đã đề cập tới vế chuyển giao công nghệ. Không phải tình cờ mà dự luật về đầu tư này vừa được Quốc Hội thông qua đúng vào thời điểm Bắc Kinh và Washington sắp kết thúc đàm phán để giải quyết xung khắc về thương mại. Rõ ràng đây là một thông điệp Trung Quốc gửi đến Mỹ".

Năm 2018 có tổng cộng 960.000 hãng ngoại quốc lập cơ sở tại Trung Quốc, với một tỷ lệ tăng trưởng cao (6,6 %) và nhất là chỉ số tiêu thụ của Trung Quốc lại giao động từ 9 đến 10 % một năm. Thế nhưng tại thị trường rộng lớn này, các nhà đầu tư ngoại quốc đã gặp nhiều khó khăn.

Đầu tiên hết là việc phải hợp tác với một doanh nghiệp tại chỗ, vốn được chính quyền ưu đãi. Do vậy, Jean- François Dufour giám đốc DAC China Analyse cho rằng các đối tác Trung Quốc này cũng là "những đối thủ cạnh tranh đáng gờm", nhất là khi trong hợp đồng liên doanh luôn kèm theo vế chuyển giao công nghệ. Thêm một yếu tố khác khiến ông Dufour hoài nghi về thực tâm cải tổ và tạo môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài : đó là tính độc lập của tư pháp Trung Quốc. Luật đầu tư mới quy định, khi có tranh chấp tòa án Trung Quốc sẽ đứng ra làm trong tài.

"Có hai điểm cần tách bạch rõ ràng. Đạo luật vừa được thông qua này thể hiện thiện chí của Trung Quốc nhằm giải tỏa bớt áp lực của Mỹ. Nhưng chỉ cần nhìn sâu hơn một chút vào vấn đề thì tôi không tin rằng luật đầu tư mới của Trung Quốc mang lại nhiều thay đổi cho các doanh nghiệp nước ngoài hay là những thay đổi về cung cách làm ăn của Trung Quốc. Bởi khi xảy ra một vụ kiện tụng, thì trọng tài sẽ là một tòa án Trung Quốc

Chính quyền Trump đòi Bắc Kinh cải tổ sâu rộng cơ cấu, do vậy Trung Quốc mới cho ra đời bộ luật mới về đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là tại Mỹ, tư pháp có rất nhiều quyền hạn trong tay và hoàn toàn độc lập với bên hành pháp. Ở Trung Quốc thì khác. Tại Trung Quốc tất cả tùy thuộc vào Đảng, tư pháp không là một ngoại lệ.

Luật mới về đầu tư quy định, khi xảy ra một vụ kiện tụng, thì trọng tài sẽ là một tòa án Trung Quốc. Sự nghiệp của một viên thẩm phán trong tay Đảng và Nhà nước, vậy thì không ai dại dột đưa ra một phán quyết đi ngược lại ý Đảng, đặc biệt là nếu như đó là một vụ án quan trọng và mang tính chiến lược đối với mặt kinh tế hay thương mại. Lấy một thí dụ cụ thể, khi một cơ quan nào đó của Trung Quốc gọi thầu, về lý thuyết, luật mới cho phép tất cả các doanh nghiệp tham gia, bất luận đó là công ty Trung Quốc, tư nhân, Nhà nước hay là hãng nước ngoài. Nhưng không có gì bảo đảm là một hãng ngoại quốc sẽ trúng thầu, cho dù hội đủ các điều kiện. Thành thử tôi rất nghi ngờ bộ luật mới này và nghi ngờ luôn cả khả năng văn bản đó được áp dụng một cách đúng đắn".

Danh sách các vùng cấm đã được thu hẹp

Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc Tim Stratford, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, cũng tỏ ra hoài nghi không kém. Ông cho rằng "luật đầu tư mới của Trung Quốc chỉ giải tỏa được một phần rất nhỏ những lo lắng của công ty Mỹ". Phần lớn các doanh nhân Hoa Kỳ tại Trung Quốc chỉ trích bộ luật nói trên là "quá mơ hồ" về việc cấm ép buộc chuyển giao công nghệ, về những điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sau cùng, nhiều doanh nhân Mỹ tại Trung Quốc thực sự lo ngại, các tòa án Trung Quốc sẽ tìm mọi cách "bảo vệ các công ty của nước nhà và như vậy, các hãng nước ngoài không thể thực sự thâm nhập vào thị trường Trung Quốc một cách toàn diện".

Nhìn từ phía châu Âu, luật mới về đầu tư nói trên là "một sản phẩm được cho ra lò một cách vội vã để Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận thương mại với Washington" trong lúc mà tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đã bị chựng lại vì chiến tranh mậu dịch kéo dài. Trong bối cảnh đó, giám đốc DCA Chine Analyse cảnh báo :

"Trong một thời gian dài, vốn của các doanh nghiệp ngoại quốc không được đầu tư vào một số lĩnh vực nhậy cảm. Thế nhưng càng ngày thì danh sách những 'vùng cấm' đó càng được thu hẹp lại. Thí dụ như là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, hay năng lượng chẳng hạn. Nhưng cũng phải nhìn nhận Trung Quốc đã mở cửa đón vốn của nước ngoài từ nhiều năm qua, tức là trước khi bị áp lực của Mỹ. Tuy nhiên cái khó đối với các công ty ngoại quốc vào Trung Quốc hoạt động chính là ở chỗ, khi hùn vốn làm ăn với các hãng Trung Quốc, mọi người đều ý thức rằng các trung gian đó vừa là cổng vào thị trường rộng lớn này, nhưng cũng vừa là những đối thủ hết sức lợi hại. Quan trọng nhất ở đây là khi mở cơ sở tại Trung Quốc, các hãng Tây phương phải biết họ đặt ra một lằn ranh đỏ ở chỗ nào, tìm một thế cân bằng để vẫn có lãi mà không bị phía doanh nghiệp Trung Quốc rút hết công nghệ hay bí quyết làm ăn".

Nói cách khác, luật mới về đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh vẫn để cho các doanh nghiệp Trung Quốc "nhiều ngõ thoát hiểm".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.