Vào nội dung chính
HOA KỲ - ĐỨC - HOA VI

Mỹ dọa dừng cấp tin tình báo cho Berlin nếu Đức dùng thiết bị Hoa Vi

Đại sứ quán Mỹ tại Berlin hôm 11/03/2019 xác nhận rằng việc một đồng minh của Mỹ sử dụng các nhà cung cấp thiếu tin cậy khi xây dựng mạng lưới 5G có thể gây tổn hại cho chương trình chia sẻ thông tin tình báo của chính quyền Hoa Kỳ.

Logo của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) quảng bá cho mạng 5G, ngày 12/02/2019.
Logo của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) quảng bá cho mạng 5G, ngày 12/02/2019. REUTERS/Dado Ruvic/File Photo
Quảng cáo

Lời xác nhận chung chung này đã minh họa cho nguồn tin được nhật báo Mỹ Wall Street Journal tiết lộ. Theo nội dung bức thư đề ngày 08/03 được nhật báo Wall Street Journal trích dẫn, Đại Sứ Mỹ Richard Grenell đe dọa là Washington sẽ ngừng cung cấp các thông tin tình báo cho Đức, nếu như nước này tiếp tục sử dụng thiết bị của tập đoàn công nghệ Trung Quốc để phát triển mạng lưới 5G trên lãnh thổ của mình.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ kêu gọi các nước đồng minh ngừng sử dụng thiết bị viễn thông của Hoa Vi, nhưng lời cảnh báo Đức được đưa ra sau khi Berlin, hôm 07/03 vừa qua cho biết sẽ không cấm bất kỳ công ty viễn thông nào tham gia đấu thầu xây dựng hạ tầng cơ sở mạng 5G.

Quyết định của Đức, tương tự như của Anh gần đây, có tác dụng mở cửa cho Hoa Vi chen vào việc xây dựng mạng 5G. Cả Luân Đôn lẫn Berlin đều khẳng định có thể giảm thiểu mọi rủi ro về vấn đề an ninh và bảo mật.

Trong khi đó, Mỹ vẫn tăng áp lực, thúc đẩy đồng minh và một loạt các quốc gia khác loại bỏ Hoa Vi ra khỏi các cuộc đấu thầu thiết kế mạng 5G.

Hoa Vi « treo đầu dê, bán thịt chó » ?

Áp lực của Mỹ trên Hoa Vi gia tăng vào lúc tập đoàn này lại bị tố dùng ảnh chụp từ máy ảnh chuyên dùng để quảng cáo cho máy ảnh dùng trên điện thoại thông minh.

Ngày 10/3, Hoa Vi đã đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc một loạt mẫu ảnh khoe khả năng zoom của chiếc P30 Pro do tập đoàn này chế tạo. Tuy nhiên, trang mạng GSMArena đã phát hiện ra việc những bức hình trên đều là sản phẩm được chụp từ máy loại máy ảnh kỹ thuật số thông thường.

Một ví dụ được nêu bật là một bức hình núi lửa phun trào đã được chụp từ năm 2009 từ một chiếc máy ảnh reflex kỹ thuật số.

Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Vi bị phát hiện quảng cáo mập mờ cho các thiết bị của hãng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.