Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân thảm họa Fukushima

Vào hôm nay, 11/03/2019, toàn thể nước Nhật đã lại giành một phút mặc niệm để tưởng nhớ nạn nhân của ba thảm họa đồng thời xẩy ra cách đây đúng 8 năm : Một trận động đất dữ dội đã làm dấy lên một đợt sóng thần cực lớn, kéo theo một thảm họa hạt nhân khi nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị thiên tai phá hỏng. Tính ra đã có khoảng 18.500 người thiệt mạng trong ba thảm họa liên hoàn đó.

Người dân cầu nguyện cho nạn nhân động đất, sóng thần 11/03/2011 vào lúc xảy ra thảm họa:  2:46 chiều, giờ địa phương  (05:46 GMT). Ảnh tại Iwaki, Fukushima, 11/03/2019.
Người dân cầu nguyện cho nạn nhân động đất, sóng thần 11/03/2011 vào lúc xảy ra thảm họa: 2:46 chiều, giờ địa phương (05:46 GMT). Ảnh tại Iwaki, Fukushima, 11/03/2019. Kyodo/via REUTERS
Quảng cáo

Vào lúc 14:46 giờ địa phương (tức 05:46 giờ GMT), thời điểm xẩy ra trận động đất mạnh 9 độ richter ở ngoài khơi miền đông bắc Nhật Bản, với hệ quả bi thảm mà ngày nay ai cũng biết, người Nhật trên toàn quốc đã giữ một phút im lặng, đặc biệt là tại khu vực dọc theo bờ biển phía đông bắc bị tàn phá nặng nề nhất.

Một lễ tưởng niệm toàn quốc đã được tổ chức tại Tokyo, với sự có mặt của hoàng tử Akishino (con trai thứ của Nhật hoàng Akihito) và phu nhân Kiko, cả hai đại diện hoàng gia Nhật Bản, bên cạnh thủ tướng Shinzo Abe và các thành viên nội các, cũng như đại diện gia đình các nạn nhân và các chính quyền địa phương.

Trận động đất kéo theo những đợt sóng thần khổng lồ, có nơi cao đến vài chục mét, đã trực tiếp giết chết 18.430 người, nhưng chỉ có 15.897 thi thể được tìm thấy. Ngoài ra, do điều kiện sơ tán và sinh hoạt hết sức khó khăn vừa do sự tàn phá của động đất và sóng thần, vừa do tai nạn hạt nhân, đã có thêm khoảng 3.700 nạn nhân khác sau đó được công nhận là do các thảm họa ngày 11 tháng Ba năm 2011.

Thảm kịch cách đây 8 năm đã ghi đậm dấu ấn trong cách sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Thông tín viên Bruno Duval tại Tokyo ghi nhận :

Từ ngày 11/03/2011, nhiều người Nhật luôn chuẩn bị sẵn « một cái túi vật dụng để sinh tồn ». Một bà nội trợ giải thích : « Trong cái túi này, có một cái radio, một cái đèn pin, và pin để thay thế… để mang theo trong trường hợp phải sơ tán gấp rút. Nói thế thôi, chứ khi xẩy ra chuyện, có thể là tôi sẽ không kịp chạy đi. Như vậy, tôi đành phải ở lại nhà và cầu nguyện, trông chờ vào số phận mà thôi ».

Một số người khác thì dứt khoát hơn và đã tích trữ lương thực trong nhà. Một người đã về hưu cho biết : « Trong nhà, tôi luôn có đủ thức ăn và nước uống để sống được trong một tuần lễ, nếu không còn gì tại các cửa hàng sau một trận động đất lớn. »

Trong vòng 8 năm qua, số lượng nhà đóng thêm bảo hiểm động đất đã tăng vọt. Tuy nhiên, nhiều cơ sở công cộng – như trường học chẳng hạn - sẽ không chịu nổi động đất ở mức độ như vào năm 2011. Cho nên, bộ Giáo Dục Nhật Bản đã cho phép học sinh đến lớp với điện thoại di động của các em.

Một bậc phụ huynh đã rất hoan nghênh quyết định trên : « Đó là điều tối thiểu. Sau một thảm họa, tôi muốn liên lạc được với con gái tôi ngay trong hai phút sau để xem nó có bình yên hay không. »

Theo giới chuyên gia, có đến đến 80% xác suất là trong vòng 30 năm tới đây, động đất kéo theo sóng thần lớn sẽ lại tàn phá một phần lớn bờ biển phía đông Nhật Bản.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.