Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ

Ảnh vệ tinh : Bắc Triều Tiên chuẩn bị phóng một tên lửa

Hãng tin Bloomberg, ngày 09/03/2019, cho biết Bắc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc một tên lửa phóng vệ tinh, theo các hình ảnh vệ tinh mà đài phát thanh công NPR của Mỹ được cung cấp.

Ảnh vệ tinh: Bãi phóng tên lửa Sohae của Bắc Triều Tiên.
Ảnh vệ tinh: Bãi phóng tên lửa Sohae của Bắc Triều Tiên. Distribution Airbus DS/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Các ảnh vệ tinh này được công ty Digital Globe chụp vào ngày 22/02, tức là trước khi diễn ra thượng đỉnh Hà Nội, tại bãi phóng Sanumdong, gần thủ đô Bình Nhưỡng, nơi mà Bắc Triều Tiên đã lắp ráp các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa phóng vệ tinh.

Trả lời đài NPR, ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Dự án Phi hạt nhân hóa Đông Á, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho rằng các ảnh vệ tinh nói trên cho thấy dường như Bắc Triều Tiên đang trong tiến trình lắp ráp một tên lửa. Tuy nhiên, theo ông Lewis, không thể nào biết được là Bình Nhưỡng đang chuẩn bị bắn một tên lửa quân sự hay một tên lửa phóng vệ tinh.

Dựa trên các ảnh vệ tinh mới, các chuyên gia Mỹ ngày 07/03 cũng nhận thấy là bãi phóng tên lửa Sohae của Bắc Triều Tiên đã nhanh chóng được xây lại, mặc dù việc tháo dỡ bãi phóng này là một trong những cam kết của chủ tịch Kim Jong Un với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sau nhiều ngày im lặng, ngày 08/03/2019, hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA lên tiếng cho rằng chính Hoa Kỳ đã khiến thượng đỉnh Donald Trump –Kim Jong Un diễn ra cuối tháng 2/2019 ở Hà Nội không đạt được một thỏa thuận nào.

Dù vậy, tổng thống Trump hôm qua bảo đảm là quan hệ giữa ông với lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng vẫn « rất tốt ». Theo nhận định của hãng tin AFP, cho dù thượng đỉnh Hà Nội thất bại, tổng thống Mỹ vẫn bám vào chiến lược của ông, đó là « được ăn cả, ngã về không ». Vấn đề là, theo chuyên gia Jenny Town, trang mạng 38 North, chiến lược này luôn gặp thất bại do việc cả hai lãnh đạo đều thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.

Về phần Joseph Yun, nguyên là đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, ông nhận định rằng rất khó mà chứng minh là chính quyền Trump không còn thái độ thù địch với Bắc Triều Tiên. Điều này khiến tình hình rơi vào bế tắc và chính vì vậy mà phía Bình Nhưỡng muốn tiến từng bước để tạo sự tin cậy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.