Vào nội dung chính
ANH - TRUNG QUỐC - BREXIT

Brexit đẩy nước Anh rơi vào tay Trung Quốc nhanh hơn

Xử lý vụ Hoa Vi như thế nào ? Chưa có lúc nào Anh Quốc lại bối rối như lúc này. Luân Đôn bị giằng xé giữa đồng minh Washington và đối tác Bắc Kinh. Câu hỏi đặt ra : Trong bối cảnh tương lai kinh tế mịt mù vì Brexit, liệu rằng nước Anh có chấp nhận rủi ro hy sinh một phần sự hợp tác với các đồng minh truyền thống, để có được sự hỗ trợ mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc ?

Logo của tập đoàn Hoa Vi và biểu tượng mạng 5G. Ảnh minh họa.
Logo của tập đoàn Hoa Vi và biểu tượng mạng 5G. Ảnh minh họa. REUTERS/Dado Ruvic/File Photo
Quảng cáo

Càng gần đến kỳ hạn Brexit, ngày 29/03, nước Anh càng « cuống quýt ». Thái độ này thể hiện rõ qua việc chỉ trong vòng có vài ngày, nhiều cơ quan chính phủ Anh Quốc đã có những quan điểm trái ngược nhau về vụ Hoa Vi.

Ngày 20/02/2019, một báo cáo của Royal United Service Institute (Rusi) đã khẳng định Anh Quốc chẳng có lợi gì khi để tập đoàn viễn thông Trung Quốc tham gia việc phủ sóng mạng 5G chiến lược. Báo cáo này phản bác lại tuyên bố của lãnh đạo cơ quan tình báo Anh quốc trước đó vài ngày cho rằng các thiết bị viễn thông của Hoa Vi không hàm chứa nhiều rủi ro, đến mức phải cấm tập đoàn này gia nhập thị trường.

Cử chỉ hòa dịu này của nước Anh, như quan điểm của lãnh đạo tình báo quốc gia cho thấy, cũng đi ngược với quan điểm cứng rắn của đồng minh Hoa Kỳ, ví tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị xem là cỗ máy dọ thám cho chính quyền Bắc Kinh và Washington đã kêu gọi các nước tẩy chay Hoa Vi.

Giải thích vì sao nước Anh có vẻ « cuống cuồng » như thế, ông Jean-François Dufour, giám đốc văn phòng cố vấn DCA Chine Analyse nhận định với kênh truyền hình France 24 rằng chính « nguy cơ bị giảm trao đổi mậu dịch với các nước khác trong khối Liên Hiệp Châu Âu sau Brexit buộc nước Anh phải dàn xếp với các nhà đầu tư Trung Quốc ».

Hoa Vi là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà Vương Quốc Anh không có cùng tiếng nói với các đồng minh trong nhóm Five Eyes, nhóm hợp tác về tình báo bao gồm 5 nước Anh, Mỹ, Úc, Canada và New Zealand, để cùng chia sẻ những thông tin cực kỳ nhậy cảm. Việc Luân Đôn ngập ngừng không muốn giữ khoảng cách với Hoa Vi rất có thể khiến « các đối tác trong nhóm Five Eyes ngần ngại hợp tác với nước Anh », như cảnh báo của ông Charles Parton, nhà cựu ngoại giao có 22 năm làm việc ở Trung Quốc và là tác giả bản báo cáo của Rusi.

Thế nhưng, Anh Quốc cũng như nhiều nước châu Âu khác khó có thể « quay lưng » với Hoa Vi. Tập đoàn viễn thông này, liên kết với nhà khai thác mạng BT từ năm 2005, hồi tháng 2/2018 đã cam kết đầu tư ba tỷ euro trong vòng 5 năm để hiện đại hóa mạng viễn thông nước Anh.

Hơn nữa, Hoa Vi cũng chưa phải là nguồn đầu tư Trung Quốc duy nhất tại Anh Quốc. Nếu như nhiều nước châu Âu khác như Pháp và Đức thận trọng tiếp nhận đầu tư Trung Quốc, tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp mũi nhọn chống lại việc chuyển giao công nghệ như Trung Quốc yêu cầu, thì tại nước Anh, Bắc Kinh ồ ạt đầu tư trong nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trong vòng chưa đầy 20 năm, Anh trở thành điểm đầu tư hàng đầu của Trung Quốc và là đối tác thương mại châu Âu hàng thứ hai, chỉ sau Đức. Nếu như từ lâu Luân Đôn vẫn tìm cách duy trì mối quan hệ thương mại theo phương châm « đôi bên cùng có lợi », thì thế cân bằng này nay đã bị bẻ gãy.

Sự việc cho thấy rõ nền kinh tế Anh Quốc bị lệ thuộc vào Trung Quốc đến dường nào. Ông Jean-François Dufour kết luận : « Bắc Kinh kể từ giờ trong thế mạnh » và có thể áp đặt các điều kiện của mình. Nước Anh trong thế bất lợi, mà vụ « Hoa Vi và mạng 5G » là một ví dụ điển hình : Để tránh bị mất nguồn tài chính dồi dào của Trung Quốc vào thời điểm nhậy cảm này, Luân Đôn không còn cách nào khác là phải để cho sói Hoa Vi vào nhà.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.