Vào nội dung chính
HOA KỲ - BIỂN ĐÔNG

Mỹ hô hào đồng minh và đối tác can dự vào Biển Đông, Bắc Kinh tức tối

Điều trần trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ ngày 12/02/2019 vừa qua, đô đốc chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ đã tiết lộ một chủ trương mới nhằm đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông: Đó là kết hợp với các đối tác và đồng minh trong và ngoài khu vực để cùng nhau hành động, chống lại ảnh hưởng xấu của các tác nhân Nhà nước và phi nhà nước, đặc biệt là ở Biển Đông, ám chỉ các lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc.

Bức ảnh Hải Quân Hoa Kỳ chụp ngày 10/05/2015 : Máy bay của Không quân Hoàng gia Malaysia trong cuộc tập trận chung với khu trục hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Biển Đông.
Bức ảnh Hải Quân Hoa Kỳ chụp ngày 10/05/2015 : Máy bay của Không quân Hoàng gia Malaysia trong cuộc tập trận chung với khu trục hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Biển Đông. LT. JONATHAN PFAFF / US NAVY / AFP
Quảng cáo

Phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ, đô đốc Philip Davidson đã tỏ ý vui mừng trước sự kiện là cho đến nay, nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ, dù không phải là các nước ven Biển Đông, nhưng cũng đã « bằng cách này hay cách khác, tăng cường các hoạt động trên Biển Đông ».

Vị đô đốc Mỹ đã nêu đích danh các nước Anh, Nhật, Úc, New Zealand, Canada và Pháp. Hoạt động gia tăng của Pháp và Anh ở Biển Đông đã được nêu thành ví dụ, đặc biệt là cuộc diễn tập chung giữa khinh hạm Anh HMS Argyll và khu trục hạm Mỹ USS McCampbell ở Biển Đông, mà theo đô đốc Davidson, đã nhấn mạnh « thông điệp quốc tế gởi đến những ai tìm cách cản trở quyền tự do đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép ».

Các đối tác trong khu vực đi đầu là Singapore và Việt Nam

Bên cạnh đó, chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Mỹ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng xác nhận rằng ông đang tập trung vào việc thuyết phục các đồng minh Đông Nam Á của Mỹ là Thái Lan và Philippines, cũng như các đối tác của Hoa Kỳ trong vùng là Singapore và Việt Nam.

Về Singapore, đô đốc Davidson đã nêu bật sự kiện là cho dù không phải là đồng minh chính thức của Mỹ, đảo quốc Đông Nam Á này đã mở rộng cho Hoa Kỳ cửa ngõ đi vào Biển Đông, đồng thời tích cực hỗ trợ cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ trong khu vực.

Còn về Việt Nam, ông Davidson đã hoan nghênh việc Việt Nam cùng chia sẻ một số nguyên tắc của Hoa Kỳ về luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải. Vị tư lệnh Mỹ đặc biệt ghi nhận sự kiện Việt Nam đã có « một trong những tiếng nói lớn nhất » liên quan đến cuộc tranh chấp trên Biển Đông.

Mỹ đã thấy rằng FONOP không đủ sức ngăn chặn Trung Quốc

Nhận định về khía cạnh mới kể trên trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày hôm qua đã trích dẫn một số chuyên gia quân sự cho rằng việc huy động đồng minh và đối tác là dấu hiệu cho thấy là Mỹ đã nhận thức rõ rằng các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) mà Mỹ tiến hành không đủ sức chống lại tham vọng quân sự của Trung Quốc.

Ông Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng Hoa Kỳ cần đến một chiến lược lớn phù hợp hơn, sử dụng một tập hợp công cụ toàn diện hơn, theo cách phối hợp nhiều hơn với các đồng minh và đối tác.

Phát biểu của chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ dĩ nhiên đã bị Trung Quốc cực lực đả kích. Vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, đã cho rằng những cáo buộc của Mỹ nhắm vào Trung Quốc chỉ là những cái cớ được viện ra để biện minh cho việc Washington quân sự hóa Biển Đông.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngừng khuấy động vấn đề Biển Đông và tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong vùng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.