Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ

Thượng đỉnh Trump-Kim: Xóa bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon để có hiệp định hòa bình?

Khác với thượng đỉnh Singapore tháng 6/2018, lần này trong hai ngày họp 27 à 28/02/2019 tại Hà Nội, mọi người chờ đợi tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phải đi sâu vào chi tiết về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun trong buổi làm việc với ngoại trưởng Hàn Quốc  Kang Kyung Wha tại Seoul, ngày 09/02/2019.
Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun trong buổi làm việc với ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha tại Seoul, ngày 09/02/2019. Ed JONES/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Đôi bên nhượng bộ những gì và nhượng bộ đến đâu mới vừa lòng đối phương ? Theo giới quan sát, có nhiều khả năng Bình Nhưỡng giải thể cơ sở hạt nhân Yongbyon để đòi Washington xóa bỏ cấm vận kinh tế.

Chuyến công tác của đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, Stephen Biegun trong tuần qua tại Seoul và Bình Nhưỡng, cũng như các cuộc họp được dự trù mở ra vào tuần tới, sát nút thượng đỉnh Hà Nội, đang làm dấy lên hy vọng đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Bắc Á.

Đến nay, Bình Nhưỡng đòi Washington bãi bỏ lệnh cấm vận. Còn về phía Hoa Kỳ thì chính quyền Trump đòi Kim Jong Un phải đi một bước trước, tức là từ bỏ tham vọng hạt nhân một cách "hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược". Câu hỏi đặt ra là để đạt đến đích, mỗi bên sẵn sàng đánh đổi những gì ?

Bình Nhưỡng hy sinh cơ sở Yongbyon

Trước hết về phía Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã nhiều lần đánh tiếng sẽ hy sinh cơ sở hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bắc Triều Tiên khoảng 100 cây số về phía bắc. Đây là nơi sản xuất uranium và plutonium, hai vật liệu chính để chế tạo bom nguyên tử.

Tháng 9/2018 sau thượng đỉnh lần thứ ba với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chính tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in đã cho biết, Bình Nhưỡng sẵn sàng đóng cửa nhà máy Yongbyon nếu như Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp "tương ứng". Seoul đã nhiều lần tán đồng giải pháp này. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha trong một lần trả lời báo Mỹ, Washington Post đầu tháng 10/2018 từng giải thích : "Nếu Bình Nhưỡng thực hiện điều này để đổi lấy các biện pháp tương ứng từ phía Washington, như là tuyên bố kết thúc chiến tranh chẳng hạn thì đó sẽ là một bước tiến rất lớn" trong tiến trình giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Bản thân Hoa Kỳ cũng đã trực tiếp xác nhận tin Kim Jong Un cam kết giải thể cơ sở Yongbyon.

Dù vậy một số tiếng nói còn thận trọng trước thiện chí của Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên không tập trung hết ở Yongbyon. Đây cũng không phải là nơi duy nhất sản xuất uranium và plutonium phục vụ mục tiêu quân sự.

Chuyên gia Hàn Quốc, Nam Sung Wook, nguyên chủ tịch Viện An Ninh và Chiến Lược Quốc Gia Hàn Quốc xem cam kết giải thể cơ sở Yongbyon là một bước nhượng bộ "nửa vời" và lo ngại Bình Nhưỡng sẽ kéo dài thời gian để đòi đối phương nhượng bộ nhiều hơn nữa.

Còn phía Mỹ ?

Nhiều nhà quan sát cho rằng, để Kim Jong Un chấp nhận xóa sổ cơ sở hạt nhân Yongbyon, Donald Trump cũng phải có những bước "nhượng bộ thỏa đáng". Đấy có thể là hiệp ước kết thúc chiến tranh Triều Tiên, quyết định mở văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Cuối tháng Giêng, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun từng tuyên bố "tổng thống Trump sẵn sàng khép lại chiến tranh Triều Tiên". Nhưng trên thực tế, con đường dẫn tới một hiệp định hòa bình thực sự còn nhiều chông gai.

Bởi với hiệp định hòa bình đó, Washington sẽ phải xét lại toàn bộ chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, mà đầu tiên hết là sự hiện diện của hơn 28.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Không chỉ có Bắc Triều Tiên mà cả Trung Quốc cũng đang nóng lòng muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ngay sát cạnh.

Trong bối cảnh đó, giải thể cơ sở hạt nhân Yongbyon là một bước nhượng bộ "chưa tương xứng". Ngoài kho vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ còn tập trung vào tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên, có thể mang đầu đạn hạt nhân bắn tới lãnh thổ Mỹ. Thế nhưng, liệu rằng đôi bên có đặt lên bàn cân các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Bình Nhưỡng hay không ? Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á, nằm trong tầm bắn của hai loại tên lửa này, đang hồi hộp trước những tính toán của Donald Trump và Kim Jong Un.

Đấy là một loạt những khó khăn mà các chuyên gia cho rằng, cả phía Mỹ lẫn Bắc Triều Tiên khó có thể đưa ra những giải đáp thỏa đáng để làm vừa lòng đối phương. Do vậy khả năng một hiệp đình hòa bình được ra đời tại Việt Nam lần này “rất thấp”.

Trả lời hảng tin Pháp AFP, chuyên gia Kim Dong Yub, thuộc Viện Nghiên Cứu Viễn Đông của Hàn Quốc cho rằng, đôi bên phải mất "ít nhất ba năm" mới có thể tiến tới một hiệp định hòa bình. Dù vậy chuyên gia này kỳ vọng thượng đỉnh Hà Nội sẽ đặt nền tảng cho công trình dài hơi đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.