Vào nội dung chính
NGA - NHẬT BẢN

Tranh chấp quần đảo Kuril : Ranh giới không thể vượt qua trong quan hệ Nga-Nhật

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Vladimir Putin – Shinzo Abe kết thúc ngày hôm qua, 22/01/2019, tại Matxcơva đánh dấu bằng thất bại trong việc ký kết một hiệp định hòa bình. Một lần nữa tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Kuril lại là vật cản chính cho chiến lược xích lại gần nhau Nhật – Nga, như hai bên mong muốn.

Đàm phán Nga - Nhật. Dẫn đầu hai phái đoàn là ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Nhật Taro Kono, Matxcơva, ngày 14/01/2019.
Đàm phán Nga - Nhật. Dẫn đầu hai phái đoàn là ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Nhật Taro Kono, Matxcơva, ngày 14/01/2019. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có 25 lần gặp nhau trực tiếp, trong đó không ít lần để thảo luận về một hiệp định hòa bình giữa hai nước, kể từ khi nước Nhật bại trận trong Đệ nhị Thế chiến 1945.

Vào tháng 9 năm ngoái, tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ ngỏ ý đề nghị Tokyo lật qua trang sử mới với việc ký hiệp định hòa bình giữa hai nước mà không cần « điều kiện tiên quyết ». Thế nhưng, cuối cùng tranh chấp chủ quyền 4 hòn đảo trong quần đảo Kuril vẫn là ranh giới không thể vượt qua trong quan hệ Nga - Nhật.

Nhóm bốn đảo phía nam quần đảo Kuril nằm rất gần Nhật Bản hiện do Matxcơva quản lý từ khi Liên Xô sáp nhập năm 1945, vẫn được Nga gọi là Nam Kuril. Còn Nhật gọi đó là « lãnh thổ phương bắc » bị « Nga chiếm giữ trái phép ». Đây là vùng biển đảo được đánh giá không chỉ giàu tài nguyên khoáng sản, thủy sản mà còn là cửa ngõ ra vào Thái Bình Dương cho các hạm đội hải quân Nga.

Việc hai ông Vladimir Putin và Shinzo Abe gặp nhau nhiều lần không phải không có lý do. Điều đó chứng tỏ cả hai bên đều ý thức được sự xích lại gần nhau trong bối cảnh địa chính trị hiện nay là mang tính chiến lược. Nếu quan hệ Nga-Nhật ấm lên, hai nước sẽ có được lợi ích chung về hợp tác kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó nhằm tạo thế cân bằng giữa các cường quốc ở châu Á hoặc thay đổi thế tương quan giữa Nga và phương Tây.

Với hy vọng một hiệp định hòa bình được ký với Matxcơva, Tokyo sẽ củng cố chiến lược tạo đối trọng với Bắc Kinh. Từ năm 2013, dưới thời của thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản được xem như đã có nhiều nỗ lực nhằm vượt qua bế tắc trong vấn đề lãnh thổ để cải thiện quan hệ với Nga, hoặc ít ra là để duy trì quan hệ đối thoại cấp cao với Matxcơva.

Năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimée và can thiệp quân sự vào miền đông Ukraina, phương Tây áp dụng một loạt trừng phạt với Nga và Matxcơva cũng đáp lại bằng những biện pháp trả đũa khác nhau. Nhật Bản đứng về phía phương Tây, nhưng vẫn khôn khéo, uyển chuyển duy trì quan hệ với Nga để theo đuổi mục tiêu riêng. Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản nhằm vào Nga cũng được xem như là không đáng kể, và chỉ được đưa ra dưới sức ép của Washington. Đổi lại, Nga cũng hầu như không áp dụng biện pháp trả đũa nào đối với hàng hóa Nhật.

Theo các nhà quan sát, việc xích lại gần Nhật Bản đã cho phép Nga phá vỡ mặt trận chung của các cường quốc phương Tây. Mặc dù chính phủ Abe luôn tỏ ra năng động trong chính sách Nga, vấn đề tranh chấp lãnh thổ vẫn là một tồn đọng lịch sử không giải quyết được. Matxcơva tập trung khai thác mối quan hệ song phương với Tokyo theo hướng có lợi cho mình, mà không phải đưa ra những nhượng bộ liên quan tới các đảo Nam Kuril.

Sự quan tâm của Nga đối với Trung Quốc ngày càng lớn, một thị trường vũ khí quan trọng của Matxcơva và sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Mỹ trong khuôn khổ hiệp ước an ninh chung, chính là những yếu tố càng gây thêm khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật.

Một yếu tố khác càng khiến triển vọng giải quyết tranh chấp các đảo Nam Kuril thêm xa vời, đó là tầm quan trọng về chính trị-quân sự của các đảo Nam Kuril đối với Matxcơva những năm gần đây.

Tương lai của các đảo Nam Kuril trong bối cảnh liên minh Nhật-Mỹ vẫn gắn chặt sẽ đặt ra 2 câu hỏi lớn : Nếu Nga trả Nhật Bản, liệu các đảo này có bị đặt dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ hay không ? Liệu Mỹ có được quyền thiết lập các căn cứ hay lắp đặt các trang thiết bị quân sự trên quần đảo này hay không ? Nếu câu trả lời là có, thì đó là điều Nga không bao giờ chấp nhận được. Còn nếu câu trả lời là không thì người Nga vẫn hoài nghi, vì mối quan hệ chiến lược Nga – Nhật dù sao cũng chỉ được quan tâm gây dựng chưa đầy một thập kỷ qua, trong đó lòng tin chưa được tạo dựng hoàn chỉnh.

Các cuộc đàm phán về chủ quyền các đảo ở Kuril không thể sớm được giải quyết trong ngày một ngày hai, như tổng thống Putin đã tuyên bố sau cuộc đàm phán với ông Abe ngày hôm qua. Giữ nguyên hiện trạng chủ quyền các đảo Nam Kuril sẽ có lợi cho Nga và cùng khai thác phát triển kinh tế trong khu vực tranh chấp có lẽ là giải pháp dễ được chấp nhận hơn cả. Vì thế mà không chỉ lần này, trong các cuộc gặp thượng đỉnh trước, tổng thống Vladimir Putin đã không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào liên quan tới việc trao trả các đảo trong Kuril cho Nhật Bản.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.