Vào nội dung chính
HOA KỲ - ĐÀI LOAN

Đô đốc John Richarson: Hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ qua eo biển Đài Loan

Cho dù vũ khí của Trung Quốc ngày càng tiến bộ, Hải Quân Mỹ không ngại đi qua eo biển Đài Loan, một phần của trục giao thông quốc tế. Trên đây là lời cảnh báo của đô đốc John Richardson vào hôm 18/01/2019 tại Tokyo nhắm vào Bắc Kinh sau hai ngày viếng thăm Trung Quốc.

Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Hoa Kỳ, ảnh chụp ngày 15/10/2015.
Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Hoa Kỳ, ảnh chụp ngày 15/10/2015. REUTERS/Yoshikazu Tsuno/Pool
Quảng cáo

Theo Reuters, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với Đài Loan cũng như với Mỹ đang căng thẳng, đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Hoa Kỳ cho biết « không loại trừ khả năng đưa hàng không mẫu hạm » vào vùng và đi ngang qua eo biển Đài Loan.

Trong năm 2018, ba lần chiến hạm Mỹ đi qua trục giao thông này mà Trung Quốc xem là biển nhà, nhưng từ hơn 10 năm nay, chưa sử dụng hàng không mẫu hạm để biểu dương lực lượng. Khi được hỏi trong thời gian này, Trung Quốc đã gia tăng cải tiến vũ khí, trang bị tên lửa chống hạm, có đáng sợ hay không, tư lệnh hải quân Mỹ tuyên bố với báo chí : « Không có lý do gì ngăn cấm hải thuyền đi qua eo biển Đài Loan. Đối với Mỹ, eo biển Đài Loan là một trục giao thông quốc tế ».

Đô Đốc Richardson đến Tokyo ngày 18/01/2019 sau hai ngày thăm Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, tư lệnh hải quân Mỹ khuyến cáo Trung Quốc là Mỹ chống lại mọi hành động đơn phương tấn công Đài Loan. Mặt khác, ông cũng kêu gọi Hải Quân Trung Quốc tôn trọng các nguyên tắc quốc tế trong trường hợp bất ngờ gặp tàu chiến nước khác. Vào tháng 10/2018, một khu trục hạm Trung Quốc đã áp sát khu trục hạm USS Decatur của Mỹ tại Hoàng Sa, một quần đảo thuộc chủ quyền truyền thống của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 1974.

Bắc Kinh gây sức ép với các tập đoàn đa quốc gia

Để cô lập Đài Loan, Bắc Kinh không từ một phương tiện nào. Theo Reuters, hàng chục đại công ty đa quốc gia, trong thời gian gần đây, đã bị các nhóm « tư vấn Trung Quốc » gây áp lực. Không tôn trọng nguyên tắc « một nước Trung Quốc » khi giới thiệu hoạt động tại Hồng Kông và Đài Loan, hơn 60 công ty bị đưa vào danh sách đen.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :

« Căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Tuy nhiên, lần này, áp lực tâm lý mạnh hơn là đe dọa quân sự vẫn thường xuyên xuất hiện qua các bài diễn văn của giới lãnh đạo Trung Quốc, như của ông Tập Cận Bình, cách nay vài hôm, tuyên bố không từ bỏ phương án vũ lực.

Theo hãng Reuters, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội tại Bắc Kinh, một cơ quan đầy thế lực, đã báo cáo một danh sách các công ty nước ngoài không tuân thủ « nguyên tắc một nước Trung Quốc » theo chủ trương của chế độ cộng sản. Nằm trong danh sách « học trò xấu », 66 trong số 500 tập đoàn thế giới đã « dùng sai » từ ngữ khi gọi tên Đài Loan và 53 công ty phạm sai lầm khi nói về Hồng Kông.

Từ khi bà Thái Anh Văn, chính trị gia chủ trương Đài Loan độc lập, đắc cử tổng thống vào năm 2016, Bắc Kinh gia tăng sức ép đáng kể lên hải đảo. Chế độ cộng sản theo dõi và khuyến cáo chỉnh sửa bất cứ ai và bất cứ chuyện gì bị xem là đi theo xu hướng ly khai.

GAP, nhãn hiệu y phục may sẵn của Mỹ, bị ép phải xin lỗi vì bán áo thun T-Shirt in bản đồ Trung Quốc mà không thêm đảo Đài Loan. Quảng cáo, danh bạ trên mạng cũng bị kiểm duyệt theo dõi gắt gao. Trang mạng của Air France, Air Canada, Lufthansa, British Airways phải ghi Đài Loan là lãnh thổ của Trung Hoa lục địa.

Trong bản báo cáo của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội mà Reuters trích dẫn có tên của các đại công ty như Amazon, Apple, Nike, Siemens, Subaru… được mời chấp hành yêu cầu của chính quyền Trung Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.