Vào nội dung chính
NGA - NHẬT BẢN

Quần đảo Kuril : Nga thẳng thừng bác đòi hỏi của Nhật

Nga và Nhật tiếp tục bế tắc trong các thương lượng về một nhóm đảo thuộc quần đảo Kuril, khu vực mà Tokyo gọi là « vùng lãnh thổ phương Bắc ». Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trong cuộc gặp đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono hôm qua, 14/01/2019, đã thẳng thừng từ chối việc thương lượng về chủ quyền quần đảo Kuril, căn cứ trên Tuyên bố chung Liên Xô – Nhật Bản năm 1956.

Lãnh đạo Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono (T) và đồng nhiệm Nga Sergueï Lavrov tại Matxcơva, ngày 14/01/2019.
Lãnh đạo Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono (T) và đồng nhiệm Nga Sergueï Lavrov tại Matxcơva, ngày 14/01/2019. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Serguei Lavrov và Taro Kono hôm qua nhằm chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Nga và thủ tướng Nhật ngày 22/01/2019 tại Matxcơva. Sau buổi làm việc hôm qua với ngoại trưởng Nga, bộ trưởng Nhật cho biết giữa hai bên có « nhiều bất đồng đáng kể ».

Thông tín viên Daniel Vallot từ Matxcơva giải thích :

« Các thảo luận giữa ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono chỉ kéo dài vài giờ, nhưng rõ ràng là hai bên đã không đạt được bất cứ tiến bộ nào sau cuộc gặp này.

Tâm điểm của căng thẳng song phương là quần đảo Kuril. Bốn hòn đảo trên Thái Bình Dương, ở phía bắc Nhật Bản, bị Liên Xô sáp nhập sau Thế chiến Hai. Ngoại trưởng Nga tuyên bố kiên quyết không trả lại cho Nhật Bản :

‘‘Chúng tôi đã khẳng định sẵn sàng làm việc trên cơ sở Tuyên bố 1956. Điều đó có nghĩa là quốc gia láng giềng Nhật Bản ngay từ đầu đã công nhận hiện trạng lãnh thổ sau Thế chiến Hai, và điều này là không thể thương lượng. Trong đó có vấn đề chủ quyền của nước Nga đối với toàn bộ quần đảo Kuril. Đây là lập trường căn bản của chúng tôi. Nếu không có một bước tiến nào theo hướng này, thì sẽ rất khó có các tiến bộ trong những vấn đề còn lại’’.

Hồi tháng 11/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cam kết sẽ có tiến bộ trong hồ sơ này, và Matxcơva và Tokyo sẽ đạt được một hiệp định hòa bình trong năm 2019. Tuy nhiên, kể từ đó, quan hệ Nhật – Nga đã xấu đi rõ rệt. Việc Nga thông báo xây dựng một số doanh trại trên quần đảo Kuril khiến Nhật khó chịu. Về phần mình, điện Kremlin bực tức về những tuyên bố mới đây của thủ tướng Nhật, hứa hẹn sẽ có thay đổi chủ quyền tại quần đảo nói trên ».

Theo AFP, Tuyên bố chung 1956 cho phép thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Nhật Bản, có nhắc đến việc sẽ trả lại cho Tokyo hai trong số bốn đảo thuộc quần đảo Kuril mà Nga kiểm soát, một khi hiệp ước hòa bình song phương được ký kết. Tuy nhiên, văn bản này đã bị Liên Xô hủy bỏ năm 1960, sau khi Nhật - Mỹ ký một hiệp ước hợp tác song phương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.