Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hàn Quốc nghiêm trị việc « rủ rê » cùng tự tử trên mạng

Đăng ngày:

Hàn Quốc ra luật phạt những ai kêu gọi thành lập nhóm cùng tự tử trên mạng; Một tổ chức dân sự Úc quyên góp tiền giúp phụ nữ thổ dân thoát cảnh tù giam; Giới y khoa Pháp cảnh báo tác hại đối với việc tập luyện thể thao tăng cường sớm ở trẻ em ; và Michael Jackson qua nét vẽ của hội họa đương đại. Trên đây là những chủ đề chính Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Hàn Quốc phạt nặng những ai sử dụng mạng xã hội thành lập nhóm cùng tự tử. Ảnh minh họa.
Hàn Quốc phạt nặng những ai sử dụng mạng xã hội thành lập nhóm cùng tự tử. Ảnh minh họa. CC0 Pixabay/LoboStudioHamburg
Quảng cáo

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có số người tự tử cao nhất hành tinh chúng ta. Để ngăn chặn tình trạng này, Seoul ra luật mới : Thành lập một nhóm người trên mạng để cùng nhau tự tử kể từ giờ sẽ bị phạt tù. Luật này vừa được thông qua hồi cuối tháng 12/2018. Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias, cho biết thêm chi tiết :

« Luật này nghiêm cấm chia sẻ trên các mạng xã hội các thông tin về cách thực hành và các lời khuyên tự tử như thế nào. Đạo luật, vốn để « phòng ngừa nạn tự tử và khuyến khích tôn trọng sự sống », cũng nghiêm cấm tụ tập nhiều người nản chí thông qua mạng Internet nhằm để cùng nhau hành động.

Kích động hay khuyến khích người khác vi phạm một hành vi không thể sửa chữa được, thông qua các thông điệp, hình ảnh hay vidéo được chia sẻ trên mạng, kể từ nay có thể bị phạt hai năm tù giam và 15.000 euro tiền phạt.

Một yếu tố quan trọng khác : đạo luật cho phép các trung tâm cấp cứu thu thập các dữ liệu cá nhân từ các nhà khai thác mạng điện thoại di động và định vị một người nào có những dấu hiệu cho thấy rất có thể muốn tự tử. Mục đích là để có thể cứu giúp người này một cách nhanh nhất có thể ».

Câu hỏi đặt ra : Vì sao chính quyền Seoul đặc biệt nhắm đến Internet ? Thông tín viên Frédéric Ojardias giải thích tiếp :

« Với tỷ lệ 23 người chết trong số 100.000 người năm 2017, Hàn Quốc đứng hàng thứ hai quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong khối các nước OCDE (Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế). Theo nhật báo Korea Times, luật này tấn công vào một tình trạng ngày càng phổ biến : Phát tán trên mạng các phương pháp tự tử, có thể tiếp cận một cách dễ dàng với vài cú nhấp chuột.

Một cuộc điều tra của bộ Y Tế và cảnh sát, được tiến hành hồi năm 2018, dường như đã thu thập được khoảng 8.000 hình thức cho kiểu nội dung này. Chẳng hạn, một số tin nhắn trên các mạng xã hội còn giới thiệu ʺnhững lợi ích của mỗi phương pháp" và đôi khi còn được dùng để tổ chức các vụ tự tử tập thể, như báo động của tờ Korea Times.

Tuy nhiên, nếu như các vụ tự tử tập thể xưa kia thường xuyên là những tít lớn trên báo chí Hàn Quốc, thì dường như số lượng các vụ tự tử kiểu này đã giảm đi những năm gần đây ».

Vẫn theo thông tín viên Frédéric Ojardias, kết quả này có được là nhờ vào các nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc từ nhiều năm qua:

« Ngay từ năm 2000, luật Hàn Quốc đã buộc các nhà khai thác mạng phải tìm cách chặn những trang trao đổi tư vấn tự tử. Điểm khác biệt hiện nay là chính tác giả của những thông điệp này có nguy cơ lãnh án tù giam.

Đối mặt với một tỷ lệ tự tử cao mà cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, nhất là đời sống bất ổn, tạm bợ và cạnh tranh xã hội căng thẳng, là những nguyên nhân ban đầu, chính phủ đã tăng cường các chiến dịch phòng ngừa. Thuốc trừ sâu được dùng như thuốc độc đã bị cấm bán.

Những nỗ lực này cho phép giảm số người tự tử từ những năm 2010. Nhưng con số này vẫn còn cao và tự tử vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi. Những em này, cũng như nhiều trường hợp khác, vốn chịu nhiều áp lực quá mức của học đường … Do vậy, siết chặt Internet hơn nữa cũng chưa đủ, mà tốt hơn hết là phải tấn công vào cội rễ của vấn đề ».

Úc : Quyên góp tiền giúp phụ nữ thổ dân thoát cảnh tù tội

Tại Úc, tổ chức Sisters Inside hôm thứ Hai, 07/01/2019, mở một chiến dịch quyên góp tiền giúp phụ nữ thổ dân thoát khỏi cảnh tù tội. Trên thực tế, bang West Australia là bang duy nhất vẫn còn giữ nguyên quy định : Không nộp tiền phạt có thể bị đi tù. Tuy nhiên, đa phần phụ nữ thổ dân, những người không đủ khả năng tài chính để nộp phạt, là nạn nhân của quy định này.

Trong vòng 5 ngày, tổ chức này đã thu được hơn 170.000 euro để có thể giúp một phụ nữ đầu tiên ra tù hôm thứ Tư 09/01. Bà Debbie Kilroy, giám đốc chương trình Sisters Inside, giải thích rằng các bà mẹ thổ dân là những nạn nhân đầu tiên của luật lệ này, vì hoàn cảnh nghèo khổ và nạn phân biệt đối xử mà họ đang gánh chịu trên khắp cả nước.

Bà nói : « Họ bị đối xử cực kỳ tệ bạc, cứ như là thời thực dân vẫn đang tiếp diễn. Họ bị đe dọa mọi phía : Rút quyền nuôi con, tù giam, nghèo đói, bạo hành, thảm sát và kỳ thị chủng tộc ».

Đối với những người phụ nữ đang phải sống trong cảnh tạm bợ, luật lệ này chỉ tạo ra một vòng lẩn quẩn, không có lối thoát. Bởi vì, họ càng trả tiền phạt không đúng hạn, tiền lãi càng tăng. Và cuối cùng họ không thể đóng phạt.

« Một người phụ nữ có thể bị phạt 300 euro. Nhưng trong lúc chờ lệnh bắt được ban hành, mức tiền phạt đã tăng vọt lên 2.000 euro. Do vậy, chúng tôi thương lượng với cơ quan phụ trách thu tiền phạt sao cho những người phụ nữ này không phải trả tất cả các khoản chi phí phụ trội ».

Chính quyền bang West Australia cam kết rằng quy định này sẽ được điều chỉnh từ đây đến tháng 6/2019. Nhưng đối với Debbie Kilroy, như vậy còn quá lâu. Bà đề nghị nên tiến hành xem xét lại quy định ngay từ bây giờ nhằm tránh xảy ra các trường hợp giam giữ mới. Bà nhấn mạnh : Nghèo khổ không phải là một cái tội.

Ả Rập Xê Út : Nhiều phụ nữ bỏ xứ ra đi bất chấp hiểm nguy

Cũng trong lĩnh vực nữ quyền, ngày càng có nhiều phụ nữ Ả Rập Xê Út tìm cách bỏ xứ ra đi để tránh những luật lệ Hồi Giáo hà khắc nhất, ngày càng bóp nghẹt các quyền tự do của phụ nữ. Ví dụ mới nhất là vụ một thiếu nữ 18 tuổi suýt bị Thái Lan trục xuất về nước, nhưng đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền Úc kịp thời giang tay cứu giúp.

Trả lời ban tiếng Anh, đài RFI, cô Rana Ahmed, một phụ nữ trẻ Ả Rập Xê Út, đã trốn thoát khỏi đất nước và hiện đang sống tị nạn tại Đức, cho biết cảm nghĩ của cô về vụ việc này :

« Cuộc sống của cô ấy giờ gặp nhiều nguy hiểm, bởi vì cô ấy đã cho đăng ảnh của mình và người ta nhìn thấy mặt của cô trên mạng xã hội cũng như là tên và hộ chiếu của cô. Đối với gia đình và vùng quê của cô, đây là một điều xấu hổ. Bởi vì trước đó, cô buộc phải mặc y phục truyền thống ʺAabayaʺ, che phủ khuôn mặt.

Hơn nữa, cha cô ấy là một chính khách quyền lực ở Ả Rập Xê Út, và mọi việc lẽ ra không diễn ra như thế. Tôi nghĩ là người ta sẽ chẳng làm được gì, tôi thật sự lo lắng nếu cô không bị trục xuất về nước, không bị ám sát, chi ít trong một thời gian dài, cô sẽ sống trong một tình trạng rất tồi tệ ».

Pháp : Vận động viên thể thao trẻ tập luyện quá sức ?

Cho trẻ chơi thể thao ngay từ nhỏ luôn là điều được giới chuyên gia khuyến khích. Nhưng việc luyện tập tăng cường ở những vận động viên nhỏ tuổi có thể có những tác hại cho sức khỏe, nhất là ảnh hưởng đến sức tăng trưởng hay sự phát triển của xương. Trên đây là cảnh báo của Viện Hàn lâm Y khoa Pháp trong một báo cáo được thông qua vào tháng 12/2018.

Báo cáo đặc biệt chú ý đến việc tăng cường luyện tập ở bé gái trong các môn thể thao « biểu diễn » như thể dục nhịp điệu, thể dục dụng cụ, múa hay trượt băng nghệ thuật. Những môn thể thao đòi hỏi thân mình mảnh khảnh và nhẹ cân.

Nghiên cứu giải thích rằng thời gian tập luyện quá 20 giờ mỗi tuần làm cho các em « tăng trưởng chậm và chậm phát triển xương ». Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng tuổi thiếu niên là giai đoạn tăng trưởng chiều cao và phát triển của con người. Giai đoạn này nằm trong khoảng từ 10-19 tuổi.

Việc thực hành quá mức một môn thể thao có thể gây ra những tác động có hại cho sức khỏe trong thời kỳ « phát triển dậy thì ». Báo cáo ghi rõ : « Trong các môn thể thao tạo dáng, các bác sĩ đặc trách giám sát y khoa ở các vận động viên nhỏ tuổi này nhận thấy tốc độ tăng tưởng chậm lại ngay từ giờ tập thứ 15 trong tuần ».

Trả lời câu hỏi của RFI, giáo sư Yves Le Bouc, một trong số các tác giả của báo cáo, cho rằng chính phủ Pháp nên xem lại vấn đề này và cần phải cung cấp đầy đủ các thông tin cho các ban ngành và gia đình. Theo quan điểm của Viện Hàn Lâm Y khoa, các liên đoàn thể thao nên quan tâm đến việc đặt « giới hạn tuổi và nhịp độ tranh tài » trong việc huấn luyện tăng cường.

Ông Yves Le Bouc giải thích : « Ta còn chưa biết rõ hệ quả lâu dài đối với vận động viên một khi ngưng sự nghiệp, dù đã có không ít nghiên cứu về vấn đề này. Một số người nghĩ rằng những người chơi thể thao cấp độ cao đã được trang bị tốt khi họ thành công. Nhưng cũng đừng quên rằng các ràng buộc trong thể thao cấp cao cũng gây ra nhiều stress, nhất là ở những người trẻ tuổi ».

Bên cạnh vấn đề tập luyện quá mức, báo cáo của Viện Hàn Lâm Y khoa còn nhấn mạnh đến vấn đề dinh dưỡng. Báo cáo khuyến nghị nên có một chế độ giám sát đi kèm với việc « tư vấn dinh dưỡng thường xuyên hơn, cụ thể và tùy theo từng đối tượng để đạt được hiệu năng cao nhất. Điều này rất quan trọng. Cần phải làm mọi thứ tốt nhất sao cho việc ngừng chơi thể thao không dẫn đến béo phì, cũng như chứng bệnh tâm thần chán ăn », như lưu ý của ông Yves Le Bouc.

Paris : Michael Jackson qua lăng kính hội họa đương đại

Chín năm sau ngày Michael Jackson từ giã cõi đời, một cuộc triển lãm mang tên « Michael Jackson : On the Wall » đã được mở ra ở Grand Palais, tại thủ đô nước Pháp. Người xem có dịp khám phá làm thế nào hình ảnh ông hoàng nhạc Pop hiện diện khắp nơi và nhất là làm thế nào hình ảnh, tác phẩm và cuộc đời ông đã mang lại cảm hứng cho giới họa sĩ đương đại.

Tổng cộng có khoảng 120 tác phẩm (hình ảnh, hội họa, video) đã được trưng bày tại Đại Điện (Grand Palais) ở Paris. Từ một bức chân dung giản dị hai mầu đen trắng của họa sĩ Trung Quốc Yan Pei Ming, cho đến bức họa cao ba mét theo trường pháp Rubens, cho thấy hình ảnh một Michael Jackson ngồi trên lưng ngựa phỏng tác theo bức họa hoàng đế Pháp Philippe II.

Cô Vanessa Desclaux, phụ trách cuộc triển lãm, được tổ chức với sự kết hợp National Portrait Gallery de Londres giải thích với phóng viên đài RFI :

« Chúng tôi buộc phải hạn chế bớt. Khi tôi bắt tay vào dự án này, tôi đã quá đỗi ngạc nhiên khi phát hiện ra danh sách các tác phẩm. Có nhiều cách giải thích : làn sóng truyền thông, nhiều hình ảnh Michael Jackson lưu truyền trên các mạng truyền thông. Rồi tác động mà Michael Jackson tạo ra trong các clip video. Những sáng tạo mà ông ấy trình làng trong các buổi trình diễn và cũng có việc Michael Jackson được nuôi dưỡng cảm hứng từ nhiều nghệ sĩ khác nhau. Tôi nghĩ là rất nhiều họa sĩ đã rất nhậy cảm về điều này ».

Có nghệ sĩ thì lấy cảm hứng từ một số phận bi kịch của ông hoàng nhạc pop. Nhưng số khác lại cho ông một nét mặt rạng ngời… Bất kể đó là một Michael Jackson như thế nào đi chăng nữa, nhắc đến ông là người ta nghĩ đến điệu nhảy « Moon Walk » bất hủ.

Kehinde Wiley: Michael Jackson được vẽ phỏng theo bức họa hoàng đế Pháp Philip II.
Kehinde Wiley: Michael Jackson được vẽ phỏng theo bức họa hoàng đế Pháp Philip II. Kehinde WileCollection Olbricht © Kehinde Wiley

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.