Vào nội dung chính
BĂC TRIỀU TIÊN- TRUNG QUỐC- MỸ

Rời Bắc Kinh, Kim Jong Un thêm sức mạnh để đối thoại với Mỹ

Chuyến công du Trung Quốc vừa qua là "liều thuốc trợ lực" để Kim Jong Un đàm phán với Donald Trump và chìa khóa cho tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang do ông Tập Cận Bình nắm giữ. Trên đây là nhận định của nhiều nhà phân tích về tình hình Đông Bắc Á.

Lãnh đạo BTT Kim Jong Un (trái) và chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh do hãng tin KCNA công bố ngày 10/01/2019.
Lãnh đạo BTT Kim Jong Un (trái) và chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh do hãng tin KCNA công bố ngày 10/01/2019. Reuters
Quảng cáo

Vào lúc đối thoại với Mỹ bế tắc từ nhiều tháng qua, Washington duy trì các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, tiến trình phi hạt nhân hóa không có nhiều tiến triển cụ thể từ sau những tuyên bố nhân thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un hôm 12/06/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên lại đến "gõ cửa" Bắc Kinh. Kim Jong Un đã có mặt tại thủ đô Trung Quốc đúng vào lúc phái đoàn Mỹ và Trung Quốc mở đàm phán về thương mại.

"Liên minh Bắc Kinh – Bình Nhưỡng trong lĩnh vực an ninh"

Sau hơn 24 giờ ông Kim Jong Un hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA thông báo, tại Bắc Kinh, lãnh đạo hai nước đồng ý cùng nghiên cứu và phối hợp để "giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là trong tiến trình đàm phán giải trừ hạt nhân".

Nhìn từ Hàn Quốc, giáo sư Lim Eul Chul, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc đại học Kyungnam, nhận định : hai ông Tập Cận Bình và Kim Jong Un đã có những "cuộc thảo luận sâu rộng hơn bao giờ hết về an ninh". Điều này mặc nhiên cho phép Bắc Kinh đóng một vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán Mỹ- Bắc Triều Tiên về hạt nhân, cho dù là Trung Quốc không hiện diện tại thượng đỉnh Singapore hồi tháng 6/2018, hay tại cuộc gặp lần thứ nhì giữa tổng thống Mỹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên được dự trù diễn ra trong một tương lai không xa.

Có điều, như ghi nhận của giáo sư Lim, "Hoa Kỳ sẽ không hân hoan trước viễn cảnh Trung Quốc và Bắc Triều Tiên tiến tới một liên minh về mặt an ninh" bởi lẽ, nói chuyện với Bình Nhưỡng đã không dễ mà đàm phán với một Kim Jong Un công khai được Bắc Kinh bảo trợ thực sự là một "thách thức" đối với chính quyền Washington.

Tại thượng đỉnh Kim – Trump nặng về phần trình diễn tại Singapore, nguyên thủ hai nước đã cam kết "phi hạt nhân hóa", nhưng đôi bên có hai cách nhìn khác nhau về cùng một cụm từ được dùng trong văn bản mà lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên đã đặt bút ký.

Phía Bắc Triều Tiên muốn Mỹ giảm nhẹ, thậm chí là xóa bỏ, lệnh cấm vận nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng. Còn Washington thì đòi chính quyền của ông Kim Jong Un phải đi một bước trước, "giải trừ hạt nhân một cách hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược".

Bắc Kinh không bỏ lỡ cơ hội để đóng vai trò trọng tài, từ việc Trung Quốc tiếp đón trọng thể lãnh đạo Bắc Triều Tiên mỗi lần ông đến Bắc Kinh, hay qua những phát biểu của ông Tập Cận Bình khen ngợi Kim Jong Un đã có những bước tiến "đáng khích lệ", những quyết định "tích cực" vì hòa bình, hay kêu gọi giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Mục tiêu của Bắc Kinh ?

Giới quan sát ghi nhận : đây là lần thứ tư trong chưa đầy một năm ông Kim Jong Un sang Trung Quốc hội kiến Tập Cận Bình. Mỗi chuyến đi Bắc Kinh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đều diễn ra trước hay sau một cuộc thượng đỉnh quan trọng với Mỹ hoặc với Hàn Quốc.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, chuyên gia châu Á thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, bà Bonnie Glaser nhận định, "Trung Quốc không lo ngại những quyền lợi bị đe dọa một khi hai nước Triều Tiên cải thiện quan hệ. Nhưng khả năng, dù mới chỉ tiềm tàng, Bắc Triều Tiên đứng về phía Hoa Kỳ là một cơn ác mộng đối với Bắc Kinh". Vẫn theo bà Glaser, vì ý thức được rằng, "mọi chuyện đều có thể xảy ra dưới nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, cho nên đó là một trong những động lực khiến Bắc Kinh duy trì quan hệ mật thiết với Kim Jong Un".

Đừng quên rằng Trung Quốc đã nhanh chóng sưởi ấm quan hệ với Bắc Triều Tiên ngay sau khi Seoul mở cánh cửa đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Thứ nữa, trong nhãn quan của Bắc Kinh, Bắc Triều Tiên là một vùng trái độn giữa Trung Quốc với 28.500 lính Mỹ đang đồn trú trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Sau cùng, như đánh giá của nhà phân tích Tom Fowdy làm việc tại Bắc Kinh được AFP trích dẫn, Trung Quốc "rất thực tiễn trên vế giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên với điều kiện là tiến trình đó không gây bất ổn trong khu vực".

Tính toán của Kim Jong Un ?

Cựu nhân viên ngoại giao Mỹ và cũng là một chuyên gia về tình hình Triều Tiên, ông Montaro Oba cho hãng tin AFP biết, Bình Nhưỡng dùng lá bài Trung Quốc "để có thêm trọng lượng khi đàm phán với Mỹ và cũng dùng chiêu bài thân thiện với Washington để mặc cả với Bắc Kinh".

Từ lâu nay, Bắc Triều Tiên vẫn thường khai thác hiềm khích giữa những nước lớn để hưởng lợi : xưa kia là hiềm khích giữa Liên Xô với Trung Quốc, nay là giữa Washington và Bắc Kinh.

Đành là Bắc Triều Tiên đôi khi có thể hơi bực mình vì phải chịu lép vế trong quan hệ song phương với nước láng giềng sát cạnh này, nhưng xét cho cùng, theo ông Oba, đó là "cái giá không quá đắt" phải trả để Kim Jong Un đạt được một số những đòi hỏi với chính quyền Trump. Trước mắt là Bình Nhưỡng trông chờ rất nhiều vào tiếng nói của Trung Quốc để thoát lệnh cấm vận của quốc tế.

Bên cạnh tính toán dùng Trung Quốc để dọa Mỹ hay mượn bóng Donald Trump để mặc cả với Tập Cận Bình, như giải thích của một nhà bình luận độc lập tại Bắc Kinh, Hoa Bảo (Hua Po), Trung Quốc là lá bùa hộ mệnh cho chế độ họ Kim.

Rút tỉa được bài học từ cái chết thảm khốc của cố lãnh đạo Libya, một khi ông Kadhafi từ bỏ chương trình nguyên tử và gần đây hơn là từ thái độ trở mặt của chính quyền Trump trên hồ sơ hạt nhân Iran, Bắc Triều Tiên không dám rời đồng minh truyền thống là Trung Quốc. Bắc Kinh vừa là điểm tựa của chế độ về mặt kinh tế, ngoại giao, vừa là một bảo đảm cho sự tồn tại của chính quyền Bắc Triều Tiên.

Một thoáng hoài nghi giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng

Dù vậy vẫn còn một nghi vấn về quan hệ mật thiết của trục Bắc Kinh – Bình Nhưỡng : Kim Jong Un đã bốn lần công du Trung Quốc, khi nào đến lượt ông Tập Cận Bình đáp lễ lại ? Truyền thông Bắc Triều Tiên cho biết chủ tịch Trung Quốc đã nhận lời mời viếng thăm Bình Nhưỡng của ông Kim Jong Un. Nhưng tin này lại ít được báo chí tại Bắc Kinh nhắc đến.

Đó chỉ là một tiểu tiết trong lúc nguyên thủ Trung Quốc đã dành cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên những nghi lễ trang trọng nhất thời gian ông này có mặt tại Bắc Kinh, hay đấy là một nét tinh vi của nền ngoại giao châu Á ? Chuyên gia Bonnie Glaser không loại trừ khả năng cả hai ông Tập Cận Bình và Kim Jong Un cùng "trông thấy những lợi ích to lớn qua việc sưởi ấm quan hệ mặn nồng của trục Bắc Kinh – Bình Nhưỡng, nhưng có lẽ đôi bên vẫn dè chừng lẫn nhau".

Khoảng cách đó, liệu có là chìa khóa cần thiết đối với cả Trung Quốc lẫn Bắc Triều Tiên khi đàm phán với Hoa Kỳ ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.