Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU Á

Mỹ biến chính sách “đối kháng” Trung Quốc thành luật ARIA

Vào ngày 31/12/2018, tức là ngày cuối cùng của năm, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành bộ luât Sáng Kiến Trấn An Châu Á – Asia Reassurance Initiative Act gọi tắt là ARIA - định hướng một cách rõ ràng chính sách Châu Á mới của Mỹ. Đối với các nhà quan sát, đây là một ngón đòn mới của Hoa Kỳ nhằm chống lại đà bành trướng của Trung Quốc

Ảnh minh họa: Quốc Hội Mỹ (Capitol). Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bước lên các bực thềm. Ảnh 09/01/2019.
Ảnh minh họa: Quốc Hội Mỹ (Capitol). Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bước lên các bực thềm. Ảnh 09/01/2019. REUTERS/Leah Millis
Quảng cáo

Trong một bài viết trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat, ngày 08/01/2019, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, đã nêu bật ý nghĩa và tác động của đạo luât vừa ban hành, xem đấy là một “chiến lược ngoại giao mạch lạc đầu tiên của Mỹ cho khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương”, có được đồng thuận của cả hai đảng trong Quốc Hội Hoa Kỳ.

Giáo sư Thayer nêu bật quá trình “ra đời” của đạo luật ARIA, bắt nguồn từ một loạt điều trần trong hai năm 2017-2018, do thượng nghị sĩ Cory Gardner, chủ tịch tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ tiến hành, sau đó trở thành dự thảo luật, được Thượng Viện thông qua lần đầu tiên ngày 04/12/2018, được Hạ Viện bổ sung và bỏ phiếu tán đồng ngày 12/12 trước khi được Thượng Viện nhất trí vào ngày 19/12, chuyển qua cho hành pháp và được tổng thống Donald Trump ký ban hành ngày 31/12.

Theo giáo sư Thayer, với mục tiêu yêu cầu chính quyền Trump đề ra một tầm nhìn chiến lược dài hạn và một chính sách đa diện và hoàn chỉnh cho vùng Ấn Độ Thái Bình Dương, đạo luật ARIA đã bổ khuyết, thậm chí cải tiến Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mà Nhà Trắng công bố cuối 2017 và Chiến Lược Quốc Phòng của Lầu Năm Góc hồi đầu năm 2018.

Củng cố màng lưới đồng minh và đối tác

Đối với giáo Thayer, ARIA sẽ đóng một vai trò quan trọng – nếu không muốn nói là quyết định - trong việc định hình chính sách an ninh quốc gia của Mỹ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, với những tác động tiềm tàng trên 4 điểm.

Trước tiên ARIA công nhận một cách rõ ràng tầm quan trọng thiết yếu của các đồng minh và đối tác tại châu Á đối với nền an ninh của chính nước Mỹ, từ các đồng minh kết ước như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, cho đến đối tác chiến lược như Ấn Độ, và đối tác an ninh được tăng cường như Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Riêng đối với Đài Loan, đạo luật ARIA yêu cầu chính quyền thực hiện các cam kết về “chuyển giao phương tiện quốc phòng” và tăng cường giao lưu cấp cao.

Hai cơ chế hợp tác được đạo luật nhấn mạnh là Đối Tác An Ninh Ba Bên Mỹ-Nhật-Hàn (U.S.-Republic of Korea-Japan Trilateral Security Partnership) và Đối Thoại An Ninh Bốn Bên (Quadrilateral Security Dialogue) được gọi nôm na là “Bộ Tứ” bao gồm các nước Mỹ-Úc-Nhật-Ấn.

Điểm thứ hai liên quan đến 3 thách thức chủ chốt nhằm vào hệ thống quốc tế mà Mỹ hậu thuẫn tại vùng châu Á mà luật ARIA yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ phải đối phó.

Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông là thách thức hàng đầu

Đứng đầu danh sách thách thức này là tình hình Biển Đông, với việc “Trung Quốc xây dựng trái phép và quân sự hóa các đảo đá và sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế”.

Hai thách thức còn lại là việc “Bắc Triều Tiên tăng nhanh kho vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn” và “Sự hiện diện ở khắp Đông Nam Á của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và những tổ chức khủng bố quốc tế khác đe dọa nước Mỹ”.

Luật ARIA đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp phương tiện cho chính quyền Hoa Kỳ để chống lại ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc… nhưng đồng thời cũng mở cửa cho hợp tác.

Đạo luật nêu rõ thái độ "quan ngại trước các hành động của Trung Quốc nhằm bóp nghẹt xã hội dân sự và tôn giáo trong nước, và phá hoại trật tự dựa trên luật pháp ở vùng Ấn Độ Thái Bình Dương".

Tuy nhiên, đạo luật cũng đề ra nhiều lãnh vực cần hợp tác với Trung Quốc để “khuyến khích Trung Quốc đóng một vai trò xây dựng bằng cách chứng minh là họ tôn trọng luật lệ và chuẩn mực quốc tế…”.

Đề cao giá trị tự do, dân chủ và hợp tác đa phương

Điểm thứ ba mà luật ARIA quan tâm là nâng cao tầm quan trọng của các giá trị của Mỹ và chuẩn mực quốc tế trong việc định hình chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ ở vùng Ấn Độ Thái Bình Dương. Đó là các giá trị như dân chủ, tự do báo chí, quyền con người, điều hành tốt, nhà nước pháp quyền.

Trong địa hạt này, ARIA đặc biệt nêu quan ngại về pháp quyền và quyền tự do ở 5 quốc gia – Trung Quốc, Cam Bốt, Bắc Triều tiên, Lào, Thái Lan và Việt Nam, và nhấn mạnh trên tình trạng không thẻ chấp nhận được ở Miến Điện và Trung Quốc. Luật cấm tài trợ cho một số chương trình cụ thể của Mỹ ở Miến Điện, Philippines và Cam Bốt, nhưng sẽ tài trợ cho những người bảo vệ nhân quyền…

Sau cùng, luật ARIA yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ là phải phát huy vai trò của ASEAN trong tư cách là một thành tố trong cấu trúc giải quyết các vấn đề khu vực. Bên cạnh đó, ARIA hậu thuẫn rõ ràng cho việc Mỹ can dự vào các vấn đề đa phương như tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, thương mại và đặc biệt ủng hộ Sáng Kiến Hạ Nguồn Sông Mêkông, ủng hộ việc Mỹ tham gia vào các "hiệp định thương mại đa phương, song phương hay khu vực có khả năng giúp tăng công ăn việc làm và phát triển kinh tế ở Mỹ…"

Và ARIA cũng khuyến nghị việc "đàm phán một khuôn khổ hợp tác kinh tế toàn diện với ASEAN, sử dung các diễn đàn đa phương như APEC, Thượng Đỉnh Đông Á, Nhóm G20, cho những mục tiêu kinh tế của Mỹ ở vùng Ấn Độ Thái Bình Dương".

Trong thực tế, Trung Quốc là đích nhắm của ARIA

Dù đạo luật ARIA liên quan đến chính sách chung của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn, sự kiện Trung Quốc bị nêu bật thành một đối tương của đạo luật đã khiến nhiều chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ đã luật hóa chính sách đối kháng Trung Quốc.

Trong bài viết « Mỹ tăng sức ép trong cuộc tranh đua với Trung Quốc bằng luật ARIA », nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 05/01/2019 vừa qua cho rằng: "Việc Mỹ nỗ lực tìm kiếm hậu thuẫn từ đồng minh trong khu vực thông qua đạo luật Sáng Kiến Trấn An Châu Á ARIA có thể là vấn đề nhức đầu cho Trung Quốc", làm gay gắt thêm sự cạnh tranh Mỹ-Trung ở châu Á, đặc biệt trên Biển Đông.

Theo South China Morning Post, chuyên gia về an ninh hàng hải Collin Koh tại Singapore đã nhận định rằng "không thể xem nhẹ khả năng đạo luật ARIA góp phần làm sâu sắc thêm thế đối đầu Mỹ-Trung, cho dù việc chính quyền Donald Trump có thực thi đạo luật này hay không lại là một chuyện khác".

Đối với ông Koh, Trung Quốc có thể bị đau đầu hơn nữa khi các đồng minh khu vực của Mỹ bạo dạn hơn : "Về những khó khăn mà Trung Quốc phải đối phó, hoàn toàn có thể dự đoán được rằng sức ép chiến lược (trên Bắc Kinh) không chỉ xuất phát từ riêng từ Mỹ, vì lẽ luật ARIA như cũng nhấn mạnh đến vai trò của các đồng minh và đối tác của Washington".

Cũng theo South China Morning Post, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng tại trung tâm tham vấn Mỹ Rand Corporation, đã xem việc ban hành đạo luật ARIA là một phương cách huy động lực lượng đẩy lùi các hành vi xấu của Trung Quốc.

Trả lời tờ báo Hồng Kông, chuyên gia Mỹ phân tích : "Đây là ví dụ hữu hình nhất phản ánh sự lo lắng thực sự trong chính phủ Mỹ về ảnh hưởng ngày càng lớn và hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh và kinh tế, nhắm cả vào Mỹ lẫn các đồng minh và đối tác của Mỹ".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.