Vào nội dung chính
ANH - TRUNG QUỐC

Anh Quốc có thể mở một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á

Phải chăng Luân Đôn sẽ can dự sâu hơn vào Biển Đông bằng cách xây dựng một căn cứ quân sự Anh Quốc ngay tại vùng Đông Nam Á ? Câu hỏi này đã được đặt ra trong những ngày đầu năm 2019 này, sau một bài phỏng vấn mà bộ trưởng Quốc Phòng Anh dành cho tờ báo Anh Sunday Telegraph, số đề ngày 31/12/2018, tiết lộ khả năng Luân Đôn mở thêm căn cứ quân sự mới, rất có thể là ở Đông Nam Á, tại Singapore hoặc Brunei.

Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Gavin Williamson họp báo tại Odessa, Ukraina, hôm 21/12/ 2018.
Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Gavin Williamson họp báo tại Odessa, Ukraina, hôm 21/12/ 2018. REUTERS/Yevgeny Volokin
Quảng cáo

Các chuyên gia Trung Quốc, được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 01/01/2019 trích dẫn, đã vội lưu ý rằng kế hoạch của Anh có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình căng thẳng trong khu vực.

Trả lời tờ Sunday Telegraph, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson đã phác họa tương lai tốt đẹp của nước Anh thời hậu Brexit, có thể thực sự trở lại vai trò một "tác nhân nặng ký trên thế giới" với việc mở thêm các căn cứ quân sự mới ở nước ngoài, ở vùng Caribê Trung Mỹ, và ở vùng Viễn Đông.

Bộ trưởng Anh không nói rõ cụ thể là ở nước nào, những tờ Sunday Telegraph đã nêu tên các địa điểm: Singapore hoặc là Brunei ở vùng Đông Nam Á, và Montserrat hay Guyana ở vùng Caribê.

Dẫu sao thì kế hoạch được ông Williamson tiết lộ đánh dấu một bước ngoặt mới trong chính sách ngoại giao, quốc phòng của Anh Quốc, sau khi đã đóng cửa các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và Vịnh Ba Tư trong những năm 1960.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, khi loan báo tin trên, đã cho rằng nếu Anh Quốc thành lập một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, điều đó có nhiều khả năng sẽ phủ bóng đen lên quan hệ Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia đã đồng ý cho Anh Quốc mở căn cứ trên lãnh thổ của mình.

Theo ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), chuyên gia phân tích hải quân tại Đại học Thượng Hải, kế hoạch của Anh chỉ ở bước đầu, nhưng đó sẽ là bài trắc nghiệm quan hệ giữa Trung Quốc với Singapore, Brunei. Singapore như đã ngả hẳn về phía Mỹ và đồng minh, trong đó có Anh Quốc, nhưng Brunei thì vẫn phân vân trước món lợi hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Kế hoạch lập căn cứ của Anh cũng làm tăng nguy cơ căng thẳng giữa Luân Đôn và Bắc Kinh. Trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc từng cảnh cáo Anh Quốc khi Luân Đôn cho chiến hạm tuần tra Biển Đông vào năm ngoái.

Theo ông Hứa Lợi Bình (Xu Liping), giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Châu Á Thái Bình Dương thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã hội Trung Quốc: "Rõ ràng đây là động thái phô trương sức mạnh của Anh nhằm vào Trung Quốc, chứng tỏ sự can dự rõ rệt các các cường quốc bên ngoài vào vấn đề Biển Đông".

Còn theo ông Nghê Lạc Hùng, kế hoạch lập căn cứ Anh cho thấy là Luân Đôn ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra.

Bắc Kinh từ lâu luôn luôn chống lại việc Washington can dự vào hồ sơ Biển Đông, coi hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực là một mối đe dọa đối với Trung Quốc.

Trong thời gian qua, ngoài việc đích thân cử tàu Mỹ tuần tra Biển Đông, nhân danh việc bảo vệ quyền tự do hàng hải bị Trung Quốc đe dọa, Hoa Kỳ còn vận động đồng minh cùng góp sức. Ngoài Nhật Bản, Úc, hai nước trong vùng, Anh, Pháp, thậm chí Canada cũng đang ngày càng đóng vai trò năng động hơn ở Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.