Vào nội dung chính
CHÂU Á - NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Khẩu chiến Tokyo-Bắc Kinh về hành vi ngang ngược của tàu cá Trung Quốc

Sự vụ xẩy ra từ đầu tháng 11, nhưng đến ngày 27/12/2018 mới được chính quyền Nhật Bản tiết lộ : Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết là Tokyo mới đây đã chính thức phản đối Bắc Kinh về vụ một tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản, khi bị chặn xét, đã bỏ chạy, chở theo 10 thanh tra Nhật đang có mặt trên tàu để kiểm tra. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc của Tokyo, cho rằng tàu Trung Quốc không hề xâm nhập vùng biển của Nhật Bản.

Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga hôm 27/12/2018 cho biết là Tokyo mới đây chính thức phản đối Bắc Kinh về vụ một tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép và có hành vi ngang ngược trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga hôm 27/12/2018 cho biết là Tokyo mới đây chính thức phản đối Bắc Kinh về vụ một tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép và có hành vi ngang ngược trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. AFP PHOTO / KAZUHIRO NOGI
Quảng cáo

Theo hãng tin Mỹ AP, vụ việc xảy ra ngày 05/11 ở vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, ngoài khơi thành phố Kagoshima, miền tây nam nước Nhật. Khi phát hiện một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng, Nhật Bản đã cho khoảng 10 thanh tra bộ Thủy Sản lên tàu cá Trung Quốc để kiểm tra.

Không ngờ là chiếc tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục di chuyển tới khu vực mà tàu Nhật Bản và Trung Quốc đều được phép hoạt động, buộc phía Nhật Bản phải đuổi theo với sự trợ giúp của Tuần Duyên Nhật, và sau hơn nửa ngày, các thanh tra Nhật Bản mới có thể quay lại tàu tuần tra của mình. Vào khi ấy, tàu cá Trung Quốc đã ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, khiến cho phía Nhật Bản bị buộc phải để tàu cá Trung Quốc rời đi.

Trả lời chất vấn của báo chí về vụ việc này vào hôm qua, ông Suga khẳng định rằng chính quyền Tokyo đã phản đối vụ việc với Bắc Kinh thông qua con đường ngoại giao, nhưng từ chối giải thích lý do vì sao lại không công bố thông tin từ trước đó.

Trái ngược với thái độ của Tokyo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua đã cho rằng lời tố cáo tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản là « không đúng sự thật », và Bắc Kinh phản đối hành động kiểm tra tàu của các quan chức Nhật Bản.

Bà Hoa Xuân Oánh còn đòi Tokyo tôn trọng quyền được đánh cá của ngư dân Trung Quốc và yêu cầu « không can thiệp vào các hoạt động đánh bắt thông thường ».

Theo ghi nhận của AP, trong những năm gần đây, số lượng đối tượng bị tình nghi là ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản đã tăng vọt, buộc Tokyo phải tăng cường hoạt động tuần tra. Năm ngoái, Nhật Bản đã bắt 4 tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt trái phép.

Quan chức quốc phòng Nhật-Trung họp bàn việc tránh va chạm

Khẩu chiến về hành vi ngang ngược của tàu cá Trung Quốc xẩy ra vào lúc hai chính quyền Tokyo và Bắc Kinh tìm cách cải thiện quan hệ song phương.

Theo tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review, trong hai ngày 26-27/12/2018, quan chức quốc phòng Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp thường niên đầu tiên về việc tránh những hiểu lầm và đánh giá sai lầm trên không và trên biển. Hai bên đã nhất trí là sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm thiết lập một đường dây nóng.

Quyết định tổ chức cuộc họp thường niên này đã được thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường đồng ý vào tháng 10 vừa qua. Cuộc họp đầu tiên kết thúc vào hôm qua. Cuộc gặp gỡ thứ hai sẽ do Nhật Bản tổ chức vào năm 2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.