Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC

Ấn Độ khánh thành cầu đường sắt tại khu vực giáp biên với Trung Quốc

Thủ tướng Narendra Modi hôm qua 25/12/2018 khánh thành cầu đường sắt Bogibeel, dài nhất Ấn Độ. Cây cầu được xây dựng nhằm mục đích củng cố khả năng phòng vệ của Ấn Độ ở vùng biên giới với Trung Quốc.

Cầu đường sắt Bogibeel tại bang đông bắc Asam, Ấn Độ.
Cầu đường sắt Bogibeel tại bang đông bắc Asam, Ấn Độ. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Cầu đường sắt Bogibeel dài 4,9 km, bắc qua sông Brahmapoutre, bang Assam, miền đông-bắc Ấn Độ, gần biên giới với Trung Quốc. AFP cho biết chính phủ quyết định xây cầu vào năm 1985. Cầu Bogibeel được xây dựng trong 20 năm, với tổng chi phí lên tới 800 triệu đô la.

Cầu đường sắt Bogibeel cho phép rút ngắn 750 km hành trình đi tàu từ thành phố nói trên đến Itanagar, thủ phủ bang Arunachal Pradesh. Cây cầu được thiết kế để một chiến đấu cơ có thể hạ cánh. Nằm gần thành phố Dibrugarh, cầu sẽ cho phép quân đội triển khai quân nhanh chóng hơn ở bang lân cận, Arunachal Pradesh, có đường biên giới với Tây Tạng. Bắc Kinh coi một phần bang này là đất của Trung Quốc. Sau cuộc chiến biên giới chớp nhoáng Ấn - Trung năm 1962, Bắc Kinh phải rút quân đội khỏi bang này.

Năm 2017, Ấn Độ cũng đã khánh thành một cây cầu dài 9,1 km nối hai bang Assam và Arunachal Pradesh, cụ thể là nối hai thành phố Dhola và Sadiyla, cũng nhằm tăng cường khả năng phòng vệ.

Đối với chính quyền Ấn Độ, vùng Đông Bắc được coi là một địa bàn hiểm yếu. Khu vực này nối liền với vùng đất trung tâm qua dải đất hẹp Siliguri, thường được gọi là « cổ gà », bề ngang rộng từ 20 đến 40 km. New Delhi lo ngại một khi chiến tranh bùng nổ, nếu quân đội Trung Quốc xâm nhập khu vực này, toàn bộ vùng đông bắc sẽ bị cô lập. Hồi mùa hè 2018, Ấn Độ phải triển khai quân đội tại ngã ba biên giới Doklam, sát với khu vực « cổ gà », trong nhiều tháng, để đề phòng Trung Quốc lấn chiếm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.