Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Miến Điện 2018: Aung San Suu Kyi, thần tượng sụp đổ

Đăng ngày:

Hôm qua được cả thế giới tôn vinh tinh thần hy sinh hạnh phúc riêng tư để chống lại chế độ độc tài, hôm nay bị lên án vì thái độ im lặng trước thảm cảnh của sắc tộc Rohingyia, nạn nhân của chính sách kỳ thị chủng tộc và áp bức của quân đội : Aung San Suu Kyi, Nobel Hoà Bình 1991, bị mất ngôi thần tượng. Vì sao nên nỗi ?

Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Asean, ở Singapore, ngày 15/11/2018.
Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Asean, ở Singapore, ngày 15/11/2018. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Tượng đài dân chủ Miến Điện bị tan vỡ có lẽ là hình ảnh nổi bật nhất tại Đông Nam Á, trong giờ kiểm điểm những sự kiện trong năm 2018.

Là con gái của anh hùng dân tộc Aung San, sáng lập quân đội quốc gia chống thực dân Anh trong cuộc chiến giành độc lập, bản thân là một nhà tranh đấu chống chế độ độc tài bất chấp gian lao, tù tội, Aung San Suu Kyi, trong suốt 30 năm, được xem là biểu tượng bảo vệ người yếu chống lại cường quyền.

Chống tất cả bạo quyền và không phân biệt nạn nhân ? Nhưng trừ sắc tộc Hồi Giáo người Rohingya, nạn nhân của phật tử cuồng tín ở bang Arakan và cuộc chiến « chống khủng bố » của quân đội. Bị công kích là với quyền hạn của một thủ tướng trong tay, bà nhắm mắt làm ngơ trong cuộc khủng hoảng làm hơn 700.000 người theo đạo Hồi, phải chạy sang Bangladesh tị nạn, Aung San Suu Kyi biện minh : « Cả một băng sơn tin đồn thất thiệt ».

Trừ giải thưởng Nobel Hoà Bình, nhiều vinh dự khác đã bị thu hồi: Quy chế công dân danh dự Canada, các thành phố Oxford, Glasgow, Edimbourg ở Anh Quốc và tuần qua đến lượt Paris… Ngày 18/12, Hàn Quốc rút giải thưởng Ký Ức Nhân Quyền. Nghiêm khắc hơn hết là quyết định thu hồi quy chế « đại sứ lương tâm » của Ân Xá Quốc Tế Amnesty International.

Vì sao « biểu tượng nhân quyền thế giới » có thể bất động trước một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia ? Liệu phản ứng bất bình của công luận quốc tế có tác động gì, làm thay đổi gì hay không ?

Được RFI, trong chương trình « Giải mã » đặt câu hỏi, giáo sư chính trị David Camroux, chuyên gia của viện Nghiên cứu CERI, Pháp phân tích :

Tôi cho rằng các quyết định (thu hồi giải thưởng, bằng khen) không phải là một vấn đề đối với đa số dân chúng Miến Điện mà hai phần ba là người Miến, trong đó có bà Aung San Suu Kyi. Điều này chỉ củng cố cảm tính bài ngoại của người Miến mà Tây phương hiểu được. Trái lại, nó có thể làm quan hệ giữa bà và các sắc tộc thiểu số xấu thêm, những người đã từng đặt niềm tin ở bà trong cuộc bầu cử 2015.

Chúng ta thấy rõ sự thay đổi này qua cuộc bầu cử bán phần trong năm nay với kết quả là Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ bị mất ghế.

Lúc đầu, bà tạo đề xuất xây dựng một liên minh chính trị đa sắc tộc ở Miến Điện nhưng bà đã thất bại. Bà cũng thất bại trong dự án thành lập « liên bang » mà Miến Điện rất cần. Trong suốt ba năm qua, tiến trình hòa giải với các sắc tộc thiểu số không đạt một bước tiến nào cụ thể. Trái lại, càng ngày càng có nhiều xung khắc, xung đột giữa quân đội và các nhóm thiểu số võ trang.

Bà Aung San Suu Kyi không phải là một nhà dân chủ, bà ôm đồm hết mọi việc và có tiếng độc đóan, không dung thứ những đối kháng trong đảng.

Con nhà binh chống độc tài nhưng không chống quân đội

Theo nhà báo Pháp Bruno Philippe, thông tín viên của báo Le Monde trong vùng Nam Á, không phải chỉ có sắc dân Rohingya mà thủ lĩnh của các sắc tộc thiểu số khác ở Miến Điện cũng không mấy thân thiện, tin cậy bà Aung San Suu Kyi. Một mặt vì bà là người Miến, mặt khác là con gái của tướng Aung San, sáng lập quân đội Miến Điện. Quân đội này xem các lực lượng võ trang đòi tự trị là kẻ thù.

Ngay từ năm 1988, khi ra lãnh đạo phong trào dân chủ lúc đó bị đàn áp dữ dội, hàng ngàn sinh viên bị bắn chết, đại học bị đóng cửa, bà tuyên bố phong trào biểu tình chỉ chống độc tài chứ không chống quân đội.

Giáo sư David Camroux : Tôi nghĩ rằng từ năm 1990, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã nhìn nhận vai trò của quân đội. Đừng quên là các tướng lãnh cựu trào, thế hệ 80 tuổi, ủng hộ bà Aung San Suu Kyi do vậy không có lý do gì bà chống lại quân đội. Trong thập niên 1990, Aung San Suu Kyi là một nhà đối lập trong chế độ quân sự, vấn đề xung đột sắc tộc còn khá mơ hồ. Đến năm 2010, bà bị bắt buộc và đã công nhận bản Hiến Pháp do quân đội soạn thảo, cho phép giới quân nhân kiểm sóat một phần tư Quốc Hội. Do vậy, không có cách nào để tu chính bản Hiến Pháp. Quân đội buộc Aung San Suu Kyi phải chấp nhận bản Hiến Pháp, điều kiện để để họ « đồng ý » hé cánh cửa dân chủ hóa chế độ.

Trong khi đó, phe dân chủ ủng hộ Aung San Suu Kyi lại nghĩ rằng đây là « bước đầu của tiến trình dân chủ hóa. Đó là điểm « hiểu lầm » then chốt giữa phe quân đội và « phe dân chủ » ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Tôi không nói là « bà » hiểu lầm.

Aung San Suu Kyi đã chấp nhận vai trò áp đảo của quân đội, cho dù không muốn cũng không được. Ủng hộ quân đội cũng là tâm lý chung của sắc dân Miến, xem nhẹ các sắc tộc thiểu số. Bà từ chối sử dụng từ Rohingya. Trong diễn văn năm 2012, bà nói đến Nhà nước pháp quyền », bà xem đạo Phật ngang hàng với đạo Hồi về mặt đạo đức, nhưng bà lại không lên án những hành động trấn áp người Rohingya cho dù 700.000 người Hồi đã chạy lánh nạn. Điều này không thể hiểu được.

Không những bị thế giới phê phán, trong nước bà cũng bị thành phần bài ngoại nghi ngờ. Giới phật tử cực đoan cho là bà muốn cho người Rohingya hồi hương : Trả lời RFI, một người nói : « Tôi muốn bà Aung San Suu Kyi yêu tổ quốc hơn nữa, phải cấm người Rohingya trở lại Miến Điện, nhất là những gia đình, những nhóm theo khủng bố ».

Trong cuộc khủng hoảng Rohingya, người dân Miến Điện không cùng quan điểm với Tây phương. Theo giáo sư David Camroux, có lẽ Tây phương không nên ngạc nhiên về thái độ của Aung San Suu Kyi :

Bởi vì trong lòng chúng ta, Aung San Suu Kyi mang hình ảnh của nữ thánh Teresa, của thánh Ghandi của Kennedy và Madona nữa. Nếu không có những hình ảnh này, thì bà phải tạo ra, bởi vì người phụ nữ mảnh mai này là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Tây phương đã hết lòng ủng hộ bà kể cả những gì bà không nói rõ. Diễn văn nhậm chức của « Cố Vấn Nhà Nước » khá rỗng : bà có nói về các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền nhưng không đề ra một chương trình hành động rõ ràng và dứt khóat.

Vì thế Tây phương thất vọng vì cho rằng đã tính lầm khi tôn vinh bà là thần tượng.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình Anh (BBC), Aung San Suu Kyi từ chối nhận tiếng « thần tượng ». Bà khẳng định « không phải là Margaret Thatcher (nữ thủ tướng tài ba của Anh Quốc) cũng không phải là nữ thánh nhân từ Teresa », bà chỉ là « một chính trị gia ».

Aung San Suu Kyi, theo nhà báo Bruno Philip, là một nhà ly khai, một nhà tranh đấu bản lĩnh nhưng là một thủ tướng kém tài, không có cố vấn giỏi và độc đóan. Trong khi đó, quân đội vẫn là một tổ chức cả vũ trang lẫn chính trị lợi hại nhất, bất chấp mọi phương tiện để kiểm soát và khuấy động công luận.

Dư luận viên tung FakeNews chia rẽ Phật-Hồi

Trong bản tổng kết tình hình thế giới, AFP cho biết 2018 là năm của « Fake News » của tin giả lên ngôi. Tại châu Á, Trung Quốc và Miến Điện đứng đầu trong chiến thuật phát tin giả, bóp méo sự thật. Theo giáo sư David Camroux, Miến Điện kẹt trong hai vấn nạn hệ quả của độc tài : nhân sự có khả năng và tinh thần bao dung. « Thần tượng » và quân đội đều có trách nhiệm :

Aung San Suu Kyi không muốn chia sớt quyền hạn cho ai, bà muốn kiểm sóat tất cả. Theo một giai thoại được kể lại, nhân một bữa tiệc chính thức, bà muốn kiểm sóat cả thực đơn. Bà ôm đồm công việc, nhưng không đủ khả năng. Vấn nạn của Miến Điện là sự yếu kém của bộ máy nhà nước. Nếu có người có năng lực thì họ ở trong quân đội. Trong gần 50 năm, đại học Miến Điện bị đóng cửa gần như là liên tục. Do vậy, cả một tầng lớp dân chúng không được đào tạo để quản trị một đất nước có mẫu mực.

Trong mưu kế kéo dài thời gian ngự trị, tập đoàn quân sự bày ra tiến trình « dân chủ hóa trong kỷ luật ». Nhưng cũng nhờ đó mà báo chí được cởi trói kiểm duyệt. Từ 2012, nở rộ phong trào trăm hoa, báo chí được tự do hơn nhưng dân Miến Điện lại thích tìm thông tin trên mạng xã hội.

Vấn đề là phần lớn các trang mạng là do quân đội đứng sau. Từ thủ đô Naypyidaw, một đạo quân 700 « dư luận viên » có nhiệm vụ chính là chiến tranh tâm lý, định hướng công luận, kích động hận thù chống sắc tộc Rohingya và vinh danh quân đội.

Cuối cùng tại Miến Điện, quyền tự do yêu thương biến thành tự do thù hận.

Năm 2020, Miến Điện bầu cử quốc hội mới trong chế độ dân chủ nửa mùa. Trừ diễn biến bất ngờ, quân đội tiếp tục phủ bóng trên mọi lãnh vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.