Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Thương mại : Hy vọng Mỹ-Trung "buông súng" ?

Cuối tuần trước, tổng thống Hoa Kỳ để ngỏ cánh cửa Washington và Bắc Kinh gần đạt được một "thỏa thuận lớn" về thương mại. Liệu đây có là món quà cuối năm Hoa Kỳ và Trung Quốc dành cho thế giới ?

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Bắc Kinh ngày 03/05/2018.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Bắc Kinh ngày 03/05/2018. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Cử chỉ đầu tiên thể hiện thiện chí của Bắc Kinh được ghi nhận qua hai quyết định : một là Trung Quốc cho nhập khẩu trở lại đậu nành của Mỹ kể từ ngày 01/01/2019 trong một thời hạn 90 ngày, và hai là tạm ngưng dùng đòn tăng thuế nhập khẩu nhắm vào xe Mỹ.

Theo giới phân tích, cả hai quyết định nói trên cùng cho thấy Trung Quốc có dấu hiệu hòa hoãn sau thượng đỉnh Donald Trump-Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Buenos Aires hôm 01/12/2018. Ban cố vấn của chủ tịch Trung Quốc đã khôn ngoan nhắm vào hai hồ sơ quan trọng đối với Nhà Trắng đó là nông nghiệp và xe hơi, như thể để bảo đảm ghi được một số bàn thắng trong các cuộc thương lượng với Washington dự trù mở ra trong những tuần lễ sắp tới.

Chính quyền Trump đã phải dự trù dành 12 tỉ đô la đền bù thiệt hại cho giới nông gia không bán được, ngũ cốc, lúa mì, bắp hay đậu tương cho Trung Quốc. Ngành sản xuất xe hơi của Hoa Kỳ cũng có dấu hiệu mệt mỏi. Điển hình là sự kiện tập đoàn General Motors cuối tháng 11/2018 thông báo cho 15 % nhân viên nghỉ việc, đóng cửa 5 nhà máy trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Quyết định này của hãng xe Mỹ đã khiến tổng thống Trump vô cùng giận dữ.

Về phía Washington, hai tuần trước, tại Buenos Aires, phía Hoa Kỳ đã thông báo hoãn 90 ngày việc tăng thuế nhập khẩu nhắm vào 200 tỷ hàng của Trung Quốc báng sang Mỹ. Tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump trong tin nhắn trên Twitter hôm 14/12/2018 tỏ ra lạc quan nói tới khả năng đạt được một "thỏa thuận lớn" với Bắc Kinh về thương mại và đôi bên đã có những cuộc "trao đổi rất bổ ích". Nguyên thủ Mỹ giải thích thêm, ông tin tưởng sẽ nhanh chóng tìm ra đồng thuận với Bắc Kinh do kinh tế Trung Quốc đã bị chựng lại và đây là thành quả mà các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã đem lại.

Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên đúng vào lúc bộ Ngoại Giao Canada và Mỹ thảo luận về trường hợp của bà Mạnh Vãn Châu : Giám đốc tài chính tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi bị tư pháp Canada bắt giữ theo yêu cầu của Washington và bà Mạnh vừa được tại ngoại hầu tra. Vụ bắt giữ này diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung căng thẳng về thương mại. Thổng thống Trump trong tuần qua nói thẳng ông sẵn sàng "can thiệp" trong vụ kiện lãnh đạo Hoa Vi, hàm ý Nhà Trắng có thể can thiệp nếu đấy là một phương tiện để đạt được thỏa thuận về thương mại với Tập Cận Bình.

Nhưng bên cạnh các dấu hiệu hòa hoãn của cả đôi bên, liệu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có cơ may chóng kết thúc ?

Edward Alden, một chuyên gia về thương mại quốc tế thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Mỹ, Council on Foreign Relations được AFP trích dẫn cho rằng "Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng thực sự bắt đầu nghiêm túc đàm phán" sau nhiều đòn hù dọa lẫn nhau để gây sức ép. Trong hai tuần vừa rồi, Washington và Bắc Kinh đã đạt được "nhiều tiến bộ" hơn so với những vòng đàm phán đã kéo dài trong suốt gần hai năm dưới nhiệm kỳ Donald Trump.

Một dấu hiệu khác cho phép hy vọng chiến tranh thương mại Mỹ -Trung sẽ có tiến triển tốt, là Nhà Trắng đã cử ông Robert Lighthizer làm trưởng đoàn đám phán. Trong mắt các nhà quan sát, đây là một "tín hiệu mạnh" của Washington, vì ông Lighthizer là một chuyên gia về luật thương mại giàu kinh nghiệm, và nổi tiếng là một người tháo gỡ những hồ sơ khó khăn nhất.

Dù vậy, còn quá sớm để kết luận rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ san bằng những bất đồng thương mại trong 90 này sắp tới, đặc biệt là trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh còn nhiều sung khắc về ngoại giao, từ Biển Đông đến Đài Loan, rồi Mỹ cáo buộc Trung Quốc tiến hành các vụ tấn công tin học, "ăn cắp" công nghệ cao của Hoa Kỳ. Đấy mới là cốt lõi của cuộc đọ sức giữa hai siêu cường kinh tế thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.