Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Năm 2018 : Trump và Kim khuấy động thế giới

Đăng ngày:

Năm 2018 kết thúc với những biến động địa chính trị và xã hội đầy bất trắc. Viễn cảnh hòa bình mong manh cho bán đảo Triều Tiên ; Quan hệ Mỹ – Bắc Triều Tiên vẫn bất định ; Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài dai dẳng ; và Xã hội Pháp đảo lộn vì phong trào Áo Vàng. Trên đây là những sự kiện đáng chú ý trong năm 2018.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un tại thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un tại thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018. Susan Walsh/Pool via Reuters/File Photo
Quảng cáo

Liên Triều : Anh em gặp nhau ba lần

« Khi bước chân qua lằn ranh phân định, tôi mới biết là giới tuyến này không hề bị một vật to lớn nào đó cản trở cả. Có điều là phải đến 11 năm sau, thời khắc lịch sử này mới diễn ra một cách dễ dàng như vậy. Thế nên, khi bước qua đường ranh giới, tôi đã tự hỏi tại sao phải mất đến ngần ấy năm mới có được giây phút này ? Và tại sao điều đó lại khó khăn đến như thế ? »

Lãnh đạo Kim Jong Un, ngày 27/04/2018, đã xúc động phát biểu như trên tại cuộc gặp thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hàn Quốc diễn ra tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, bên phía Hàn Quốc. Đây là lần thứ ba lãnh đạo hai nước Nam – Bắc Triều Tiên gặp nhau kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc và là cuộc gặp đầu tiên giữa Kim Jong Un và Moon Jae In. Cuộc gặp này được tổ chức sau khi Kim Jong Un trong bài phát biểu đầu năm bất ngờ thông báo muốn tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018.

Với giới chuyên gia, thông báo này là « một đòn tấn công ngoại giao ngoạn mục ». Bởi vì, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên căng thẳng tột độ, tưởng chừng chiến tranh sắp xảy ra sau nhiều tháng khẩu chiến dọa dẫm giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Thành công của thượng đỉnh « Moon – Kim lần I » cũng được giới phân tích đánh giá là « một cú đột phá ngoại giao ». Việc chọn thời điểm diễn ra thượng đỉnh cũng không phải là một sự ngẫu nhiên như nhận xét của ông Cleo Thement, viện Đông Á, trường Ecole Normale Supérieure của Lyon, từng có thời gian đến giảng dậy tại Đại học Khoa Học và Công Nghệ Bình Nhưỡng, khi trả lời phỏng vấn ban Tiếng Việt đài RFI ngày 26/04/2018.

« Tổng thống Hàn Quốc được bầu vào tháng 05/2017 và điều này đã dẫn đến việc chính quyền Hàn Quốc thay đổi chính sách trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Chính quyền Hàn Quốc trước đó rất bảo thủ và chống đối mạnh mẽ mọi tiến trình cải thiện quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên.

Về phần mình, Bắc Triều Tiên đã quyết định hoàn tất việc phát triển các chương trình nguyên tử và tên lửa đạn đạo, để tạo thế mạnh khi tiến hành thương lượng với Hàn Quốc và sau đó với Hoa Kỳ. »

Tình hình bán đảo Triều Tiên bỗng nhiên cũng hạ nhiệt với các lần thượng đỉnh II (5/2018) và III (9/2018) tiếp theo. Những hình ảnh phát đi cho thấy cảnh lãnh đạo hai miền thân mật bắt tay, ôm chầm lấy nhau ; cử chỉ thân thiện của Kim Jong Un mời lãnh đạo Hàn Quốc bước qua lằn ranh phân định giới tuyến hay hình ảnh tổng thống Moon và phu nhân cùng thăm đỉnh núi thiêng Paektu với lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã mang lại nhiều hy vọng nhưng cũng chứa đựng đầy hoài nghi.

Bởi vì không ai có thể tiên liệu được rằng những hình ảnh đầy xúc động đó có thể tiếp tục duy trì tình trạng hạ nhiệt này cho bán đảo đến tận bao giờ.

Thượng đỉnh Singapore : « Kỳ phùng địch thủ »

Một hình ảnh khác cũng gây ấn tượng không kém trong năm 2018 chính là cái bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, tại thượng đỉnh Singapore, ngày 12/06/2018.

« Con đường dẫn đến cuộc gặp này không mấy gì dễ dàng. Những định kiến xưa cũ và các thói quen trong quá khứ đã dựng nên nhiều cản trở cho tiến trình. Nhưng chúng ta đều đã vượt qua và ngày hôm nay chúng ta đều có mặt ở đây ».

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã có phát biểu như trên nhân cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore. Cuộc gặp được cho là kết thúc tốt đẹp với lời hứa phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của lãnh đạo Kim Jong Un. Thế nhưng, lời cam kết này đã không thuyết phục được giới chuyên gia.

Vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh, trang mạng 38 vĩ tuyến bắc tiết lộ các hình ảnh cho thấy dường như trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên đã được mở rộng và đang gia tăng các hoạt động làm giầu chất uramium.

Do vậy theo quan điểm của bà Jenny Town, điều phối viên trang mạng 38 Vĩ tuyến bắc, thế giới nên cảnh giác trước những gì Kim Jong Un hứa hẹn tại thượng đỉnh Singapore :

« Đây mới là trung tâm chính trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên cùng với một lò phản ứng chất plutonium, nhiều nhà máy làm giầu chất uranium, những nơi sản xuất ra chất uranium cực kỳ đậm đặc. Chính ở đó họ sản xuất chất liệu hạt nhân dùng để chế tạo bom nguyên tử. Bởi vì, các hình ảnh vệ tinh của chúng tôi cho thấy một số chương trình mở rộng vốn được khởi động NGAY TRƯỚC thượng đỉnh kể từ giờ đã vào giai đoạn hoàn tất.

Chính các bước cải thiện này sẽ củng cố hơn nữa khả năng sản xuất nguyên liệu phân hạch của họ. Đây là bằng chứng cho thấy nên ngừng những lời nói hoa mỹ, không nên bằng lòng về một tuyên bố và nên nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận thật sự : Cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đây không phải là một thỏa thuận, mà một mục tiêu. Chừng nào chưa có những chỉ thị rõ ràng từ trên ban xuống, chừng ấy họ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. »

Tóm lại, thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore chỉ mới là màn mở đầu cho một tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên « dài hơi » và « bất định ». Bởi lẽ, bên nào cũng khăng khăng giữ nguyên lập trường và luôn trong trạng thái nghi kỵ lẫn nhau.

Nhưng đối với Bắc Triều Tiên đây cũng là một bước đi quan trọng. Hình ảnh cái bắt tay lịch sử đó phần nào giúp Bình Nhưỡng phá đi thế cô lập ngoại giao do quốc tế mà Hoa Kỳ đứng đầu dựng nên từ nhiều năm qua.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung : Truyện dài nhiều tập

Năm 2018 còn mang đậm dấu ấn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Từ mấy tháng nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến thuế quan vô tiền khoáng hậu.

Chính quyền Washington cáo buộc Bắc Kinh cạnh tranh không lành mạnh, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tấn công tin tặc… nên đã thiết lập một hàng rào thuế quan nghiêm ngặt chưa từng thấy nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Và ngược lại, Bắc Kinh không chịu lép vế, đáp trả tương xứng đánh thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.

Cuộc chiến tưởng chừng sẽ kéo dài sang năm mới, thì đột nhiên hai bên thông báo hưu chiến trong vòng 90 ngày bên lề thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Achentina.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, thương mại chỉ là bề nổi, vì ẩn sau cuộc đọ sức Mỹ - Trung này là một mặt trận khác : Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và giành quyền thống trị các công nghệ tương lai. Hơn bao giờ hết thế độc tôn lãnh đạo của Mỹ trên thế giới bị đe dọa.

Về điểm này, mục tạp chí Tiêu điểm thời sự ngày 13/12/2018 của ban Tiếng Việt có trích dẫn nhận xét của ông François Godement, giám đốc Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế, Thượng viện Pháp, khách mời của chương trình Địa chính trị của RFI, phân tích :

« Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy từ năm sau khi Mao qua đời và với cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình năm 1978. Trong một thời gian dài với khẩu hiệu « náu mình chờ thời » (thao quang dưỡng hối). Giới lãnh đạo sau đó tuyên bố theo chính sách « phát triển » trong tinh thần hiếu hòa.

Họ còn cân nhắc giữa « phát triển và trỗi dậy » và tuyên bố là chỉ phát triển trong tinh thần hòa bình. Thế rồi, đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì mọi việc sáng tỏ hơn : Trung Quốc « trỗi dậy trong mọi lãnh vực », đó là kết quả của một quá trình chạy đua vũ trang rất, rất dài. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt trội các quốc gia láng giềng. Do vậy, Hoa Kỳ mới lo ngại.

Thế giới đã qua rồi thời kỳ sống chung với một siêu cường với nền kinh tế thị trường hùng mạnh hơn bất cứ nước nào lại có thêm sức mạnh quân sự (Mỹ). Ngày nay, thế giới có thêm một nước Trung Quốc với tham vọng làm bá chủ thế giới từ công nghệ cho đến thương mại, một nước Trung Quốc « dân tộc chủ nghĩa », bảo hộ thị trường và đang cạnh tranh ngang tầm với Hoa Kỳ trong một số lãnh vực. »

Pháp : « Vô địch bóng đá » và « vô địch bạo động »

Cuối cùng, nhìn sang nước Pháp. Năm 2018 có lẽ sẽ năm đáng nhớ. Bởi vì chẳng có quốc gia nào có một cảm giác buồn vui lẫn lộn như tại Pháp năm nay. Tháng 7 người dân Pháp hoan hỉ đón nhận chiếc cúp vô địch bóng đá thế giới thứ hai.

Theo nhận định của chuyên gia Pascal Boniface trên đài RFI trong một chương trình phát thanh hồi tháng Bảy, trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị và xã hội u ám hiện nay, thắng lợi của đội nhà đã mang đến cho đất nước một luồng sinh khí mới.

« Bởi vì thành thực mà nói, tình hình nước Pháp không mấy tốt đẹp, về kinh tế, xã hội, bị chia rẽ, bầu không khí ảm đạm, rồi các vụ khủng bố… Pháp là một nước bi quan, rất bi quan. Các cuộc điều tra cho thấy dân Pháp còn bi quan hơn cả dân Afghanistan, Irak và đó là một nghịch lý.

Do vậy, dân Pháp cần có những dịp cùng vui chung, quây quần tụ tập, không phải để chống nhau mà để chia sẻ niềm vui. Đó không phải là một sự tập hợp của một tầng lớp nào, một cộng đồng nào, mà của tất cả mọi người. Những dịp như vậy rất hiếm có.

Thành thực mà nói, ngoài bóng đá, tôi không thấy có điều gì có thể tạo được niềm vui chung như vậy. Tại Paris, đã bao nhiêu lần có tới hơn một triệu người xuống đường cùng nhau chia sẻ niềm vui ? Có lẽ là vào dịp Paris được giải phóng khỏi sự xâm chiếm của ngoại bang, hồi tháng 05/1968 chống lại các cuộc đình công, hồi tháng 01/2015 để phản đối các vụ khủng bố.

Tháng 07/2018, Pháp đoạt Cúp vô định bóng đá thế giới, người dân xuống đường trong bầu không khí tích cực, lễ hội, chứ không phải như một số sự kiện trước : xuống đường để tưởng niệm, bày tỏ đau thương hay phản đối. »

Pháp : Áo Vàng phá hỏng tiệc cuối năm

Thế nhưng, niềm vui đó người dân Pháp đã không hưởng trọn vẹn. Từ bốn thứ Bảy liên tiếp, thế giới được chứng kiến những cảnh tượng chưa từng thấy kể từ sau đợt bạo động sinh viên mùa xuân năm 1968. Paris hoang tàn như có nội chiến. Khải Hoàn Môn, điểm tham quan lịch sử, biểu tượng của nước Pháp bị phá hoại, bị bôi nhọ. Đại lộ Champs – Elysées như là một bãi chiến trường. Gạch lát đường, song sắt bảo vệ cây bị cậy phá. Các cửa hiệu thương hiệu cao cấp thì bị cướp phá. Hàng quán thì bị đập vỡ…

Vì đâu nên nỗi ? Paris nạn nhân của một làn sóng phản đối mang tên Áo Vàng. Từ chuyện bất bình về việc giá nhiên liệu tăng, hàng trăm ngàn người dân Pháp đã khoác chiếc « Áo Vàng », chiếc áo an toàn giao thông, xuống đường biểu tình phản đối chính phủ trên nhiều mặt : sưu cao thuế nặng, đời sống đắt đỏ, sức mua giảm…

Một người dân ở vùng Haute-Loire bức xúc trả lời phóng viên đài RFI : « Để đi chợ, chúng tôi buộc phải đi từ 20-30 km. Chúng tôi phải làm sao đây ? Bởi vì ở trong làng giờ không có dịch vụ nào hết. Mỗi lần muốn làm việc gì đều phải dùng đến xe, trong khi có những thứ mà lẽ ra thị trấn nhỏ bé này vẫn có thể làm được. Và như vậy cũng có thể tạo ra việc làm ».

Trước nguy cơ phong trào lan rộng, tổng thống Emmanuel Macron buộc phải lên tiếng nhượng bộ, khẩn cấp đề ra các biện pháp « chữa cháy » : bãi bỏ việc tăng thuế nhiên liệu, miễn thuế thu nhập và mức đóng góp xã hội cho tiền lương phụ trội, hoãn tăng mức đóng góp xã hội CSG đối với những người về hưu có thu nhập thấp hơn 2000 euro/tháng, đồng thời tăng tiền trợ cấp cho người có số giờ làm việc thấp, dẫn đến việc tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng.

Liệu rằng những biện pháp « chữa cháy » đó có xoa dịu được cơn bất bình của người dân hay chưa ? Câu trả lời giờ phải đợi đến ngày thứ Bảy 15/12/2018 này, bởi vì trong bối cảnh khủng bố ở Strasbourg hôm thứ Ba 11/12 làm ba người chết và 13 người bị thương, nhiều người thuộc phe Áo Vàng do dự có nên tiếp tục xuống đường hay không.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.