Vào nội dung chính
TUNG QUỐC - HOA VI

Điểm tuần báo : Hoa Vi, Áo Vàng và Fake food

Macron chao đảo, Carlos Ghosn bị cầm tù, Mạnh Vãn Châu bị quản thúc, Brexit trong khung cửa hẹp, « fake food » ngon miệng hại thân, là những chủ đề thời sự cuối năm trên các tuần báo Pháp.

Ảnh minh họa, chụp tại Bắc Kinh ngày 12/12/2018.
Ảnh minh họa, chụp tại Bắc Kinh ngày 12/12/2018. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Huyền thoại « mình đồng da sắt » của Trung Quốc nứt rạn

Nữ giám đốc tài chính của Hoa Vi, tập đoàn viễn thông điện tử Trung Quốc, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ làm sứt mẻ hình ảnh « mình đồng da sắt » của Trung Quốc, theo nhận định của báo chí Canada, được tổng hợp trên Courrier Internatinal.

Bà Mạnh Vãn Châu bị nghi ngờ khai gian để SkyCom, một chi nhánh của Hoa Vi tại Hồng Kông có thể buôn bán với Iran. Với tội danh này, thừa kế tập đoàn viễn thông số một Trung Quốc, thứ hai thế giới có thể lãnh án 30 năm tù, theo luật pháp Mỹ.

Báo Global and Mail của Canada giải thích : Ottawa ở trong thế khó xử giữ hai siêu cường đang đấu tranh giành thế áp đảo cho các công ty nhà. Mike Gow, một chuyên gia Anh mô tả rõ hơn : cuộc chiến tranh địa chính trị này đang diễn ra trong các chiến hào của công nghệ số. Trong cuộc thư hùng mà một trong những thách thức lớn là tung ra thị trường công nghệ điện thoại thế hệ 5.

Theo quan điểm của nhật báo Canada này, Hoa Kỳ đang chiếm lợi thế so với Trung Quốc từ tháng 5 năm nay. Vào thời điểm đó, một tập đoàn trang thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE, đã bị cấm nhập cảng linh kiện của Mỹ. Huyền thoại một siêu cường Trung Quốc «vách sắt thành đồng » tan vỡ.

Những điều Trung Quốc lo ngại hiện rõ : căng thẳng thương mại leo thang, chiến tranh lạnh Mỹ- Trung tái diễn, Hoa Kỳ tung chiến dịch huy động thế giới cản đường phát triển công nghệ cao cấp của Trung Quốc. Giờ đây là việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính đại công ty trong tầm nhắm của chiến dịch.

Trong thời gian trước đó, Trung Quốc luôn biểu dương thế mạnh bất bại : Thế Vận Hội 2008, kinh tế vững vàng trong một thế giới khủng hoảng. Tây phương bái phục những công trình nghiên cứu và bằng sáng chế, những thành phố siêu hiện đại. Ẩn số duy nhất là khi nào thì Trung Quốc qua mặt nước Mỹ.

Thế rồi, « ZTE bị Mỹ dập vùi » và Trung Quốc mới ý thức là doanh nghiệp của mình có nhiều nhược điểm hơn là họ lầm tưởng. Nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại, Bắc Kinh phản ứng dữ dội trong vụ Mạnh Vãn Châu, hăm dọa trả đũa Canada với những « hệ quả nghiêm trọng ». Báo Le Devoir và La Presse nhận định đồng điệu: kẹt giữa hai siêu cường Canada chọn lựa sao đây ?

Căm giận và chống Macron xuất phát từ đâu và sẽ đi đến đâu ?

Câu hỏi trên trang bìa của L’Express. Tuần báo cánh tả L’Obs tập trung vào « 4 tuần lễ tê liệt » và « giải pháp » của Áo vàng.

Theo thăm dò ý kiến, phong trào chống đối Macron không mang màu sắc chính trị mà xuất phát từ nhận định và thất vọng vì tổng thống Pháp không bảo vệ « quyền lợi chung » mà còn lên tiếng dạy đời, chứng tỏ một sự mù lòa về xã hội.

Về phần tổng thống Pháp, ông nghĩ gì ? Điều làm ông đau đớn nhất là bị phê phán không hiểu nguyện vọng người dân có mức thu nhập thấp. Macron bị giằng co giữa trí thông minh và bản tính : đầu thì hiểu mà lòng thì không chấp nhận. L’Express cảnh báo : nếu không thóat ra được khủng hoảng, tương lai Macron là « xác ướp ». Cực hữu và cực tả, mỗi phe một chiến thuật thúc đẩy phong trào Áo vàng đi vào bạo động.

Tuần báo L’Obs tương đối lạc quan : Vị tổng thống đứng bên bờ vực, tuy không nói ra, nhưng đã thay đổi đường lối. Một cố vấn xác nhận từ nay sẽ « làm lại từ đầu » không để « bộ máy hành chánh điều hành đất nước nữa mà là người hoạt động chính trị ». Bởi vì, một rừng yêu sách của phong trào Áo vàng, ngoài đòi tăng sức mua, chống thuế nó còn thể hiện nguyện vọng một nền dân chủ kiểu mới, mọi hy sinh, mọi lợi nhuận phải chia sẻ đồng đều, dân muốn trực tiếp tham gia việc nước và có quyền được biết vì sao đóng thuế và tiền thuế được sử dụng ra sao.

Liệu tổng thống Pháp Macron đã hết thời ?

Câu hỏi chính không riêng gì của báo chí Pháp mà còn là đề tài bình luận của các đồng nghiệp quốc tế cùng lúc cảnh báo các chế độ dân chủ trước làn sóng ích kỷ, cực đoan.

Với tựa « Trong ngõ cụt », bài xã luận của tuần báo Courrier Internatinal không dấu lo âu : bất hạnh của Macron là hạnh phúc của nhiều người khác. Donald Trump, Vladimir Putin, Recep Ergogan không bỏ lỡ cơ hội mỉa mai những khó khăn của tổng thống Pháp. Lãnh đạo dân túy tại Ý, Matteo Salvini cũng sẵn dịp trả thù, chế nhạo Macron.

Bị nội tình rối loạn làm vướng tay vướng chân, chủ nhân Điện Elysée đâu còn tâm trí phục hưng Liên Hiệp Châu Âu. Đã vậy, còn ai để lắng nghe ông ? Phe Áo vàng chắc chắn là không . Còn giới lãnh đạo các quốc gia châu Âu ? Angela Merkel từ từ ra khỏi sân khấu chính trị Đức sau khi bị phe cực hữu lấn sân. Đầu tàu Pháp- Đức không tránh khỏi hệ quả. Anh Quốc từ lâu nay đã vắng mặt, Theresa May cũng lao đao với phương trình Brexit nan giải. Tây Ban Nha bối rối với phong trào độc lập Catalunya và xu hướng cực hữu chiến thắng ở Andalusia. Thủ tướng Bỉ Charles Michel bị bắt buộc lãnh đạo một nội các thiểu số sau khi phe dân tộc chủ nghĩa nói tiếng Flamand rút lui (để phản đối Bỉ ký Hiệp ước Di trú của Liên Hiệp Quốc).

Trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng là đến ngày bầu cử Nghị Viện Châu Âu, những lãnh đạo bài ngoại ở Hungari và Ý có thể xoa tay khoái chí. Bởi vì tổng thống Pháp không phải chỉ thua phe Áo vàng : thất bại trong nước làm giảm cơ may trở thành « cứu tinh của Châu Âu » như tuần báo Anh The Economist kỳ vọng trong số báo tháng 06/2017. Một thóang mây bay.

Khủng hoảng tại Pháp nhưng cùng lúc đe dọa tương lai châu Âu

Ai sẽ thay thế Theresa May ? Chiếc ghế thủ tướng Anh đang bị nội bộ đảng bảo thủ rình rập, nhận định của The Daily Telegraph. Phải chăng đó là triệu chứng một cuộc khủng hỏang mới tại châu Âu ? báo The Times lo ngại : Đức, Ý, Ai Len, Hà lan… những khó khăn mà chính phủ Pháp đang đối đầu, cũng là tình trạng chung của nhiều thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Macron « gia nhập » hàng ngũ những nhà lãnh đạo bị suy yếu vì nội tình chính trị.

Báo « Người Frankfurt chủ nhật » không hoàn toàn đồng ý : Chính quyền Berlin vẫn còn vận may, thủ tướng Angela Merkel cũng thế. Bởi vì sau 13 năm lãnh đạo, công cuộc chuyển giao quyền thừa kế trong đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo được tổ chức hài hòa. Cho dù bị suy yếu vì «mở cửa cho di dân, tị nạn », Angela Merkel đã thành công chuyển trao bộ máy đảng cho tân chủ tịch AKK (Annegret Kramp-Karrenbauer), cùng đường hướng chính trị.

Di dân nhập cư trả giá khủng hoảng

Thế nhưng, trong bối cảnh sắp bầu Nghị Viện Châu Âu và đối mặt với làn sóng cực hữu, dân túy bài ngoại, tâm lý bao dung trong cánh tả ở châu Âu cũng giảm nhiều đối với một làn sóng khác : làn sóng di dân. L’Obs dành một bài phóng sự dài điểm qua bốn nước châu Âu : Đan Mạch, Anh, Đức, Ý. Cánh tả Pháp cũng do dự : chống di dân thì trái với đạo lý còn ủng hộ thì mất phiếu của cử tri bình dân.

Tư pháp Nhật ép Carlos Ghosn cung khai để làm gì ?

Tuần báo L’Obs tìm câu trả lời vì sao lãnh đạo tập đoàn xe hơi Renault Pháp, liên doanh với Nissan bị tư pháp Nhật bắt giam từ một tháng nay? Nhà phân tích Jean-Marie Bouissou, sử gia thông thạo văn hóa Nhật, trong bài phỏng vấn, cho rằng « đó và vấn đề danh dự ».

Carlos Ghosn đến với Nhật như một cứu tinh vào lúc Nissan thua lỗ, kinh tế Nhật suy trầm. Thế mà trong liên doanh, Nissan phải đóng góp vốn nhiều hơn Renault, lại bị « chiếm đọat » công nghệ nên ngậm đắng nuốt cay dù rất bất bình.

Trong giai đoạn đó, nhiều ngôi sao công nghiệp của Nhật bị rơi vào tay nước ngoài, Mỹ và Đài Loan, như Takana, Toshiba và Sharp.

Giờ đây, kinh tế Nhật có dấu hiệu phục hồi, thất nghiệp giảm, tội ác hình sự xuống thấp. Người Nhật có quyền hãnh diện về thành quả này. Thế giới cũng sắp đỗ dồn nhìn về quần đảo Phù Tang với Cúp Bóng Bầu Dục 2019, Thế Vận Hội Tokyo 2020 và Triển Lãm Toàn Cầu 2025. Đằng sau vụ cách chức Carlos Ghosn là xu hướng dân tộc chủ nghĩa hồi sinh.

Đối với chưởng lý toà án Tokyo, bắt lãnh đạo tập đoàn Renault cung khai tội trốn thuế là một chuyện danh dự. Nếu thất bại, thì nền tư pháp Nhật Bản và nước Nhật sẽ mất mặt với báo chí quốc tế, thường chỉ ra những bất cập của các quyết định pháp lý. Điển hình là vụ tạm giam 6 tuần lễ bà Julie Hamp tân giám đốc giao tế của Toyota, một phụ nữ người Mỹ với « tội danh dùng ma túy » vì bà dùng thuốc chống đau khớp có chứa một ít nha phiến trong công thức. Ngay chủ tịch Toyota, vì lên tiếng bên vực bà Julie Hamp mà văn phòng cũng bị lục sóat.

Tại Nhật, một nghi can từ chối khai báo có thể bị giam đến ba tuần. Carlos Ghosn có thể ngồi tù đến ngày ra toà. Năm 2006, doanh nhân Takafumi Horie, cũng bị cáo buộc tội danh tương tự và bị nhốt hai năm rưỡi vì tính khí cương cường. Luật sư của Carlos Ghosn biết viên chưởng lý này, người chiếu cố Takafumi Horie và nay đang chiếu cố lãnh đạo Renault.

Trong tình huống này, theo nhà phân tích Jean-Marie Bouissou, Paris khó mà can thiệp. Tổng thống Pháp không lẽ cứu một nghi can bị tố trốn thuế 40 triệu đôla. Về phía Nhật, thủ tướng Shinzo Abe cũng không dám đi ngược lại công luận mà đa số chống Carlos Ghosn. Cả hai nhà lãnh đạo Pháp Nhật chỉ còn có giải pháp gồng mình lãnh búa rìu báo chí. Trang Webronza ở Tokyo chỉ trích tâm lý « dân tộc chủ nghĩa » : Carlos Ghosn là nạn nhân của nạn « được xôi rồi việc ».

Từ Trung Đông, báo Al Mondo của Liban không bênh vực doanh nhân Pháp mang dòng máu Liban mà còn lập luận lạ thường : Ghosn « lên voi xuống chó » vì « chơi thân với dân Do Thái ».

Ăn chay cứu trái đất

Giảm ăn thịt để bảo vệ sức khỏe và trái đất. Đó là một vấn đề đạo lý,môi trường và sức khỏe theo khẳng định của Courrier International trong « hồ sơ đặc biệt ». Thức ăn công nghiệp hại sức khỏe ra sao, làm sao tránh, kết quả điều tra với tựa « Fake Food » của tuần báo L’Obs. Không hẹn mà nên, trong mùa lễ hội cuối năm, hai tuần báo Pháp tập trung vào thực phẩm… bị nghi là có hại.

Câu hỏi then chốt của nhân loại trong tương lai, theo Courrier Internatinal, là có nên ăn thịt đỏ tức là heo và bò hay không ? Tại Pháp, chiến tranh « ý thức hệ tôn giáo » đã nổ ra giữa doanh nhân bán thịt và phe ăn chay. Cho dù chỉ có khoảng 200 nhà hoạt động năng nổ trên tổng số 200.000 người ăn chay, phe chống thịt, bảo vệ động vật cũng bao vây, phong tỏa hàng thịt theo phóng sự của báo Đức Sudeutsche Zeitung.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc thẩm định dân Pháp và dân Đức rất hảo thịt, tính trung bình, mỗi người tiêu thụ đến 90 kí lô mỗi năm. Trung Quốc một mình tiêu thụ 28% lượng thịt sản xuất trên thế giới. Với đà tiêu thụ này thể giới sẽ ra sao ? Theo tạp chí Science, 83% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới được sử dụng để chăn nuôi. Nhưng chăn nuôi cũng có cái giá phải trả : đó là lượng khí thải CO2.

Một khi dân số địa cầu lên 10 tỷ, nhân loại buộc phải thay đổi cách sản xuất và ăn uống. Thay đổi như thế nào ? Đó là cuộc tranh luận hiện nay : ăn chay hay giã từ heo bò ? Chế tạo thịt trong phòng thí nghiệm và không phí phạm thức ăn… liệu có đáp ứng đủ không ? Để nuôi sống 7 tỷ dân hiện nay, mỗi ngày phải giết 50 tỷ thú vật.

Để bảo vệ sức khỏe chống nguy cơ ung thư do ăn thịt thái quá, nhóm nghiên cứu Anh, đại học Oxford, đề nghị tăng thuế đánh lên thịt như phương thức đánh thuế thuốc lá và đường, để làm giảm mức tiêu thụ. Nhưng nhiều nhà khoa học lại cho rằng con số 2,39 triệu người chết vì thịt đỏ trên toàn cầu mỗi năm là đáng ngờ, cho dù liên quan nhân quả giữa lạm dụng thịt và ung thư trực tràng đã được chứng minh.

Nhưng không chỉ thịt đỏ có hại cho sức khỏe. Tuần báo L’Obs, với phóng sự về « Fake Food », trình bày một loạt « thức ăn biến chế » nhờ vào phụ gia làm ngon miệng nhưng hại thân : giá trị dinh dưỡng tồi, bị nghi ngờ là thủ phạm gây nạn béo phì trên thế giới, bệnh tiểu đường và ung thư.

Tại sao gọi là « fake ? Bởi vì các loại thức ăn này tiện lợi cho việc hâm nóng, ăn liền, hợp khẩu trẻ con bị quảng cáo chinh phục, nhưng đó là « thức ăn đã bị biến chất » trong quá trình chế tạo. Tạp chí đương cử hai ví dụ : cá mòi hộp được hấp nóng trong dầu ăn thì không hại gì cả nhưng cá lăn bột chiên thì phải biết là « không còn tự nhiên ». L’Obs phân tích chất lượng một số thực phẩm thường dùng : thịt nguội đẹp mắt ướp muối nitrite, trái olive nhập khẩu, đậu hũ, gan ngỗng, trà giả, sữa chua…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.