Vào nội dung chính
CANADA - TRUNG QUỐC

Bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi, Canada đã vội quên bài học năm 2014

Trung Quốc đã có phản ứng ngày càng mạnh mẽ sau vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính Hoa Vi theo yêu cầu của Mỹ và cảnh cáo là chính quyền Ottawa sẽ « gánh lấy hậu quả nghiêm trọng ». Quả thực là Trung Quốc đã không hề dọa dẫm và « nói suông ». Hôm thứ Hai, 10/12, hai công dân Canada đã bị Bắc Kinh bắt giữ. Vụ việc cho thấy một lần nữa Canada lại bị «vướng bẫy» tranh chấp Mỹ - Trung.

Ngoại trưởng Chrystia Freeland tại Ottawa lên tiếng về vụ Bắc Kinh bắt giữ công dân Canada. Ảnh ngày 12/12/2018.
Ngoại trưởng Chrystia Freeland tại Ottawa lên tiếng về vụ Bắc Kinh bắt giữ công dân Canada. Ảnh ngày 12/12/2018. REUTERS/Chris Wattie
Quảng cáo

Người thứ nhất bị bắt là Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao Canada, đang làm việc cho Trung tâm cố vấn International Crisis Group (ICG). Người thứ hai là doanh nhân Canada, Michael Spavor, đang làm ăn tại Trung Quốc.

Phải chăng Canada bắt đầu trả giá cho việc tuân theo các yêu cầu của Mỹ ? Cả Bắc Kinh lẫn Ottawa hiện đều không khẳng định vụ bắt giữ hai nhân vật trên, nhất là với trường hợp ông Michael Kovrig, là « hệ quả » của vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Hoa Vi. Nhưng người thân cũng như một số chuyên gia đều cho rằng cả hai vụ việc có liên hệ với nhau.

Theo tờ Bắc Kinh thời báo, ông M. Kovrig « bị nghi ngờ có những hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh Trung Quốc », một cách nói mà Bắc Kinh thường hay sử dụng để buộc tội gián điệp.

Trả lời AFP, ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho rằng« rõ ràng là chính phủ Trung Quốc muốn gây áp lực tối đa với chính quyền Canada ». Ông cũng lưu ý rằng đây cũng không phải là lần duy nhất Canada rơi vào trường hợp như vậy.

Năm 2014, Trung Quốc đã từng bắt giữ hai công dân Canada, Kevin và Julia Garratt, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ với tội danh hoạt động gián điệp để trả đũa việc Canada tạm giam thẩm vấn ông Su Bin bị nghi ngờ có can dự vào một vụ tấn công tin học cũng theo yêu cầu của phía Mỹ. Vụ việc kết thúc với việc Bắc Kinh lần lượt trả tự do cho hai người trên vài tháng sau khi ông Su Bin chấp nhận đến Mỹ và tuyên bố vô tội.

Ottawa giờ đây một lần nữa bị rơi vào thế kẹt giữa Washington và Bắc Kinh, vốn dĩ đang có nhiều điểm bất đồng về thương mại hay gián điệp mạng. Vẫn theo ông Saint-Jacques, nhà cựu ngoại giao M. Kovrig chắc chắn sẽ là « một nạn nhân » trong cuộc tranh cãi này.

Về điểm này, ông Shaun Rein, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc cũng có cùng quan điểm, nhấn mạnh thêm : « Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ là một siêu cường đối thủ của Mỹ và các nước khác nên cân nhắc giữa việc đứng về phía Trung Quốc hay là Mỹ ». Do vậy, theo ông, « nhà cựu ngoại giao là một con tốt và sẽ bị giam giữ cho đến khi nào Mạnh Vãn Châu được trả tự do ».

Chuyên gia Rein cho rằng Trung Quốc đã tỏ ra cao tay khi bắt giữ công dân Canada. Bởi vì, « Quốc Hội Mỹ sẽ không thể la ó hay làm gì được. Các cuộc thương lượng vẫn có thể tiếp diễn vì Bắc Kinh luôn tán đồng với thỏa thuận đúc kết được với Donald Trump nhân thượng đỉnh G20 ».

Tóm lại, nếu không tỉnh táo, thì « trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.