Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thương mại Mỹ-Trung : Kế hoãn binh

Đăng ngày:

Khuya ngày 01/12/2018 tại Buenos Aires, Mỹ và Trung Quốc tạm đạt thỏa thuận về thương mại trong thời hạn 90 ngày. Thế giới thở phào nhẹ nhõm vào lúc chiến tranh thương mại đã đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu, kinh tế của Trung Quốc thấm mệt, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đau đầu.

Tổng thống Donald Trump (trái) và chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh tháng 11/2017.
Tổng thống Donald Trump (trái) và chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh tháng 11/2017. JIM WATSON / AFP
Quảng cáo

Nhưng mọi người đều ý thức rằng hiệp định đình chiến đó rất mong manh, "hòa ước" còn xa vời. San bằng những bất đồng sâu rộng trong vỏn vẹn 90 ngày la nhiệm vụ "bất khả thi". Thỏa thuận được thông báo tại Achentina bên lề thượng đỉnh G20 gồm những gì ?

"Án treo" 25 % thuế nhập khẩu

Phía Washington tạm ngưng biện pháp đòi đánh thuế 25 % vào 200 tỷ đô la hàng của Trung Quốc nhập vào Mỹ. Nhưng vẫn giữ mức thuế nhập khẩu là 10 % mà Nhà Trắng áp đặt từ mùa hè tới nay hiện tại. Nhượng bộ này chỉ có hiệu lực 90 ngày.

Ba tháng là thời hạn để tiếp tục đàm phán hòng đem lại những "thay đổi cơ bản" trong quan hệ mậu dịch song phương. Những "thay đổi cơ bản đó" bao hàm vế chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và cơ bản là thâm hụt mậu dịch 375 tỷ đô la của Mỹ với bạn hàng Trung Quốc.

Cũng Hoa Kỳ thông báo Bắc Kinh cam kết sẽ mua "một khối lượng đáng kể" - nhưng chưa biết đích xác là bao nhiêu - những sản phẩm của Mỹ từ nông nghiệp, công nghiệp đến năng lượng để khắc phục tình trạng bất cân đối thương mại giữa hai bên.

Rời Buenos Aires, trên đường về lại Washington, tổng thống Trump trên Twitter thông báo Trung Quốc hứa "giảm và xóa bỏ" thuế đánh vào xe hơi Mỹ, biên độ thuế hiện tại là 40 %. Về điểm này trước mắt Bắc Kinh vẫn im lặng. Năm ngoái Trung Quốc là thị trường mua xe hơi số 1 thế giới với 51 ty đô la, mà 13,5 tỷ trong số đó là xe nhập từ bắc Mỹ (trong đó có không ít kiểu xe Đức BMW hay Mercedes sản xuất tại Mỹ)

Bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin cho biết tổng thống Trump và chủ tịch Tập đã thảo luận "trên 145 điểm khác nhau" và Bắc Kinh cam kết không phá giá đồng tiền đế kích thích xuất khẩu. Biện pháp phá giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu gây thiệt hại cho người lao động Mỹ

Còn về phía Trung Quốc, người duy nhất trong đoàn đàm phán phát biểu nhiều với báo chí là ngoại trưởng Vương Nghị. Ông đánh giá thỏa thuận vừa đạt được tại Achentina "có lợi cho cả đôi bên".

Trả lời đài RFI cố vấn Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Và Thông Tin Quốc Tế CEPII, Michel Aglietta ghi nhận việc Trung Quốc phải nhượng bộ là điều gần như hiển nhiên :

"Trong khuôn khổ hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ chiếm 20 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Tức là Mỹ mua vào 1/5 hàng Trung Quốc bán ra nước ngoài. Đây là một khối lượng rất lớn. Nếu như Mỹ đánh thuế 10 hay 25 % vào một khối lượng hàng hóa nhất định của Trung Quốc thì ảnh hưởng theo tôi, sẽ không nhiều. Nhưng nếu đánh thuế vào toàn bộ hàng của Trung Quốc bán sang thị trường Hoa Kỳ thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn thế giới sẽ giảm khoảng 4,5 % và khi đó tăng trưởng của Trung Quốc bị đe dọa".

Một tin vui trong ngắn hạn

Một ngày sau thỏa thuận tạm ngưng "leo thang" trong các đòn ăn miếng trả miếng lẫn nhau giữa hai ông khổng lồ trên thế giới, chứng khoán từ Âu sang Á và đương nhiên là ở Hoa Kỳ đã tăng. Giá dầu thô cũng tăng lên đôi chút sau khi đã giảm sụt trong bốn tuần lễ liên tiếp trước viễn cảnh sản xuất, xuất khẩu và tiêu thu khởi sắc trở lại.

Ngân hàng JP Morgan nhìn nhận Bắc Kinh và Washington đã có những "nhượng bộ đáng kể". Westpac Bangking của Úc xem đây là kịch bản "tối ưu trong ngắn hạn". Giám đốc cơ quan đầu tư của Nhật SBI, Tsutomu Soma đánh giá, trong cuộc đọ sức kéo dài từ đầu năm 2018, Mỹ "thắng đến 8 phần 10. Trung Quốc không có sự chọn lựa nào khác".

Thỏa thuận về hình thức ?

Nhà chính trị học tại Bắc Kinh, Hoa Bảo (Hua Po) nói với hãng tin Pháp AFP : thỏa thuận hai ông Tập Cận bình và Donald Trump đạt được về hình thức, cho phép đôi bên cứu vãn danh dự. Về thực chất Trung Quốc và Mỹ cùng đang cần kéo dài thời gian. Ít ra là trong ba tháng, Bắc Kinh giảm bớt được áp lực kinh tế, trong bối cảnh tăng trưởng đã chựng lại vì hiệu ứng trừng phạt của Washington.

Vẫn theo chuyên gia này, đối với tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump đã trở về nước với những thành tích cụ thể sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, mà đảng Cộng Hòa đã đánh mất đa số ở Hạ Viện. Chính quyền Trump trút bớt gánh nặng qua việc Trung Quốc hứa hẹn mua nông phẩm Mỹ nhiều hơn.

Có điều như ghi nhận của một cựu quan chức bộ Tài Chính Mỹ, Brad Setser, sau buổi làm việc và tiệc tối ở Achentina, vấn đề còn lại là Bắc Kinh và Washington phải tìm được một sân chơi chung để xây dựng một thỏa thuận thực sự giải quyết dứt điểm những bất đồng sâu rộng.

Ba điểm then chốt gây bất đồng vẫn tồn tại

Nhìn lại cuộc đọ sức thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính quyền Trump bất bình trên ba điểm : một là thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc, hai là tố cáo Bắc Kinh "đánh cắp công nghệ" của Mỹ và thứ ba là không tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ.

Về điểm thứ nhất, nhìn vào mức thâm hụt 375 tỷ đô la của Hoa Kỳ so với Trung Quốc tổng thống Donald Trump tố cáo Bắc Kinh trợ giá cho các doanh nghiệp, bán phá giá, cạnh tranh bất bình đẳng với các hãng của Mỹ.

Đành rằng nhân cuộc họp đầu tiên với tổng thống Mỹ từ khi nổ ra chiến tranh thương mại mà đôi bên đã dùng những "vũ khí hạng nặng" tấn công lẫn nhau (đánh thuế lên 50 tỷ đô la hàng của lẫn nhau, rồi 100 tỷ và 200 tỷ ...), chủ tịch Tập Cận Bình có hứa nhập hàng của Mỹ nhiều hơn, để thu hẹp thâm hụt trong cán cân thương mại. Cam kết này là một tin vui đối với tổng thống Mỹ sau khi Bắc Kinh đòi đánh thuế 25 % vào lúa mì, ngũ cốc của Mỹ bán sang Trung Quốc. Nhưng lấp đầy khoảng trống 375 tỷ đô la trong cán cân thương mại song phương là điều không tưởng. Hơn nữa những lời hứa chung chung này không đủ sức làm Donald Trump hài lòng.

Điểm nóng thứ hai trong quan hệ thương mại song phương là vế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ tố Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cướp bằng sáng chế của các công ty Hoa Kỳ thông qua các hợp đồng liên doanh và qua ngả chuyển giao công nghệ.

Washintong ước tính thiệt hại của các công ty Mỹ trong vụ này là 600 tỷ đô la.

Trong báo cáo gần đây, đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer còn nêu đích danh Bắc Kinh hỗ trợ các chiến dịch tấn công tin học nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ. Trên cả hai điểm vừa nêu, tuần qua, Tập Cận Bình cam kết một cách chung chung, sẽ "tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài". Có điều, không chỉ một mình Mỹ và cả Liên Hiệp Châu Âu đều ghi nhận đến nay, lời nói của Bắc Kinh không đi đôi với việc làm.

Khúc mắc thứ ba và cũng là cốt lõi sâu xa trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung hiện tại là một cuộc chạy đua về công nghệ giữa hai ông khổng lồ kinh tế thế giới. Về điểm nhậy cảm này, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều khá kín tiếng sau cuộc họp Buenos Aires vừa qua. Hơn nữa, theo các nguồn tin thân cận, thương mại chỉ là một trong những lĩnh vực mà hai ông Trump và Tập đã đề cập đến vừa qua, bên cạnh một số những hồ sơ khác như là Biển Đông và Đài Loan.

Nhìn từ Pháp, giáo sư kinh tế Mary Françoise Renard, đại học Clermond-Auvergne cho rằng cuộc đọ sức mậu dịch Mỹ-Trung hiện nay sẽ kéo dài, và Trung Quốc đã có những nước chuẩn bị từ trước bằng cách mở rộng ảnh hưởng khắp nơi, đặc biệt là châu Á :

"Đúng là Trung Quốc từng di dời cơ sở sản xuất sang một số các quốc gia trong vùng châu Á, chủ yếu là để tận dụng nhân công rẻ, nhưng Bắc Kinh cũng có thể coi đây là một trong những giải pháp để lách trừng phạt của Hoa Kỳ. Chính vì thế mà Trung Quốc cần đến các đối tác châu Á và đặc biệt là trong vùng Đông Nam Á. Thêm vào đó những đối tác này cũng là những khách hàng thay thế được phần nào những thiệt hại bên phía thị trường Mỹ".

Dù vậy theo Mary Françoise Renard, đại học Clermond-Auvergne, những đòn tấn công thương mại của chính quyền Trump vừa gây khó khăn cho Trung Quốc nhưng cũng vừa là cú hích để Bắc Kinh nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế, dựa trên tiêu thụ nội địa :

"Ngoài yếu tố liên quan đến chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc cần đến sức mua của thị trường nội địa để vực dậy đà tiêu thụ. Đây là điều mà Bắc Kinh đã làm trong những năm gần đây. Thị trường trong nước vừa là một giải pháp trong cuộc đọ sức thương mại với Washington hiện tại, vừa là một giải pháp cho tương lai lâu dài".

Cố vấn của Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Và Thông Tin Quốc Tế CEPII, Michel Aglietta xem sức mua và dân số của Trung Quốc là những lợi thế của Bắc Kinh

"Thị trường Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng, vẫn còn 40 % dân số Trung Quốc sống ở nông thôn, điều đó có nghĩa là tỷ lệ độ thị hóa vẫn chưa bão hòa. Với 1,5 tỷ dân Trung Quốc rất có giá trong mắt các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.