Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính, phép thử về tiến bộ xã hội Đài Loan

Đăng ngày:

Đài Loan tổ chức bầu cử địa phương và trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính ; K/DA - nhạc pop ảo của Hàn Quốc làm dậy sóng mạng xã hội và Dolce & Gabbana bị tẩy chay tại Trung Quốc. Trên đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Một nhà hoạt động bảo vệ quyền của người đồng tính tham gia trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 24/11/2018.
Một nhà hoạt động bảo vệ quyền của người đồng tính tham gia trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 24/11/2018. REUTERS/Ann Wang
Quảng cáo

Thứ Bảy 24/11/2018, mười tám triệu cử tri Đài Loan được mời gọi tham gia bỏ phiếu. Hơn chín cuộc bầu cử được tổ chức trong cùng một ngày. Bầu cử địa phương kèm theo 10 cuộc trưng cầu dân ý, trong đó có 5 cuộc trưng cầu liên quan đến « hôn nhân đồng tính », mà tổng thống Thái Anh Văn đã bảo vệ cách nay hai năm trong kỳ vận động tranh cử.

Câu hỏi đặt ra : Liệu người dân Đài Loan đã sẵn sàng chấp nhận một sự thay đổi triệt để, trái với truyền thống Khổng Tử/Nho Giáo ngự trị trong xã hội Đài Loan từ bấy lâu nay ?

Tại một ngã tư, phóng viên Stephane Lagarde, đặc phái viên của đài RFI có dịp trao đổi với thanh niên trẻ, Ray - một nhân viên văn phòng đang ra sức vận động người qua đường ủng hộ cho ý tưởng của bà Thái Anh Văn. Người thanh niên này chỉ có 90 giây để thuyết phục những người anh gặp mỗi khi xe dừng vì đèn đỏ. Ray cho biết anh ủng hộ câu hỏi số 14 và 15 trong lá phiếu trưng cuộc trưng cầu ngày thứ Bảy này.

« Lần này, qua trưng cầu dân ý, nếu những chủ đề đó bị bác bỏ, thì có nguy cơ làm dấy lên một sự phản ứng kỳ lạ trong dân chúng. Nhất là những câu hỏi ủng hộ việc người đồng tính có quyền lập gia đình và đặc biệt là câu hỏi số 11 liên quan đến việc giáo dục tại trường học. Ở nước ngoài, người ta sẽ cho rằng xã hội chúng tôi chưa sẵn sàng chấp nhận thay đổi. »

Năm 2017, quyền hôn nhân đồng tính đã nhận được ý kiến tích cực từ Tòa Bảo Hiến. Thế nhưng, giờ đây, những người theo Tin Lành đòi đòi xem xét lại về ba câu hỏi khác cũng được đặt ra trong phần trưng cầu dân ý. Điều này đã khiến cho Jessica, 22 tuổi, tốt nghiệp ngành luật cảm thấy lo ngại.

« Vấn đề là giới trẻ không ở tại nơi mà họ có quyền bỏ phiếu. Bình thường ra, họ sẽ phải trở về tỉnh nhà để bỏ phiếu và do vậy, nhiều người vắng mặt, không đi bỏ phiếu nữa. Các cử tri lớn tuổi hơn thì tỏ quyết tâm chống lại chúng tôi. Đa số các cử tri lớn tuổi này cư ngụ đúng nơi bỏ phiếu và thứ Bẩy này, họ sẽ đi bỏ phiếu. Do vậy, đó sẽ là một thời điểm khó khăn đối với chúng tôi. »

Tóm lại, đây là một thời khắc quan trọng và một thách thức, bởi vì điều này không chỉ đơn thuần là một câu hỏi về quyền bình đẳng. Chính phủ bà Thái Anh Văn muốn biến việc bảo vệ các quyền tự do thành một thứ « quyền lực mềm » nhằm đối phó với các áp lực đến từ Trung Quốc, theo như nhận định của Hugo Tierny, một nhà nghiên cứu trẻ về quan hệ quốc tế với phóng viên Stephane Lagarde.

Pháp chuẩn bị cấm « đét đít trẻ »

Ngày 29/11/2018 tới đây, Quốc Hội Pháp sẽ tranh luận và bỏ phiếu thông qua dự luật cấm « những hành động giáo dục bạo hành thông thường » đối với trẻ em.

Hành động giáo dục bạo hành có thể đi từ « đét đít trẻ » cho đến những lời « thóa mạ ». Dự luật do nữ nghị sĩ Maud Petit, thuộc đảng cánh trung MoDem, đề xuất, được đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) chiếm đa số ở Quốc Hội ủng hộ, cũng như là được nhiều chuyên gia về tâm lý, các nhà giáo dục tại Pháp tán đồng.

Phương cách dạy con này được công nhận từ thế kỷ XIX. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, câu nói « thương cho roi cho vọt » ngày nay không còn hiệu quả, là phản tác dụng, thậm chí nguy hiểm trong việc giáo dục con trẻ. Cách dạy dỗ bạo lực có thể khiến cho trẻ luôn trong tâm trạng bị stress, sợ hãi, lo âu. Tâm trạng bất an đó có thể ngăn cản trẻ suy nghĩ và phát triển một cách hài hòa, dẫn đến việc luôn tìm cách tránh né hay nói dối.

Nhìn rộng hơn ra bên ngoài, « một xã hội không có những hình phạt thể xác càng ít bạo hành hơn và do vậy nên tránh việc dung dưỡng vòng xoáy bạo lực giữa các thế hệ trong gia đình ».

Pháp : Báu vật châu Phi, lấy rồi khó trả

Cũng tại Pháp, một cuộc tranh luận khác cũng đang nổi lên liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật châu Phi. Một câu hỏi « tế nhị » đang được đặt ra : Có nên trao trả cho châu Phi các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp vào thời thuộc địa ?

Tranh luận này do chính tổng thống Pháp đề ra nhân chuyến công du châu Phi. Tại Ouagadougou, ông tuyên bố Pháp có thể trao trả những tác phẩm này, tạm thời hay vĩnh viễn cho châu lục trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, việc trao trả bị cản trở bởi bộ luật Di Sản. Ước tính Pháp nắm giữ khoảng 90.000 báu vật châu Phi và được bảo tồn tại nhiều bảo tàng khác nhau trên khắp cả nước.

Một báo cáo đã được trình lên tổng thống ngày hôm qua. Giới chuyên gia Pháp đang chia rẽ về câu hỏi tế nhị này.

Hàn Quốc : Nhóm nhạc ảo K/DA

Trở lại châu Á, nhưng trong lĩnh vực âm nhạc. Tại Hàn Quốc, nhóm nhạc mới K/DA đang làm các mạng xã hội dậy sóng. Clip video đầu tiên POP/STARS xuất hiện đầu tháng 11/2018 đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng với 75 triệu lượt người xem trên Youtube. Thế nhưng, đặc thù của nhóm nhạc rap hát bằng tiếng Triều Tiên và tiếng Anh này là tất cả các ca sĩ đều là ảo và đó là những nhân vật trong một trò chơi video nổi tiếng trên mạng.

Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias cho biết thêm chi tiết :

« Nhóm nhạc K/DA bao gồm 4 chiến binh thiện chiến trong trò chơi trên mạng League of Legends… Tuy nhiên, đằng sau những nhân vật này là 4 nữ ca sĩ thật : đó là hai ca sĩ của một nhóm nhạc K-POP - nhạc POP Hàn Quốc - và hai ca sĩ Mỹ.

Bài hát của họ được trình diễn lần đầu tiên trong trận chung kết Cúp Thế Giới League of Legends, được tổ chức vào đầu tháng 11 tại Hàn Quốc.

Buổi biểu diễn này là dịp thể hiện kinh nghiệm thực tế ảo tăng cường (réalité augmentée) : trong lúc các nữ ca sĩ thật hát và nhẩy… thì khán giả xem biểu diễn qua màn hình lớn ở sân vận động hoặc trên Youtube - lại thấy có thêm 4 nhân vật ảo cũng đang nhẩy trên sân khấu, xung quanh các ca sĩ thực. »

Vẫn theo thông tín viên Frédéric Ojardias, thành công của nhóm nhạc này đã thu hút sự quan tâm của báo chí Hàn Quốc:

« Nhật báo Joongang phân vân, nêu câu hỏi : Phải chăng các nhân vật trong trò chơi video sẽ là những ngôi sao nhạc K-POP trong tương lai ? Tờ báo trích dẫn một chuyên gia cho biết là có một sự hội tụ đồng nhất ngày càng lớn giữa thế giới thực và thế giới ảo, giữa trò chơi video và hoạt động biểu diễn.

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng sự hội tụ đồng nhất này sẽ còn lớn hơn cùng với sự phát triển của các công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực ảnh toàn ký (hologramme)

Đương nhiên, việc các nhóm nhạc cùng lúc sử dụng đan xen thực và ảo không phải là mới. Trước đây, một số ban nhạc đã dùng, như ban nhạc Anh Gorillaz, hay nữ ca sĩ trên mạng Hatsune Miku… Điều mới đối với nhóm nhạc K/DA là sự kết hợp chưa từng thấy giữa âm nhạc và thể thao điện tử. »

Câu hỏi đặt ra : Đứng đằng sau nhóm nhạc bán ảo này là ai ?

« Đó là Riot Games, nhà xuất bản trò chơi League of Legends của Mỹ. Ban đầu, bài hát được soạn ra như một công cụ tiếp thị khuyến khích người chơi mua những bộ quần áo ảo cho các nhân vật trong trò chơi.

Thế nhưng, có thể doanh nghiệp này đã không lường trước được là bài hát nói trên lại chiếm vị trí số một trong bảng xếp hạng Billboard của Mỹ về bài hát bán trên mạng. Và thành công của bài hát dường như vượt xa ra bên ngoài cộng đồng các đấu thủ trên mạng. »

Dolce & Gabbana « ngã ngựa » ở Trung Quốc

Sau Carlos Ghosn, ông hoàng ngành xe hơi Pháp bị ngã ngựa ở Nhật Bản, đến lượt hãng thời trang Ý Dolce Gabbana bị « đánh gục » ở Trung Quốc. Thương hiệu thời trang cao cấp này bị chỉ trích là có những lời lẽ « phân biệt sắc tộc » nhắm vào người tiêu thụ Trung Quốc.

Một cuộc « khẩu chiến » trên mạng đã diễn ra giữa nhà tạo mẫu danh tiếng với cư dân mạng Trung Quốc đã diễn ra. « Phân biệt chủng tộc », « hèn hạ » hay « xúc phạm » là những từ ngữ nặng nề hơn cư dân mạng Trung Quốc dùng để chỉ trích loạt phim quảng cáo của thương hiệu nổi tiếng với hai chữ cái D&C.

Nghĩ là sáng suốt, hãng thời trang đã tung một loạt video quảng cáo mô tả hình ảnh một thiếu nữ Trung Hoa, ăn mặc sang trọng loay hoay gắp mãi không xong những sợi mì Ý, một mẩu bánh pizza hay một chiếc bánh ngọt vùng Sicilia với mục đích chinh phục người tiêu thụ Trung Quốc.

Sự vụng về này đã gây ra một cú sốc văn hóa, dẫn đến làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Thế nhưng, giọt nước làm tràn ly đến từ Stefano Gabbana. Trên mạng Instagram, nhà tạo mẫu kỳ cựu đã ra sức bảo vệ chiến dịch quảng cáo bằng những lời lẽ đôi khi nặng lời phân biệt chủng tộc. Lời qua tiếng lại, nhà tạo mẫu cuối cùng vì không kềm được tức giận đã chửi rủa người Trung Quốc là một « dân tộc bẩn thỉu », những kẻ « mafia ngu ngốc và thối tha ».

Và chuyện gì đến đã đến. Hàng triệu đô la đổ ra để đầu tư cho buổi trình diễn dự kiến diễn ra vào ngày 21/11 vừa qua ở Thượng Hải bỗng tan theo mây khói. Buổi biểu diễn bị hủy và thương hiệu nổi tiếng trở thành « người không được mong đợi » trên tất cả các trang bán hàng qua mạng.

Và đương nhiên, chính phủ Trung Quốc chẳng cần sử dụng đến đội quân tin học để kích động người dân tẩy chay D&C, cách thức mà Bắc Kinh vẫn thường sử dụng mỗi khi có tranh chấp chính trị với đối thủ như trường hợp hãng phân phối Lotte của Hàn Quốc. Hãng này đã bị người dân Trung Quốc tẩy chay vì chính quyền Seoul quyết tâm thiết lập dàn tên lửa THAAD, mà Bắc Kinh cho là đe dọa an ninh nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.