Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nhà tù Tân Cương : Viên gạch xây dự án « con đường tơ lụa mới »

Đăng ngày:

Không thể im lặng mãi trước những lời tố cáo của các tổ chức nhân quyền, của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, đe dọa trừng phạt của Quốc Hội Mỹ, Bắc Kinh buộc phải gián tiếp nhìn nhận có nhà tù tập thể giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bí thư tỉnh ủy Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) tỉnh Tân Cương tham dự một cuộc thảo luận tại Đại Hội Đảng CSTQ lần thứ 19, Bắc Kinh, ngày 19/10/2017.
Bí thư tỉnh ủy Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) tỉnh Tân Cương tham dự một cuộc thảo luận tại Đại Hội Đảng CSTQ lần thứ 19, Bắc Kinh, ngày 19/10/2017. REUTERS/Tyrone Siu/File Photo
Quảng cáo

Ngoại trưởng Vương Nghị, trong tuyên bố ngày 13/11/2018 gọi đây là những « trường đào tạo, giúp công dân thoát khỏi ảnh hưởng khủng bố, hội nhập vào xã hội » trong chính sách « phòng ngừa bất ổn và khủng bố » của Trung Quốc.

Toàn bộ Tân Cương và 10 triệu dân Duy Ngô Nhĩ sống dưới ngọn roi của một bộ máy công an trị có một không hai trên thế giới. Từ năm 2016, chính quyền tuyển mộ thêm 100.000 công an vũ trang bố trí khắp các thành phố và nông thôn. Hơn 100 sinh viên từ Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương bị bắt, một số thiệt mạng trong nhà giam, theo số liệu của Ủy ban Liên Hiệp Quốc bài trừ kỳ thị chủng tộc.

Ngoài kềm kẹp thân thể, chính quyền Trung Quốc thiết lập một hệ thống giám sát điện tử: camera nhận diện, máy đọc số xe, thiết bị bay tự hành, an ninh mạng internet, điện thoại di động, xem lén điện thư… Trong thời gian này, khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các trại giam tập thể này nhân danh « ổn định và hài hòa ».

Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh tăng tốc trấn áp tại Tân Cương ? Vì sao phải cách ly một phần mười dân Hồi giáo ?

Trong chương trình « Décryptage/Giải mã » của RFI, Aynur Omer, nữ sinh viên Duy Ngô Nhĩ, thành viên Hội Duy Ngô Nhĩ tại Pháp cho biết tình cảnh gia đình mình như sau :

« Lần đầu tiên tôi nghe nói đến trại cải tạo là vào tháng 6/2017 khi chú của tôi, một công chức, bị bắt. Lúc đầu cha mẹ tôi trấn an là chú sẽ về thôi, sau đó gia đình nói là chú bị bệnh phải lo điều trị, sau đó nói là chú đi xa không có tin tức… Lúc đó mới biết là ở Tân Cương có nhà tù vĩ đại và chính quyền đang xây rộng thêm. Lúc đầu tôi không tưởng tượng là cả triệu người bị giam ».

Sinh viên Aynur Omer cho biết thêm hai người anh em trai của mẹ cũng bị bắt, một người được thả còn một người vẫn bị giam. Bản thân cô cũng bị đe dọa không dám về nước thăm gia đình, và cô đang chờ nhập quốc tịch Pháp để yên thân.

Theo khuyến cáo của ngoại trưởng Trung Quốc thì công luận không nên nghe theo tin đồn mà chỉ nên tin vào thông tin chính thức.

Trái lại, theo Marc Julienne, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Paris, sự kiện Bắc Kinh giữ im lặng, không công khai nhìn nhận sự thật , chứng tỏ là « có vấn đề »: chính sách giam cầm tập thể vừa vi phạm Hiến Pháp Trung Quốc, vừa bất hợp pháp đối với luật quốc tế.

« Qua các báo cáo thì chiến dịch bắt giam người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu từ cuối năm 2016, và chương trình xây dựng nhà giam lớn khởi công vào đầu năm 2017, phù hợp với thông tin của cô Aynur Omer. Trung Quốc luôn chối là không có những trại tù cải tạo theo nghĩa của các nước Tây phương. Trái lại, Bắc Kinh còn hãnh diện cho là họ phát triển những trung tâm giáo dục, dạy nghề. Trên cơ sở lập luận chính thức này, các học viên là những người tình nguyện xin vào trung tâm đào tạo, trong đó họ được nội trú để học nghề »

Sinh viên, doanh nhân có liên hệ với nước ngoài

Trong tiến trình hoàn toàn trái phép này, nhân danh chống đe dọa khủng bố, cán bộ đảng viên, công an, cảnh sát, quân đội đều có toàn quyền hù dọa, tra tấn để tìm thông tin. Họ đe dọa sẽ trả đũa gia đình, thân nhân nếu người tù không hợp tác.

Ngay giới doanh nhân, sinh viên có một thời gian sống ở nước ngoài cũng phải « khai báo thành khẩn » với đảng Cộng Sản để được cải tạo và khoan hồng, theo thuật ngữ, lời lẽ của chính quyền Trung Quốc từ thời « cách mạng văn hóa, chống hữu khuynh » do Mao phát động. Chính vì thế mà chính quyền Tập Cận Bình tuyên bố sẽ ra luật mới để hợp pháp hóa những « vùng tối » trong chính sách đàn áp này. Chuyên gia Marc Julienne phân tích :

« Đúng là như thế. Các trại cải tạo ở Tân Cương là bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn chưa nhìn nhận. Trên thực tế, ngày 9 tháng 10 vừa qua, họ công bố luật mới. Tuy nhiên, luật mới này thật sự chỉ là tu chính của một luật khác áp dụng tại địa phương gọi là điều lệ chống cực đoan hóa tại Tân Cương. Thế nào là chống cực đoan hóa ? Đó là một chương trình cải tạo « cá nhân và tập thể » qua các biện pháp tẩy não học tập chính trị, theo dõi diễn biến tâm lý, sửa sai, học tiếng quan thoại và luật Trung Quốc ».

Trung Quốc giả điếc cho đến tháng 8 năm nay thì gặp phải hai sự kiện bắt buộc phải có phản ứng cho dù cố lách.

Trường dạy nghề, dùi cui và ngân sách của bộ Công An

Trước hết là hình ảnh vệ tinh cho thấy trong vùng sa mạc hoang vu lần lượt mọc lên những kiến trúc hình chữ nhật có tường cao bao bọc. Một nhóm phóng viên quốc tế (AFP, BBC) tìm hiểu qua tài liệu chính thức, hóa đơn đặt hàng, giao hàng phát hiện là toàn là dây kẽm gai, hơi cay, ghế tra tấn, 2.768 dùi cui, 1.367 đôi còng sắt …

Thứ đến, tại cuộc họp ở Genève ngày 10/08/2018, bà phó chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Quốc bài trừ kỳ thị chủng tộc Gay McDougall chất vấn phái đoàn Trung Quốc: Có đúng không ? « Nhân danh chống khủng bố và bảo vệ ổn định xã hội, chính quyền Trung Quốc biến vùng tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ thành một trại tập trung vĩ đại. Theo thẩm định, ít nhất một triệu người bị giam giữ trong những nhà giam được gọi là để chống Hồi giáo cực đoan, và hai triệu người khác nữa trong những nơi được gọi là trại cải tạo. Ở những nơi đó, họ bị nhồi sọ chính trị ».

Phái đoàn Trung Quốc không trả lời trực tiếp mà biện minh là « không kỳ thị chủng tộc, không tra tấn ».

Chuyên gia Marc Julienne: "Đó chính là điều nghịch lý trong thái độ của Trung Quốc. Họ vẫn nói đó là các trung tâm dạy nghề trong khi mọi bằng chứng thu thập được từ năm 2017 qua hình ảnh vệ tinh, nhân chứng sống, báo cáo, hóa đơn đặt hàng, gọi thầu đều quy về một mối : đó là một chiến dịch quy mô trấn áp đạo Hồi, bắt giam hàng loạt người dân trong cộng đồng Hồi giáo gồm đa số là Duy Ngô Nhĩ và phần còn lại là Kazakhstan. Ngân sách xây « nhà trường » sao lại thuộc bộ Công An ?"

Từ Tây Tạng đến Tân Cương trong chính sách công an trị

Từ ba năm nay Tân Cương yên tĩnh, Bắc Kinh khẳng định không một vụ khủng bố nào xảy ra từ năm 2016, nhưng tại sao tăng tốc trấn áp ?

Theo Human Rights Watch, các biện pháp tăng cường trấn áp tại Tân Cương được phát động từ năm 2016 đúng vào năm Trần Toàn Quốc, sau 5 năm « bình định » vùng đất Phật giáo Tây Tạng, được bổ nhiệm về khu tự trị người Hồi.

Tại Tây Tạng, Trần Toàn Quốc sử dụng chiến thuật « thiên la địa võng »: Sa thải hàng loạt cán bộ bị nghi ngờ có suy nghĩ độc lập. Toàn bộ hệ thống kênh truyền hình Tây Tạng chỉ phát chương trình Trung Quốc, các nhà báo còn độc lập bị thay thế bằng người của chế độ. Lãnh thổ Tây Tạng bị chia ô vuông như bàn cờ, có một đồn cảnh sát chịu trách nhiệm, hộ khẩu trong mỗi tổ dân phố có hệ thống theo dõi kép. Trong năm năm, Trần Toàn Quốc lập ra thêm 700 đồn cảnh sát, 84.100 tổ quản lý hộ khẩu, tuyển mộ thêm 12.000 công an để trấn áp mọi đề kháng ở Tây Tạng.

Năm 2016, hung thần được bổ nhiệm làm bí thư Tân Cương. Theo chỉ thị của Trần Toàn Quốc « các trung tâm dạy nghề phải được quản lý như trong quân đội, phải bảo vệ như những nhà tù » (AFP).

Chỉ vì con đường tơ lụa mới

Từ ba năm nay Tân Cương yên tỉnh nhưng vì sao Bắc Kinh cần bàn tay thép của Trần Toàn Quốc và kinh nghiệm trấn áp ở Tây Tạng để làm gì ?

Chuyên gia Marc Julienne: « Các nguồn tin của tôi xác nhận là Trung Quốc kiểm soát rất chặt, nhưng mối lo chính của họ là con đường tơ lụa mới, dự án cơ bản, ưu tiên số một của chính sách kinh tế và đối ngoại của Bắc Kinh. Con đường tơ lụa xuất phát từ Tân Cương, do vậy, một cách thuần lý, một cách « lô-gic » điểm gốc phải ổn định. Vấn đề hiện nay là làm sao có thể biết trước là chính sách đàn áp cho phép « bình định » được Tân Cương, hay trái lại, chỉ làm người dân địa phương kháng cự mạnh mẽ hơn và làm tăng thêm khát vọng đòi độc lập.

Liệu Tân Cương có may mắn hơn Tây Tạng hay không ?

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trong nhiều mặt, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói đến biện pháp trừng phạt Bắc Kinh. Ngày 14/11 vừa qua, một nhóm dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng, đệ trình lưỡng viện Quốc Hội một dự thảo nghị quyết kêu gọi hành pháp trừng phạt các quan chức cao cấp của Trung Quốc, để trả đũa hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.