Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - TRUNG QUỐC

Châu Âu bắt đầu cảnh giác trước vòi bạch tuộc Trung Quốc

Phụ trang kinh tế của Le Figaro hôm nay20/11/2018 cho biết « Châu Âu nay đã bảo vệ tốt hơn vốn quý công nghiệp của mình trước một Bắc Kinh háu ăn ».

Đối thoại kinh tế cấp cao EU - Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh tư liệu chụp ngày 25/06/2018.
Đối thoại kinh tế cấp cao EU - Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh tư liệu chụp ngày 25/06/2018. REUTERS/Jason Lee/File Photo
Quảng cáo

Hôm nay các nước châu Âu bàn bạc về cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài trong những lãnh vực chiến lược. Dân biểu Franck Proust phụ trách hồ sơ này tại Nghị viện Châu Âu khẳng định : « Châu Âu không còn ngây thơ nữa ! ». Hệ thống trao đổi thông tin giữa các nước thành viên là bước khởi đầu để châu Âu đối phó với làn sóng đầu tư ồ ạt từ Bắc Kinh.

Ý thức mới bắt đầu có được từ khi công ty Midea của Trung Quốc mua lại Kuka, nhà sản xuất robot hàng đầu của Đức. Sau vụ này, chính phủ Đức quyết định vào cuộc. Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu thương lượng một hiệp ước đầu tư với Bắc Kinh, đây là lúc để EU cứng rắn hơn. Ông Proust bực tức : « Các doanh nghiệp châu Âu ngày càng khó vào được thị trường Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tha hồ liên doanh và chuyển giao công nghệ từ châu Âu về ».

Le Figaro nhấn mạnh, Bồ Đào Nha và Hy Lạp là hai ngõ vào của Trung Quốc trong Liên Hiệp. Báo cáo của nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, Havard Kennedy School kết luận : « Một trong những chủ trương chính của Trung Quốc là vươn vòi sang các nước phát triển để chiếm được công nghệ, thương hiệu và thị phần ».

Tại Bồ Đào Nha, tập đoàn Tam Hiệp hiện diện cả trong ngành dầu lửa, hàng không, lẫn bảo hiểm, y tế. Vào đầu năm nay, đã có 3.588 người giàu Trung Quốc nhập tịch Bồ Đào Nha nhờ các « visa bằng vàng » dành cho những người đầu tư trên nửa triệu đô la. Ngay từ đầu năm 2015, cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Bồ Đào Nha Fernando Ulrich đã báo động nước mình đang trở thành « tàu sân bay của Trung Quốc tại châu Âu ».

Biển Đông : Nhận vốn đầu tư, Hy Lạp bênh vực Trung Quốc

Đáng lo nhất là Bắc Kinh có ảnh hưởng thực sự lên chính sách đối ngoại của những nước nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là Hy Lạp. Chẳng hạn tháng 7/2016, Hy Lạp với sự ủng hộ của Hungary và Croatia đã chặn một thông cáo của EU về phán quyết từ Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, tuyên yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh trên Biển Đông là bất hợp pháp. Một năm sau tại Liên Hiệp Quốc, đoàn Hy Lạp lại ngăn chận tuyên bố của EU về nhân quyền tại Trung Quốc.

Kể từ 2012, Trung Quốc đã đầu tư gần 4 tỉ đô la vào Hy Lạp, và với việc kiểm soát cảng Pirée, tập đoàn Cosco Trung Quốc « đã nắm được lá phổi kinh tế của Hy Lạp ». Có đến 24% vốn của tập đoàn điện lực IPTO của Hy Lạp đang nằm trong tay các nhà đầu tư Trung Quốc, và một tập đoàn quốc doanh khác đang dòm ngó sân bay Kastelli.

Phải chăng châu Âu bị ám ảnh bởi Trung Quốc, còn Nga, Mỹ, Trung Đông thì sao ? Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre khẳng định : « Ảnh hưởng Trung Quốc mới là mờ ám, âm thầm nhất. Tôi đã nghiên cứu về Trung Quốc suốt 30 năm qua, và Bắc Kinh không ngừng bành trướng ».

Trên lãnh vực viễn thông, Úc tỏ ra cảnh giác cao nhất rồi đến Mỹ : cả hai nước đều đóng sập cánh cửa với hai tập đoàn Trung Quốc Huawei (Hoa Vi) và ZTE (Trung Hưng) ; tổng thống Mỹ Donald Trump hàm ý Bắc Kinh dùng thiết bị để dọ thám. Đức cũng sắp theo chân, còn Pháp đang do dự.

Le Figaro nhắc lại kinh nghiệm đau thương của tổ chức Liên Hiệp Châu Phi : sau khi nhận món quà của Bắc Kinh là trụ sở mới toanh ở Addis Abeba, họ phát hiện có những hoạt động bất thường từ nửa đêm tới hai giờ sáng trong khi không có ai làm việc. Hóa ra từ 2012 đến cuối 2017, các dữ liệu tại đây đã bị chuyển đến các máy chủ ở ngoại ô Thượng Hải. Sau đó các kỹ sư Trung Quốc trong tòa nhà này đã bị châu Phi đuổi về nước.

APEC thất bại, dấu hiệu u ám cho G20

Trong bài xã luận mang tựa đề « Sự đối đầu nguy hiểm giữa Bắc Kinh và Washington », Le Monde cho rằng những gì diễn ra cuối tuần qua tại Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea, là minh chứng rõ rệt cho « tình trạng hỗn loạn trên thế giới » mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả trong bài diễn văn đọc tại Quốc hội Liên bang Đức ngày Chủ nhật 18/11.

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập năm 1989, APEC không thể ra được thông cáo chung. Hoa Kỳ muốn đưa vào thông cáo đòi hỏi phải cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), còn Trung Quốc chống lại.

Sự đối địch giữa hai đại cường đang chuyển sang đối đầu trực diện. Cũng như trong bài phát biểu hôm 4/10, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tấn công thẳng thừng vào « Con đường tơ lụa mới » đầy tham vọng của Bắc Kinh : « Chúng tôi không nhấn chìm các đối tác trong một biển nợ, không ép buộc, không hối mại, không gây hại cho nền độc lập », đồng thời loan báo việc tham gia nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum ở Papua New Guinea. Về phía ông Tập Cận Bình một lần nữa biện minh « đó không phải là một cái bẫy », đồng thời cảnh báo « sẽ không có ai thắng trong cuộc đối đầu ».

Cuộc đấu khẩu dữ dội này không phải là dấu hiệu tốt cho cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này ở Achentina. Trong lúc Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược, thì Bắc Kinh không muốn nhường một ly nào trong chính sách bành trướng.

Trung Quốc : Nước nghèo với rất nhiều người giàu, hay ngược lại ?

Nhắc đến « chiếc bẫy Thucydide », dễ xảy ra chiến tranh khi một cường quốc mới nổi muốn tranh giành địa vị của cường quốc hiện tại, Le Monde cho rằng hiện chưa đến mức đó, nhưng trong những tuần lễ tới mỗi bên đều cần có nỗ lực để tránh leo thang nguy hiểm. Tranh luận về các quy tắc thương mại mang tính quyết định, nhưng Hoa Kỳ nên hiểu rằng lăng nhục Bắc Kinh không có lợi : Trung Quốc mạnh hơn Liên Xô 30 năm trước.

Về phía Bắc Kinh, cũng phải nhìn nhận rằng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc là nhờ những ưu ái mà WTO dành cho từ 20 năm qua để đuổi kịp các nước phát triển. Ngày nay, Trung Quốc là một nước nghèo với rất nhiều người giàu như đang khẳng định để tiếp tục được hưởng những ưu đãi, hay là một nước giàu với rất nhiều người nghèo, như phương Tây nhận định ? Tất cả vấn đề đều nằm ở đây.

Và thất bại của APEC vừa qua cần được coi là một dấu hiệu cảnh báo, cả Donald Trump và Tập Cận Bình đều phải có trách nhiệm chứng tỏ lý thuyết « chiếc bẫy Thucydide » là sai.

Tự do ngôn luận ở Hồng Kông : Đâu là lằn ranh đỏ của Bắc Kinh ?

Về mặt nhân quyền, La Croix quan tâm đến việc « Bắc Kinh bóp nghẹt tự do ngôn luận tại Hồng Kông ». Trục xuất phóng viên, cấm cản hội nghị, triển lãm, kiểm duyệt các nhà báo địa phương…Từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012, gọng kềm đã siết lại tại Hồng Kông.

Kris Cheng, tổng biên tập tờ báo tiếng Anh trên mạng Hongkong Free Press than thở, từ nhiều năm qua báo chí đặc khu phải bơi trong đám mây mù. « Ngày nay điều tệ hại nhất đối với một nhà báo tại Hồng Kông, là không biết thế nào là lằn ranh đỏ để khỏi phải vượt qua, tránh bị trục xuất, cảnh cáo, thậm chí bị bắt ».

Câu lạc bộ ký giả ngoại quốc (FCC) thành lập từ năm 1949 đã đòi hỏi chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải giải thích vụ không gia hạn visa cho Victor Mallet, thông tín viên của Financial Times nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Trường hợp của ông được thế giới biết đến vì uy tín của tờ báo, nhưng những năm gần đây còn nhiều chính khách, nghệ sĩ hay giảng viên đại học thường chỉ trích Bắc Kinh đã bị cấm vào Hồng Kông. Cuộc triển lãm biếm họa của họa sĩ Badiucao lưu vong tại Úc dự kiến ngày 1/11 phải hủy vì ông bị đe dọa ; tương tự đối với cuộc hội thảo của nhà văn Mã Kiến (Ma Jian) tại Liên hoan văn chương quốc tế.

Nhà văn, nhà thơ Tammy Ho cho biết « từ vài năm qua, các nhà báo, nhà văn Hồng Kông đành phải tự kiểm duyệt ». Hiện thời Hongkong Free Press và tờ báo tiếng Hoa Citizen News vẫn xoay sở được, đưa những thông tin không có trên báo chí Hoa lục, nhưng theo Kris Cheng, « cũng phải chuẩn bị cho tình trạng tệ hại hơn trong tương lai, vì lằn ranh đỏ không ngừng di chuyển ».

Tình báo quân đội Nga : Huyền thoại đánh mất

Còn tại Nga, Le Monde trong bài « GRU, cơ quan không còn huyền thoại » cho biết có đến trên 300 nhân viên của cơ quan tình báo quân đội Nga bị tiết lộ danh tính chỉ vì những sơ suất không đáng có.

Chỉ trong vài tuần lễ, có đến 305 nhân viên tình báo của GRU đã lộ tên tuổi, làm cho hoạt động của khoảng 1.000 nhân viên bị tê liệt. Còn phải kể thêm 12 người khác bị buộc tội ở Mỹ, bốn điệp viên bị Hà Lan trục xuất, và hai tình báo viên bị Anh truy nã. Một điều chưa từng thấy từ trước đến nay, chỉ do bất cẩn.

Chẳng hạn một biên nhận taxi, với một cái tên có ghi trong danh sách của cảnh sát giao thông đã giúp các nhà báo truy ra những người khác có bảng số xe ở cùng địa chỉ : GRU. Hộ chiếu của họ bị tiết lộ vì cùng một số xê-ri…

Carlos Ghosn, thần tượng gục ngã từ đỉnh cao

Carlos Ghosn, doanh nhân nổi tiếng thế giới bị bắt tại Nhật, phong trào « gilet vàng » tiếp tục tại Pháp, xung đột Mỹ-Trung là những đề tài được báo chí Paris quan tâm nhất hôm nay. Sự kiện Carlos Ghosn, lãnh đạo hai tập đoàn xe hơi Renault và Nissan bị bắt ngay sau khi phi cơ riêng của ông đáp xuống phi trường thủ đô nước Nhật, dưới ống kính của báo chí như một tên tội phạm, đã gây chấn động như một quả bom, từ Paris đến Tokyo.

Les Echos chạy tựa « Thần tượng bị giựt sập ». Tờ báo dành ba trang trong nói về « Nissan và Renault bị lung lay vì vụ sụp đổ chấn động của Carlos Ghosn », đặt câu hỏi « Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi liệu có thể tồn tại ? ». Nhật báo kinh tế không quên kể lại « Quá trình ngoại cỡ của một ông chủ lớn độc đáo », và nhận định xì-căng-đan này « đặt Nhà nước Pháp vào chân tường » : chính phủ Pháp vẫn đang sở hữu 15% tại tập đoàn Renault.

La Croix trong bài « Carlos Ghosn, hoàng đế ngành xe hơi trong cơn lốc » ghi nhận, ông Ghosn thành danh ở Nhật và sụp đổ cũng từ Nhật. Ông cứu vãn hãng Nissan, triển khai loạt xe hơi giá rẻ, sản xuất xe điện, mở cửa được thị trường Ấn Độ và Trung Quốc cho các nhãn hiệu của mình. Nhờ lãnh đạo cả Renault lẫn Nissan, lương của Carlos Ghosn đến 16 triệu euro/năm, cao nhất trong lịch sử giới chủ Pháp.

Trang nhất của Le Figaro đăng ảnh ông Carlos Ghosn, nhấn mạnh doanh nhân nổi tiếng này đang « trong cơn lốc xoáy ». Ở trang trong, tờ báo nhận định « Carlos Ghosn bị hạ gục ở ngay đỉnh cao vinh quang » : ngày nay ông phải trả giá cho hai điểm yếu của mình là tiền bạc và quyền lực. Sinh tại Brazil, có cha mẹ người Liban, lớn lên ở Pháp, Carlos Ghosn mang ba quốc tịch và nói được nhiều thứ tiếng. Là một con người hết sức lạnh lùng, ông luôn gọi các cộng sự là « ông », « bà » trong mọi hoàn cảnh, dù những người này đã làm việc với ông qua nhiều thập niên. Độc tài, cứng rắn, nhiệt tình và dí dỏm, ông chủ 64 tuổi Carlos Ghosn vừa làm người ta e ngại lại vừa kính nể.

Tấm ảnh của Carlos Ghosn cũng chiếm trang bìa Libération và thêm ba trang trong. Tờ báo cánh tả mỉa mai, đây là cơ hội bằng vàng cho các công đoàn đỏ, nhà đấu tranh cho môi trường xanh hoặc những chiếc « gilet vàng » chống đối sự thống trị của các tập đoàn, chống chủ nghĩa tư bản quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.