Vào nội dung chính
CHÂU Á - CHÍNH TRỊ

Châu Á báo hiệu một sự đổi mới trong các mối liên minh

Nhật Bản và Ấn Độ thông báo muốn thành lập một « Mặt trận dân chủ thống nhất » để đối phó với các tham vọng đế chế của Trung Quốc. Trong khi đó, nội bộ phương Tây lại chia rẽ sâu sắc, đặc biệt là từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống nước Mỹ. Báo Les Echos ngày 19/11/2018 có bài nhận định đề tựa « Châu Á báo hiệu một sự đổi mới các mối liên minh lớn » của tác giả Dominique de Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Montaigne.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (T) và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Yamanakako village, thành phố Yamanashi, Nhật Bản, 28/10/2018.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (T) và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Yamanakako village, thành phố Yamanashi, Nhật Bản, 28/10/2018. Mandatory credit Kyodo/via REUTERS
Quảng cáo

Mở đầu bài viết tác giả đặt câu hỏi : Phải chăng các mối liên minh ngày nay được coi trọng ở phía đông trong thế giới Ấn Độ - Thái Bình Dương hơn là ở phía tây trong không gian xuyên Đại Tây Dương ?

Mối liên minh Nhật - Ấn này khiến người ta liên tưởng đến trục Pháp - Đức, được hình thành trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đã trở thành một biểu tượng của sự hòa giải giữa các dân tộc châu Âu sau Đệ Nhị Thế Chiến, một trong những giá trị cơ bản làm nền tảng cho việc thành lập Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, để đối phó với mối họa Liên Xô.

Tác giả nhận thấy trong mối quan hệ Ấn - Nhật, có nhiều điểm khác biệt rất lớn và một điểm tương đồng cơ bản với mối quan hệ Pháp - Đức. Cả hai nước Ấn Độ và Nhật Bản không có cùng một nền văn hóa, một tôn giáo và những bi kịch chung. Nhưng cả hai quốc gia châu Á này lại có cùng một điểm chung cơ bản : Đó là có sự đối xử bình đẳng trong quan hệ, bên cạnh đó là cảm nhận chung về mối đe dọa Trung Quốc.

Nhật Bản - cường quốc kinh tế thứ ba trên thế giới - đương nhiên là một nền dân chủ tự do cổ điển với dân số ngày càng già cỗi. Ấn Độ là một anh chàng « khổng lồ » về dân số đang trên đà qua mặt Trung Quốc về số người. Đất nước Nam Á này còn là một quốc gia « dân chủ phi tự do » với mức độ tham nhũng cao ngất ngưởng, và cũng không nhìn nhận Nhà nước pháp quyền giống như tại Trung Quốc.

Nhưng điều có thể hợp nhất cả hai nước chính là nỗi sợ Trung Quốc. Cảm giác này đã giúp cho hai bên vượt lên trên những khác biệt, để có thể đối xử bình đẳng với nhau. Để đối trọng với Trung Quốc, hai nước Nhật Bản và Ấn Độ có thể dựa vào các nền dân chủ khác trong khu vực như Úc, Indonesia. Đặc biệt là, không như trường hợp Pháp - Đức, Hoa Kỳ can dự rất nhiều vào khu vực châu Á.

Từ mối liên minh Nhật - Ấn, tác giả nhìn lại quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu. Hoa Kỳ chưa bao giờ xem xét mối đe dọa Nga, cũng như là mối bận tâm của châu Âu, một cách nghiêm túc. Chỉ đến khi châu Âu gần đây tuyên bố muốn thành lập một quân đội riêng thì đến lúc này ông Donald Trump mới có những phản ứng khó chịu.

Tác giả lưu ý : Nước Mỹ đầy mâu thuẫn. Washington luôn khẳng định « châu Âu phải tăng chi cho quốc phòng ». Nhưng trên thực tế Mỹ chưa bao giờ muốn rằng cột trụ an ninh châu Âu được đặt bên cạnh hay trong khối NATO. Chưa bao giờ Mỹ nhìn đối tác châu Âu một cách « bằng vai phải lứa » như là cách thức các đồng minh châu Á mới như Nhật Bản và Ấn Độ hiện nay đang đối xử với nhau.

APEC thất bại vì Mỹ và Trung Quốc ?

Thượng đỉnh APEC lần đầu tiên kết thúc không có thông cáo chung. Les Echos cho rằng « Bắc Kinh và Washington đã làm cho APEC thất bại ».

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử APEC, 21 lãnh đạo quốc gia và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ra về mà không có thông cáo chung. Hội nghị được khép lại bằng bài diễn văn bế mạc của thủ tướng Papua New Guinea (PNG).

Trước đó, cảnh sát đã được triển khai, sau việc phái đoàn Trung Quốc đã cố tìm cách đi vào văn phòng ngoại trưởng PNG, dường như nhằm mục đích tác động đến việc soạn thảo thông cáo chung.

Tuy nhiên, theo Les Echos, chính sự đối đầu Mỹ - Trung, đang có tranh chấp về thương mại, là nguyên nhân chủ yếu của việc không ra được thông cáo chung. Theo nguồn tin AFP được Les Echos trích dẫn, Hoa Kỳ đã thúc giục nhiều nước trước đó là sẽ chỉ chấp nhận một thông cáo có gắn kết việc lên án Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế và kêu gọi cải cách sâu rộng. Một đòi hỏi mà Trung Quốc không thể chấp nhận.

Cuba - Brazil : Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt

Cũng trong lĩnh vực ngoại giao, báo Le Monde cho biết « Mệt mỏi trước những lời chỉ trích, Cuba cho triệu hồi bác sĩ tại Brazil ».

Một thảm họa y tế cho người dân Brazil. Chính quyền La Habana vừa thông báo rút 8.332 bác sĩ Cuba đang hoạt động tại các vùng hẻo lánh nhất của Brazil trong khuôn khổ chương trình « Mais Medicos » (nhiều bác sĩ hơn) do Tổ Chức Y Tế Liên Mỹ tài trợ. Thông báo này có thể làm cho 28 triệu người dân Brazil phải đối mặt ngay với nguy cơ không được hưởng các hỗ trợ y tế.

Nguyên nhân của sự « chia tay » này do những lời lẽ chỉ trích tân tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro, (nhưng chưa nhậm chức). Ông nghi ngờ về năng lực và bằng cấp bác sĩ Cuba, cho là họ có những hành vi « man rợ ». Ông lên án chính quyền La Habana làm giầu trên mồ hôi nước mắt của những bác sĩ này.

Và đương nhiên chính quyền Sao Paolo không phải đợi lâu. Chán ngấy trước những lời lẽ không mấy « thiện cảm », Cuba ngày thứ Tư 14/11 thông báo ngưng tham gia chương trình « Mais Medicos ».

Pháp dự trù tăng phí nhập học du học sinh nước ngoài

Le Figaro và Les Echos hôm nay cùng thông báo « Lệ phí nhập học sẽ tăng đối với sinh viên nước ngoài ».

Thủ tướng chính phủ hôm nay thông báo một loạt các biện pháp để « gia tăng » sự hấp dẫn của Pháp trong lĩnh vực đào tạo đại học. Trong số này có giải pháp tăng lệ phí nhập học, từ 170 lên 3.400 euro ở bậc đại học.

Một sự nghịch lý ? Chính phủ Pháp thẩm định chi phí đào tạo đại học cho một sinh viên hiện nay tốn đến 10.200 euro. Mức phí mới này chiếm khoảng 1/3 chi phí đào tạo. Nghiệp đoàn sinh viên Unef phản đối cho rằng mức tăng này có nguy cơ làm cho nhiều cơ sở đào tạo sẽ bị đóng cửa.

Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Anne-Lucie Wack, chủ tịch Hội các trường đào tạo giới tinh hoa CGE (Conférence des grandes écoles), mức phí gần như cho không hiện nay « không cho thấy rõ được một tín hiệu về chất lượng ». Mức phí mới này vẫn còn thấp hơn nhiều so với một số cơ sở đào tạo khác trên thế giới như MIT, Stanford hay Imperial College, trong khi Pháp là quốc gia thứ 4 đón nhiều sinh viên nước ngoài.

Les Echos cho biết để bù đắp cho mức tăng lệ phí, chính phủ Edouard Philippe cũng dự tính tăng mức cấp học bổng và sẽ trao quyền tự quản cho các trường đại học.

Bên cạnh đó, chính phủ Pháp cũng dự tính nới lỏng điều kiện cấp visa du học, như làm thủ tục trên mạng và rút ngắn thời hạn cấp xét hồ sơ.

Trang nhất báo Pháp : Phong trào Áo vàng

Cuộc biểu tình của phong trào tự phát « áo an toàn giao thông mầu vàng », diễn ra cuối tuần qua, hầu như chiếm trang nhất các nhật báo lớn của Pháp số ra ngày hôm nay 19/11/2018.

Khoảng 2.000 cuộc biểu tình quy tụ gần 300.000 người đã diễn ra trên khắp nước Pháp hôm thứ Bảy 17/11 nhằm phản đối tăng giá xăng dầu và sức mua giảm. Dù mục đích ban đầu là biểu tình ôn hòa, nhưng cuộc xuống đường cũng đã không tránh được nhiều sự cố đáng tiếc : Một người biểu tình bị chết và hơn 400 người bị thương.

Trước một phong trào tự phát rầm rộ như vậy, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết « Edouard Philippe buộc phải lên tiếng ». Le Figaro, tờ báo thiên hữu nhận thấy « Chính phủ đang tìm lời giải đáp ». Còn nhật báo cánh tả Libération chơi chữ « Macron đi ngược chiều ». Riêng nhật báo công giáo La Croix thì đặt câu hỏi « Áo vàng và Bây giờ thì sao ? »

Bởi vì với quy mô tham gia đông đảo hôm thứ Bảy, nhiều trục đường lớn bị phong tỏa, phong trào áo vàng không chính thức và không có tổ chức này được xem như là đã thành công. Nhưng sau đó thì sao ? Tương lai của phong trào được cho là bất định.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.