Vào nội dung chính
ASEAN - BẾ MẠC

Thượng đỉnh Đông Á: Vắng tổng thống Mỹ, Nga-Trung chiếm thế thượng phong

Các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33, dưới sự chủ tọa của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã kết thúc ngày 15/11/2018, tại Singapore, với cuộc họp thượng đỉnh Đông Á, quy tụ lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á và 8 quốc gia đối tác của ASEAN (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Nga).

Lãnh đạo các nước tham gia thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 chụp ảnh chung tại Singapore, ngày 15/11/2018.
Lãnh đạo các nước tham gia thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 chụp ảnh chung tại Singapore, ngày 15/11/2018. REUTERS/Edgar Su
Quảng cáo

Từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế Suntec, Singapore, đặc phái viên Thanh Phương tường trình :

Năm nay, nước Nga lần đầu tiên dự thượng đỉnh Đông Á ở cấp nguyên thủ quốc gia, với sự hiện diện của tổng thống Vladimir Putin. Do vắng mặt tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Putin coi như nắm vai trò đầu đàn.

Điều đáng chú ý là khi chụp hình chung với các lãnh đạo 18 quốc gia khi kết thúc thượng đỉnh, tổng thống Nga đứng kế bên thủ tướng Lý Hiển Long. Và cũng mang tính biểu tượng không kém, ngay sát bên ông Putin lại là thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Như thể là hai cường quốc này đang đẩy Hoa Kỳ xuống hàng thứ yếu trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Thượng đỉnh Đông Á đã đề cập đến những hồ sơ quốc tế nổi cộm hiện nay: căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, hạt nhân Bắc Triều Tiên, tranh chấp Biển Đông, khủng hoảng người tị nạn Rohingya, Miến Điện.

Các lãnh đạo dự thượng đỉnh Đông Á cũng đã thông qua một số tuyên bố như Tuyên bố về việc sử dụng, tàng trữ và chuyên chở các vật liệu hạt nhân và các chất phóng xạ khác một cách an toàn, Tuyên bố về tăng cường hợp tác về an ninh mạng, Tuyên bố về các thành phố thông minh của ASEAN.

Trong cuộc họp báo kết thúc các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, thủ tướng Lý Hiển Long đã hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong cuộc đàm phán nhằm tiến tới ký kết (dự kiến vào năm 2019) hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership-RCEP), sẽ quy tụ 10 nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand.

Về cấu trúc mới cho khu vực, thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đã có nhiều đề nghị cho việc thiết lập một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhưng ASEAN sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng những đề nghị đó, dựa trên những nguyên tắc : tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm toàn bộ các nước trong khu vực…

Riêng về Biển Đông, ông Lý Hiển Long nhắc lại là ASEAN và Trung Quốc vào năm 2019 sẽ hoàn tất Bản dự thảo sơ bộ, làm cơ sở cho các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC. Nhưng theo thủ tướng Singapore, còn rất nhiều việc phải làm trước khi hoàn tất các cuộc đàm phán, mà thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định là sẽ kết thúc trong vòng 3 năm.

Trong lễ bế mạc thượng đỉnh vào cuối chiều 15/11, thủ tướng Singapore đã chuyển giao chức chủ tịch ASEAN 2019 cho thủ tướng Prayut Chan-o-cha của Thái Lan, một trong những quốc gia sáng lập Hiệp Hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.