Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NATO - QUÂN SỰ

NATO chỉ trích chương trình hỏa tiễn tầm trung của Trung Quốc

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay, 13/11/2018, chỉ trích chương trình phát triển hỏa tiễn tầm trung của Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh tham gia hiệp định quốc tế kiểm soát vũ khí.

Tham quan hệ thống tên lửa chống chống hạm CM-401 tại một triển lãm quốc tế của Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, ngày 8/11/2018.
Tham quan hệ thống tên lửa chống chống hạm CM-401 tại một triển lãm quốc tế của Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, ngày 8/11/2018. REUTERS/Brenda Goh
Quảng cáo

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình công ZDF của Đức, ông Jens Stoltenberg tuyên bố : « Chúng tôi quan sát thấy Trung Quốc đầu tư rất lớn vào việc chế tạo nhiều loại vũ khí mới và hiện đại, trong đó có các loại hỏa tiễn, và phân nửa số hỏa tiễn của Trung Quốc vi phạm hiệp ước INF, nếu Trung Quốc là nước tham gia ký kết ».

Tổng thư ký NATO muốn nhấn mạnh đến Hiệp ước về tên lửa tầm trung (INF) được ký kết năm 1987 giữa tổng thống Ronald Reagan và tổng bí thư Mikhail Gorbatchev. Hiệp ước này nhằm tiêu hủy các loại hỏa tiễn có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc quy ước, phóng từ mặt đất, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Ông Jens Stoltenberg nói : « Chúng tôi rất mong mở rộng hiệp ước INF, làm thế nào để Trung Quốc có thể tham gia ». Còn về Nga, ông bày tỏ mối quan ngại các loại hỏa tiễn mới của Matxcơva có thể tấn công các thành phố tại miền trung châu Âu như Berlin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây loan báo Hoa Kỳ sẽ rút khỏi INF. Washington tố cáo Matxcơva vi phạm hiệp ước, nhưng đồng thời cũng cáo giác các chương trình vũ khí của Bắc Kinh.

Đối với phía Nga, Hoa Kỳ phản đối hệ thống hỏa tiễn mới 9M729, có thể phóng đi từ mặt đất với tầm bắn trên 500 km – cáo buộc này bị Matxcơva bác bỏ. Và trong cuộc đối thoại thường niên về ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung lần thứ hai mới đây, Washington đã kêu gọi Bắc Kinh rút các hỏa tiễn bố trí tại các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Trước đó trong Đối thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tố cáo việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông nhằm « đe dọa và cưỡng ép » các nước láng giềng nhỏ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.