Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hồ sơ nhân quyền Bắc Triều Tiên : Hàn Quốc « khó xử »

Đăng ngày:

Cho dù tiến trình hòa giải giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đang đạt nhiều tiến triển, nhưng các vụ vi phạm nhân quyền của chế độ Bình Nhưỡng vẫn gây nhiều lo ngại. Đó là khẳng định của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Vấn đề này cũng khiến chính phủ Hàn Quốc khó xử.

Hình ảnh tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thân thiện với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khiến nhiều nhà bảo vệ nhân quyền tức giận.
Hình ảnh tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thân thiện với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khiến nhiều nhà bảo vệ nhân quyền tức giận. REUTERS
Quảng cáo

Thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tại Seoul giải thích :

« Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, Tomas Ojea Quintan công nhận là tiến trình đối thoại bắt đầu từ năm nay có tác động tốt tới an ninh và hòa bình trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định là tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên không hề được cải thiện chút nào.

Đại diện của Liên Hiệp Quốc gợi nhắc lại rằng các tội ác mà chế độ Bình Nhưỡng phạm phải và được mô tả hồi năm 2014 trong một báo cáo dài của Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc vẫn còn nguyên tính thời sự : các vụ bắt bớ vô cớ, giam giữ trong các trại tập trung, các vụ hành quyết, tra tấn, hãm hiếp và thiếu vắng hoàn toàn quyền tự do báo chí và tôn giáo.

Nếu từ vài năm nay, có một vài tiến bộ được ghi nhận, nhất là về quyền tự do đi lại trong nước, thì vẫn còn tới 120.000 tù nhân chính trị bị giam giữ trong các trại tập trung.

Tomas Ojea Quintan giúp chúng ta thấy là các tuyên bố chung gần đây giữa Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đều không hề nhắc tới nhân quyền. Ông kêu gọi không để cho vấn đề về nhân quyền bị lãng quên.

Nhiều người cho rằng tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên đã góp phần đưa hồ sơ nhân quyền ở Bắc Triều Tiên rơi vào quên lãng. Về vấn đề này, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias cho biết thêm :

« Nhờ ngoại giao thượng đỉnh năm nay, hình ảnh của Kim Jong Un đã được cải thiện rất nhiều và ông đã tạo cho mình tầm vóc của một nguyên thủ đáng được tôn trọng. Người ta vẫn còn nhớ là, tổng thống Mỹ Donald Trump, sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng Sáu, đã tuyên bố rằng Kim Jong Un là một người « rất đáng mến, rất thông minh » và là người « thương yêu nhân dân ».

Còn chính quyền Hàn Quốc, vốn chỉ bận tâm đến việc cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, luôn tìm cách lảng tránh vấn đề nhân quyền để không làm mếch lòng chế độ Bắc Triều Tiên. Sự im lặng của chính quyền miền Nam trên hồ sơ nhân quyền đã bị phe bảo thủ và các hiệp hội người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Seoul chỉ trích nặng nề.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên công khai đe dọa Hàn Quốc : Tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố là nếu Seoul tham gia nghị quyết tới đây của Liên Hiệp Quốc về việc trừng phạt các vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên, thì điều này sẽ đi ngược lại tinh thần hòa giải và hòa bình giữa hai miền nam-bắc Triều Tiên. »

Moon Jae In từng là luật sư chuyên bảo vệ nhân quyền trong suốt nhiều thập kỷ trước khi đắc cử tổng thống Hàn Quốc.Vì thế, giờ đây trên cương vị nguyên thủ, việc ông im lặng trước tình trạng chế độ Kim Jong Un vi phạm nhân quyền bị coi là một nghịch lý. Thông tín viên Ojardias giải thích :

« Chính vì thế mà các hình ảnh về quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo nam-bắc Triều Tiên, các hình ảnh hai lãnh đạo ôm hôn nhau, hay những nụ cười, những cú bắt tay thật lâu, khiến nhiều người ở Seoul nghiến răng giận dữ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đáp lại các lời chỉ trích : Trong một buổi trả lời phỏng vấn đài BBC, ông khẳng định chủ đề nhân quyền là « rất quan trọng », nhưng để cải thiện tình hình thì các sức ép quốc tế không có hiệu quả. Ông cho rằng sự hợp tác giữa chế độ Kim Jong Un và cộng đồng quốc tế sẽ cho phép « thúc đẩy Bắc Triều Tiên hướng theo con đường cải cách và mở cửa », và theo ông, điều đó sẽ có lợi cho người dân Bắc Triều Tiên.

Nhưng đây không phải một vấn đề mới mẻ. Đã từ nhiều thập kỷ nay, cánh tả Hàn Quốc bị tố cáo là che giấu vấn đề nóng bỏng về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. »

Khủng hoảng Rohingya : Miến Điện bị Liên hiệp Châu Âu dọa hủy ưu đãi thương mại

Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu khả năng rút các ưu đãi thương mại mà Miến Điện được hưởng từ năm 2003, nhằm trừng phạt việc quân đội nước này trấn áp sắc tội Hồi Giáo thiểu số Rohingya. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh phái đoàn của châu Âu mới đây có chuyến làm việc kéo dài 3 ngày tại Miến Điện, trong đó đại diện Liên Hiệp đã gặp gỡ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, các nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự và cả đại diện chính phủ nước này.

Từ Rangun, thông tín viên RFI Elisa Hunt giải thích :

« Ủy ban châu Âu quyết định rút các ưu đãi thương mại chẳng hạn hủy quyết định cho phép Miến Điện không phải trả bất cứ loại thuế nào khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. Ưu đãi này vốn rất có lợi cho Miến Điện, nhất là ngành công nghiệp dệt may. Các sản phẩm dệt may chiếm phần lớn lượng hàng hóa Liên Hiệp nhập từ Miến Điện, chẳng hạn sản phẩm của các hãng Adidas, H&M hay Pimkie đều được sản xuất từ Miến Điện.

Châu Âu là một thị trường rất quan trọng cho ngành thương mại Miến Điện. Một nửa hàng dệt may xuất khẩu của Miến Điện là nhắm tới thị trường Liên Hiệp Châu Âu, một thị trường đang ngày càng được mở rộng. Xuất khẩu từ Miến Điện sang Liên Hiệp đã tăng mạnh thêm 41% trong năm 2018. »

Theo thông tín viên Elisa Hunt, khả năng Châu Âu rút các ưu đãi thương mại mà Liên Hiệp dành cho Miến Điện kể từ năm 2003 đang bị chỉ trích nặng nề, bởi vì biện pháp này nếu được áp dụng có thể gây ra những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Miến Điện, nhất là đối với 400.000 lao động trong lĩnh vực dệt may.  

« Miến Điện có thể sẽ mất hàng trăm ngàn việc làm nếu Ủy ban châu Âu quyết định hủy ưu đãi đặc biệt đó và nếu các doanh nghiệp châu Âu rời nước này. Liên Hiệp Quốc, các cơ quan thương mại châu Âu và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đều phản đối một quyết định kiểu như vậy.

Tất cả đều nhắc nhở là gần như mọi lao động trong lĩnh vực dệt may đều là phụ nữ, một số người thuộc sắc tộc thiểu số di cư đến Rangun để tìm việc làm và nuôi sống cả gia đình bằng tiền lương. Nếu những người phụ nữ này mất việc, họ có thể sẽ phải kiếm sống bằng cách khác, chẳng hạn sang Thái Lan hoặc bán dâm. »

Chính quyền Miến Điện đã làm gì để thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu thay đổi ý định, tránh bị châu Âu hủy ưu đãi thương mại ? Thông tín viên Elisa Hunt giải thích :

« Nhà chức trách đã gặp phái đoàn của Ủy ban Châu Âu để trao đổi về vấn đề này. Trước đây, Miến Điện đã từng tuyên bố rằng một quyết định kiểu như vậy sẽ dẫn đến tình trạng rất nhiều người mất việc làm. Và Châu Âu cần cho Miến Điện một thời gian để nhà chức trách tự cho tiến hành các cuộc điều tra tra riêng của nước này, để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra trong thời gian bùng nổ các hành vi bạo lực nhắm vào người Rohingya, giai đoạn mà cộng đồng quốc tế không được can thiệp.

Phản ứng này tương tự cách nhà chức trách Miến Điện đã từng nhiều lần phản ứng trước các sức ép quốc tế, nhất là trước việc Tòa hình sự quốc tế dọa cho tiến hành một cuộc điều tra ».

Google : Hàng ngàn nhân viên biểu tình phản đối nạn quấy rối tình dục trong tập đoàn

Ngày 01/11/2018, hàng chục ngàn nhân viên của tập đoàn Google ở nhiều thành phố trên khắp thế giới, từ Tokyo, Singapore, cho đến Berlin, Zurich, Dublin, Luân Đôn, New York, và đương nhiên là cả ở Mountain View ở California, Hoa Kỳ, nơi đặt trụ sở Google, đã biểu tình phản đối nạn quấy rối tình dục trong nội bộ tập đoàn.

Cuộc biểu tình diễn ra một tuần sau khi New York Times cho đăng một bài viết về việc Google đã đền bù hàng trăm triệu đô la chocáclãnh đạo cấp cao bị sa thải về tội quấy rối tình dục nhân viên, trong đó một số người thú nhận có những hành vi quấy rối tình dục nhưng đã được ban lãnh đạo tập đoàn bênh vực trong một thời gian rất dài.

Nhà báo Juliette Gheerbrant cho biết thêm chi tiết :

« Cuộc điều tra của báo New York Times đã tạo ra hiệu ứng như một quả bom nhỏ đối với nhân viên tập đoàn Google. Cuộc điều tra này đã khẳng định những nghi ngờ theo đó Google đã nhắm mắt làm ngơ trước nhiều vụ quấy rối tình dục. Chẳng hạn, theo New York Times, ông Andy Rubin, người sáng lập hệ điều hành Android và cũng là người đã phủ nhận mọi cáo buộc quấy rối tình dục nhân viên, đã rời tập đoàn Google với 79 triệu euro tiền đền bù, trong khi đó Google không đưa ra bất cứ lời giải thích nào về lý do sa thải Andy Rubin.

Sau các tiết lộ nói trên, ban lãnh đạo Google đã gửi cho các nhân viên một tin nhắn để thông báo là trong hai năm qua, có 48 nhân viên của tập đoàn, trong đó có 13 quan chức lãnh đạo đã bị đuổi việc vì tội quấy rối tình dục và không được hưởng tiền đền bù. Hôm thứ Tư, Alphabet, công ty mẹ của Google, thông báo ông Rich De Vaul, lãnh đạo phòng thí nghiệm sáng chế Google X cũng bị sa thải và không được đền bù.

Nhưng điều này không đủ để làm cho nhân viên Google nguôi giận. Họ đã tham gia biểu tình đông đảo vượt quá hy vọng ban đầu của những người khởi xướng. Ở hàng chục thành phố trên khắp thế giới, nhân viên Google đòi hỏi tập đoàn phải có các biện pháp để chấm dứt nạn quấy rối tình dục và xử lý minh bạch hơn nữa những vụ vi phạm kiểu này.

Nhân viên Google cũng biểu tình chống lại tình trạng bất bình đẳng về lương và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp giữa nam giới và nữ giới. Chủ tịch tập đoàn Google, Sundar Pichai, khẳng định là ông ủng hộ những nhân viên tham gia biểu tình lần này. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.