Vào nội dung chính
LIÊN TRIỀU - QUÂN SỰ

Vùng cấm bay ở biên giới Nam-Bắc Triều Tiên có hiệu lực dù Mỹ tỏ ý dè dặt

Một vùng cấm bay và một khu vực cấm tập trận gần vùng biên giới giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm nay 01/11/2018. Seoul và Bình Nhưỡng vẫn triển khai kế hoạch nhằm giảm căng thẳng này bất chấp phản ứng dè dặt của Mỹ.

Trạm gác biên giới Liên Triều tại Bàn Môn Điếm. (Ảnh chụp ngày 19/07/2017)
Trạm gác biên giới Liên Triều tại Bàn Môn Điếm. (Ảnh chụp ngày 19/07/2017) JUNG Yeon-Je / AFP
Quảng cáo

Thiết lập vùng cấm bay và vùng cấm tập trận dọc theo biên giới hai nước là những biện pháp cụ thể hóa một thỏa thuận về việc giảm căng thẳng quân sự song phương đã được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nhất trí nhân Thượng Đỉnh Liên Triều ở Bình Nhưỡng gần đây. Theo thỏa thuận vừa kể, hai bên đã đồng ý ngừng « mọi hành vi thù địch » trên bộ, trên biển và trên không.

Cụ thể, hai bên quyết định cấm các cuộc tập trận bắn đạn thật, có sự tham gia của máy bay có cánh cố định và các loại vũ khí hành trình không đối đất trong khu vực cấm bay, trải dài 40km từ bắc xuống nam, hai bên đường phân giới quân sự ở phía đông, và 20km về phía tây.

Trong vùng cấm bay, cũng có nhiều hạn chế đối với trực thăng, máy bay không người lái và khinh khí cầu. Riêng các chiến dịch phi quân sự, thương mại, có mục đích hỗ trợ y tế, phòng chống thiên tai và nông nghiệp được xem là ngoại lệ.

Theo Đài KBS (Hàn Quốc), kể từ hôm nay, trực thăng của quân đội Mỹ khi bay tới căn cứ quân sự Mỹ ở gần làng đình chiến Bàn Môn Điếm, sẽ phải thông báo trước cho Bắc Triều Tiên.

Theo hãng tin Anh Reuters, Mỹ từng lên tiếng phản đối thỏa thuận về quân sự giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, cho rằng điều đó có thể làm suy yếu khả năng sẵn sàng phòng thủ của liên quân Mỹ-Hàn vào lúc mà tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên không có tiến bộ đáng kể nào. Bên cạnh đó, Mỹ cũng chống việc thiết lập khu vực cấm bay vì điều đó cản trở việc tiến hành các cuộc tập trận dùng không quân yểm trơ lực lượng trên bộ.

Mỹ cũng không tán đồng việc thiết lập vùng cấm bay vì căn cứ quân sự Mỹ Bonifas chỉ cách Khu Vực An Ninh Chung 2 km, và khi thực hiện các chuyến bay bằng trực thăng tại khu vực, quân đội Mỹ bị buộc phải thông báo trước cho phía Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, các nội dung về vùng cấm bay và tập trận đã được quân đội Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc thảo luận và đồng ý vào hạ tuần tháng 10 vừa qua. Ngoài ra, nhân cuộc họp giữa các bộ trưởng Quốc Phòng vào hôm qua tại Washington, Hoa Kỳ đã tỏ thái độ ủng hộ sáng kiến của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.

Phát biểu tại Quốc Hội Hàn Quốc hôm nay, 01/11, tổng thống Moon Jae In nhấn mạnh rằng « Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã hoàn toàn loại bỏ nguy cơ đụng độ quân sự thông qua thỏa thuận quân sự ».

Cũng theo tổng thống Hàn Quốc, thì lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ « sớm » ghé thăm Seoul. Tại Thượng đỉnh Kim-Moon lần thứ ba ở Bình Nhưỡng vào tháng 9 vừa qua, lãnh đạo hai nước đã nhất trí là ông Kim Jong Un sẽ đến thăm Seoul « trong một tương lai gần », nhưng không cho biết ngày tháng.

Tổng thống Moon Jae In cũng tiết lộ thêm về một số động thái ngoại giao khác liên quan đến Bắc Triều Tiên: Ông Kim Jong Un đi Nga, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng và khả năng một cuộc tiếp xúc giữa ông Kim Jong Un và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trước mắt, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã xác nhận dự kiến sẽ gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên vào tuần tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.