Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - VĂN HÓA

Trung Quốc thương tiếc nhà văn kiếm hiệp Kim Dung

Kim Dung, (tên thật là Tra Lương Dung), nhà văn nổi tiếng chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp đã qua đời tối qua 30/10/2018 tại Hồng Kông, thọ 94 tuổi. Các tác phẩm võ hiệp rất hấp dẫn của ông đã bán được hơn 100 triệu bản trên toàn thế giới, vượt qua những hàng rào địa lý và cả chính trị, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tại châu Á.

Nhà văn Kim Dung tại văn phòng của ông ở Hồng Kông. Trên tay ông là tác phẩm đầu tay "Thư kiếm ân cừu lục" ông viết năm 1955. Ảnh chụp ngày 29/07/2002.
Nhà văn Kim Dung tại văn phòng của ông ở Hồng Kông. Trên tay ông là tác phẩm đầu tay "Thư kiếm ân cừu lục" ông viết năm 1955. Ảnh chụp ngày 29/07/2002. REUTERS/Bobby Yip/File Photo
Quảng cáo

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

« Những âm thanh của loạt phim võ hiệp nhiều kỳ trong thập niên 80 chuyển thể từ các tiểu thuyết của Kim Dung lại xuất hiện trên những chiếc điện thoại di động. Hôm nay, thứ Tư, cả nước Trung Quốc khóc thương cho nhà văn lớn vừa qua đời. Những lời vinh danh Kim Dung nở rộ trên mạng xã hội Vi Bác, từ các tài khoản của truyền thông nhà nước cho đến những người vô danh, họ xúc động nhớ lại thời kỳ mà phim bộ Hàn Quốc và Đài Loan vẫn chưa chiếm lĩnh màn ảnh.

Những người nổi tiếng và các đại gia trong giới kinh doanh cũng tưởng nhớ ông. Tỉ phú Mã Vân (Jack Ma) viết : « Đó là tổn thất to lớn đối với người Hoa trên toàn thế giới, Kim Dung vẫn luôn ngự trị trong trái tim tôi ». Ông Mã Vân là chủ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, các nhân viên ở đây vẫn có thói quen đặt biệt danh theo các nhân vật của Kim Dung.

Ngay cả các nhà đối lập cũng lên tiếng thương tiếc văn hào chuyên viết truyện kiếm hiệp. Trên WeChat, một nhà ly khai đang tị nạn ở Hoa Kỳ, thoát được khỏi Hoa lục nhờ sự giúp đỡ của Kim Dung đã viết : « Tôi rất buồn vì không thể nói lời cảm ơn ông ».

Đó là vì ngoài khoảng 15 bộ tiểu thuyết được dịch ra trên toàn thế giới, Kim Dung còn là nhà báo đã sáng lập ra nhật báo Minh Báo ở Hồng Kông, trong đó ông đả kích cuộc Cách mạng văn hóa năm 1966. Có thể vì vậy mà ông có được sự ngưỡng mộ lặng lẽ của Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng đã gởi nhân viên đến Hồng Kông để mua toàn bộ các tiểu thuyết của Kim Dung, trước khi công khai gặp gỡ tác giả vào năm 1981 ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.