Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - ẤN ĐỘ

Nhật - Ấn thắt chặt hợp tác quốc phòng

Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục siết chặt quan hệ với chuyến công du Tokyo của thủ tướng Modi. Trong thượng đỉnh lần thứ 13, diễn ra hôm qua, 29/10/2018, hai bên cam kết nỗ lực trong hàng loạt lĩnh vực, từ tài chính, công nghệ, an ninh mạng, y tế, không gian, và đặc biệt là về quốc phòng, vì các lợi ích song phương, vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương « hòa bình, ổn định và thịnh vượng ».

Thủ tướng Nhật Shinzo Anbe và đồng nhiêm Ấn Độ Narendra Modi (T) với tài liệu vừa được ký kết. Ảnh nhân cuộc họp báo chung ngày 29/10/2018.
Thủ tướng Nhật Shinzo Anbe và đồng nhiêm Ấn Độ Narendra Modi (T) với tài liệu vừa được ký kết. Ảnh nhân cuộc họp báo chung ngày 29/10/2018. Kiyoshi Ota/via Reuters
Quảng cáo

Truyền thông Nhật Bản chú ý đến việc thủ tướng Nhật Shinzo Abe và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi đã thỏa thuận hai bên sẽ tiến hành các đối thoại theo cơ chế 2+2, giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng, với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa. Đối thoại 2+2 là một cơ chế thường chỉ được thiết lập giữa các quốc gia có quan hệ đồng minh mật thiết.

Thông cáo chung giữa New Delhi và Tokyo cũng cho biết hai bên sẽ hoàn tất đàm phán để Hải Quân hai nước có thể sử dụng một số căn cứ và dịch vụ quốc phòng của nhau (thỏa thuận ACSA), trong đó có việc phía Ấn Độ sẽ được phép sử dụng căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Djibouti (châu Phi), hay phía Nhật được tiếp cận với các quân cảng Ấn Độ tại các đảo Andaman và Nicobar, trên Ấn Độ Dương, sát với eo biển chiến lược Malacca. Hai bên dự kiến sớm đúc kết thỏa thuận này, để chuẩn bị cơ sở hậu cần cho các cuộc tập trận song phương, dự kiến diễn ra trong hai năm tới, 2019-2020.

Trong lĩnh vực tài chính, Nhật Bản và Ấn Độ thỏa thuận lập hợp đồng hoán đổi tiền tệ (currency swap), với tổng trị giá 75 tỉ đô la, được cho là chưa từng có đối với một thỏa thuận song phương trên thế giới. Việc hoán đổi tiền tệ này cho phép hai nước chủ động về nguồn tài chính hơn, bớt phụ thuộc vào đô la. Toykyo cũng quyết định cấp thêm tín dụng lên đến 2,7 tỉ đô la, với lãi suất thấp, để hỗ trợ Ấn Độ hoàn thành dự án đường sắt cao tốc chiến lược Mumbai-Ahmedabad, và một số dự án khác. Nhật Bản và Ấn Độ cũng dự kiến triển khai nhiều dự án với sự tham gia của các quốc gia châu Á khác, như Miến Điện, Bangladesh, Sri Lanka…, hay châu Phi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.