Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

"Những linh hồn chết" trong trại cải tạo giáo dục của Mao

Đăng ngày:

Dài hơn 8 tiếng, nhưng có lẽ bộ phim tài liệu « Những linh hồn chết » (Dead Souls) của đạo diễn Trung Quốc Vương Bính (Wang Bing) vẫn chưa đủ thời lượng để nói về cuộc sống kham khổ, phẩm giá bị tước của những người phải đi cải tạo giáo dục trong những năm 1950, dưới thời Mao Trạch Đông. Phần một của bộ phim tài liệu được chiếu tại Pháp ngày 24/10/2018.

Một cảnh trong phim tài liệu « Những linh hồn chết » (Les Âmes mortes) của đạo diễn Trung Quốc Vương Bính (Wang Bing).
Một cảnh trong phim tài liệu « Những linh hồn chết » (Les Âmes mortes) của đạo diễn Trung Quốc Vương Bính (Wang Bing). Wang Bing
Quảng cáo

« Những linh hồn chết » vì đói của « Mao chủ tịch » lột tả cuộc sống thường ngày trong một trại cải tạo ở sa mạc Gobi, qua lời kể của những người từng sống ở đó. Theo Elisabeth Lequeret, nhà báo ban tiếng Pháp đài RFI, một số người so sánh tác phẩm điện ảnh của Vương Bính như bộ phim Shoah (Holocaust) của đạo diễn Pháp Claude Lanzmann. Đạo diễn Vương Bính là khách mời của RFI trong chương trình « Điện ảnh thế giới » ngày 27/10/2018.

« Từ 15 năm nay, Vương Bính không ngừng cung cấp tư liệu về đất nước của ông, về những người lao động nhập cư, nông dân, thợ may trong những xưởng may bất hợp pháp…

Năm 2002, bộ phim đầu tay của đạo diễn Trung Quốc, « Phía tây đường tầu », đã giúp ông nổi danh thế giới. Bộ phim dài hơn 9 tiếng mô tả cuộc sống và sự tiêu tan của một khu công nghiệp.

Trong phim « Những linh hồn chết », đạo diễn Vương Bính lật lại một trong những trang sử bi thương nhất của « Bước đại nhảy vọt » : Theo lệnh của Mao Trạch Đông, tất cả những người dám chỉ trích cuộc cách mạng đều bị đi đày. Những người bị coi là « hữu khuynh » này bị chết đói và chết vì bệnh tật.

Rất ít người trở về. Hiện nay, những người đã may mắn sống sót trở về cũng đã ngoài 80 tuổi và họ kể cho đạo diễn nghe về địa ngục trần gian mà họ đã trải qua. Những tiếng thở dài, những giọng nói, đôi khi là tiếng nấc nghẹn ngào như từ dưới mồ vọng về, kể lại những cảnh tàn bạo, khiến người ta nghẹt thở, nhưng bên cạnh đó cũng có những câu chuyện tương ái về các cử chỉ nghĩa hiệp nhỏ đã cứu sống được nhiều người.

« Những linh hồn chết » là một bộ phim đặc biệt, với độ dài hơn 8 tiếng, nhưng quan trọng hơn cả là đạo diễn Vương Bính đã cung cấp tài liệu về một giai đoạn bị xóa nhòa trong lịch sử và là đề tài cấm kỵ tại nước Trung Hoa ngày nay ».

Trí thông minh nhân tạo dịch sách

Liệu dịch giả sắp bị thất nghiệp ? Deep Learning (tạm dịch : Học sâu), một cuốn sách khoa học bán rất chạy trên Amazon, đầy thuật toán bên trong, dầy 800 trang, được hoàn toàn dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp nhờ trí thông minh nhân tạo.

Không cần nhóm biên dịch, tiết kiệm chi phí, cỗ máy sử dụng trí thông minh nhân tạo, do công ty khởi nghiệp Pháp Quantmetry thiết kế, trong vòng 12 tiếng, có thể tự đọc và tự học mà không cần con người can thiệp. Deep Learning là cuốn sách đầu tiên được dịch sang tiếng Pháp (L’Apprentissage profond) nhờ trí thông minh nhân tạo.

Trả lời đài phát thanh France Inter (19/10/2018), ông Jérémy Harroch, tổng giám đốc Quantmetry, giải thích :

« Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh vào tháng 12/2016. Trong vòng hai tháng rưỡi, nhóm làm việc chúng tôi nghiên cứu cách thực hiện dự án. Thời gian làm việc này đã cho phép chúng tôi lập một cỗ máy sử dụng trí thông minh nhân tạo, trong vòng 12 giờ, đã đọc hết cuốn sách bằng tiếng Anh và dịch thành một tác phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Pháp.

Chúng tôi nghĩ rằng phương pháp này có thể áp dụng được cho rất nhiều tác phẩm, trước hết là trong lĩnh vực khoa học, toán học, dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, và có thể trong nhiều ngôn ngữ khác.

Chúng tôi nghĩ rằng, tương tự với ngôn ngữ toán học, thiên về biểu tượng và khá cô đọng, nhiều loại tác phẩm khác cũng có thể được dịch theo phương pháp này. Tôi đang nghĩ đến các cuốn sách dạy nấu ăn vì chúng cũng có rất nhiều công thức ».

Có nghĩa là văn học, như những tác phẩm của Baudelaire hay Victor Hugo… vẫn phải chờ thêm thời gian nữa ?

« Tôi nghĩ là không phải ngay lập tức. Ý tôi muốn nói là cuối cùng thì sự tinh tế của ngôn ngữ con người và tất cả những giá trị có trong thơ ca hoặc yếu tố cảm xúc, thì máy móc không thể cảm nhận được. Tôi vẫn muốn tin là con người vượt qua cả máy móc, ít nhất là về cảm xúc ».

Trí thông minh nhân tạo lấn sang lĩnh vực hội họa

Liệu trí thông minh nhân tạo có thành công trong lĩnh vực hội họa như Vermeer, Rembrandt, Van Gogh, Monet hay không ? Lần đầu tiên, một tác phẩm hội họa do trí thông minh nhân tạo thực hiện được công ty Christie’s bán với giá 432.500 đô la, vào ngày 25/10/2018, tại New York, cao gấp hơn 40 lần so với giá thẩm định ban đầu (7.000 - 10.000 đô la).

Nhìn từ xa, trong bức « Chân dung của Edmond de Belamy », người ta thấy nhân vật mặc trang phục đen cổ trắng, giống như bức chân dung một nhà quý tộc trẻ thế kỷ XVIII hoặc XIX. Nhìn gần, khuôn mặt của nhân vật chính bị mờ, như chưa hoàn thiện. « Tác giả » không ký tên mà để lại dấu ấn là một « công thức toán học ».

Đằng sau tác phẩm do máy tính vẽ là hội nghệ sĩ Obvious của Pháp. Hội Obvious đã « truyền cảm hứng » cho trí thông minh nhân tạo bằng 15.000 bức chân dung cổ điển từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX để máy tính « hiểu quy tắc vẽ chân dung ». Trong ngày bán đấu giá tại New York, ông Pierre Fautrel, thành viên của hội, giải thích : « Chúng tôi là những nghệ sĩ, vì dù là thuật toán đã tạo ra một hình ảnh, nhưng chúng tôi mới là những người hình thành ý tưởng đó. Thuật toán không có ý tưởng tạo ra tác phẩm này ».

Ba thành viên của Obvious đã chọn ra 11 tác phẩm để lập thành « Gia đình Belamy ». « Belamy » là từ dịch tiếng Pháp (Bel Ami) từ « Goodfellow », nhằm ghi công nhà nghiên cứu Ian Goodfellow của Google, người đã hoàn thiện trí thông minh nhân tạo và là một trong những tác giả cuốn Deep Learning nổi tiếng.

Trong tương lai, mỗi người có thể trở thành « họa sĩ »« tự sáng tác », chỉ cần « nuôi » phần mềm bằng những tác phẩm mà mình yêu thích nhất. Biết đâu, thay vì theo một trường phái cụ thể, những tác phẩm hiện đại sẽ pha trộn nhiều trường phái khác nhau.

Hàn Quốc đi đầu thế giới về mạng 5G

Được coi là quốc gia kết nối mạng nhất thế giới, Hàn Quốc tiếp tục đi đầu về lĩnh vực này. Tháng 03/2018, Hàn Quốc trở thành nước đầu tiên phủ mạng internet 5G trên khắp đất nước. Tốc độ kết nối nhanh gấp 40 - 100 lần so với mạng 4G hiện nay.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :

« Các quảng cáo cho mạng 5G đã bắt đầu ở Hàn Quốc với lời hứa về các trò chơi thực tế ảo, tải dữ liệu gần như tức thì, thậm chí những chiếc ô tô tự chủ sẽ tự trao đổi với nhau và với môi trường xung quanh để tránh tai nạn.

Bà Eung Eun Mi, phó tổng giám đốc nhà cung cấp điện thoại KT, cho biết người sử dụng điện thoại di động Hàn Quốc luôn háo hức với công nghệ mới và họ sẽ lao vào dùng mạng 5G.

Bà nói : « Điều này nằm trong bản chất của con người. Ngay khi họ bắt đầu sử dụng một dịch vụ nhanh hơn dịch vụ cũ, thế là họ muốn có luôn dịch vụ đó ! Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của chúng tôi, nếu không bắt kịp bước ngoặt 5G, chúng tôi sẽ bị thụt lùi so với các đối thủ. Đây là mối bận tâm chính của chúng tôi ».

Thực vậy, một cuộc chiến về mạng 5G tầm cỡ thế giới đã được khởi động. Các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà sản xuất điện tử muốn chiếm ưu thế và áp đặt công nghệ và tiêu chuẩn của họ. Các dịch vụ sẽ phong phú hơn.

Bà Kim Bosun, đồng sáng lập công ty kỹ thuật số Asiance tại Seoul, nhận xét : « Mạng 5G sẽ làm thay đổi thành phố. Người ta có thể lắp camera khắp nơi giúp theo dõi trực tiếp được mọi nơi trong thành phố. Tôi nghĩ là mạng 5G sẽ tạo ra nhiều yêu cầu hơn và tạo cơ hội cho những ứng dụng còn chưa tồn tại.

Hàn Quốc là nước đầu tiên thử nghiệm mạng 5G quy mô lớn nhân dịp Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang hồi tháng 02/2018. Seoul muốn giữ ưu thế này. Ông Jérôme Chalansonnet, cố vấn cho công ty Coali tại Seoul, giải thích : « Ngành công nghiệp Hàn Quốc là một trong những ngành phát triển nhất thế giới. Ai cũng biết đến Samsung. Hiện nay, họ thật sự cần đứng hàng đầu trong top đầu về công nghệ. Tại vì thị trường điện thoại thông minh đang chuyển sang Trung Quốc, những nhà cung cấp mới về điện thoại thông minh là các công ty Trung Quốc, nên Hàn Quốc cần phải đổi mới ».

Thách thức kinh tế cũng rất lớn. Ủy Ban Châu Âu thẩm định từ giờ đến năm 2025, chỉ riêng châu Âu, việc triển khai mạng 5G sẽ mang đến 113 tỉ euro lợi nhuận cho nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp xe hơi và lĩnh vực y tế ».

Nhật Bản vô vọng tìm nhà nông

Trở lại với thực tế, trong lĩnh vực nông nghiệp, gạo Nhật nổi tiếng với hạt chắc, mọng và dẻo. Giá gạo Nhật đắt hơn so với những loại gạo khác và hiện có nguy cơ còn đắt hơn nữa, vì Nhật Bản … đang thiếu nhà nông.

Theo AFP, trong khoảng 705.000 người trồng lúa ở Nhật Bản, gần 8/10 người làm việc bán thời gian. Nguyên nhân là người dân Nhật tiêu thụ gạo ít hơn : 54,6 kg gạo/mỗi người trong năm 2015, so với 118,3 kg/mỗi người trong năm 1963.

Vì vậy, người nông dân cũng khó sống được nhờ nghề trồng lúa, theo giải thích của ông Kazuo Ogura, chủ một nông trang lớn ở Kazo, cách phía bắc Tokyo khoảng 50 km, một trong những người may mắn vẫn duy trì được nghề trồng lúa :

« Giá gạo không tăng từ nhiều năm nay. Và vì khả sinh lợi bị mất nên thu nhập của chúng tôi cũng giảm. Vấn đề ở chỗ người nông dân không thể thay mới máy nông nghiệp của mình ».

Ông Ogura may mắn vì người con trai, Yuichi Ogura, sẽ tiếp tục công việc nông trang. Anh là « người duy nhất trên tổng số 220 học sinh của trường hướng theo ngành nông nghiệp. Có rất ít thanh niên quan tâm đến nghề này ».

Để duy trì nghề trồng lúa và chuẩn bị đối mặt với cạnh tranh của gạo nước ngoài khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, năm 2018, chính phủ Nhật Bản chấm dứt hệ thống định mức, được áp dụng trong thập niên 1970 để bảo vệ nguồn lương thực này. Cho đến nay, Nhà Nước vẫn trợ cấp cho các nhà nông chấp nhận hạn chế sản lượng của họ dưới một ngưỡng nào đó để tránh gạo tràn ngập thị trường và như vậy, ổn định được giá bán.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.