Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - LIÊN HIỆP QUỐC

LHQ : Người Rohingya tiếp tục bị "diệt chủng" ở Miến Điện

Trưởng Phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc về Miến Điện vào hôm qua, 24/10/2018, khẳng định là nạn « diệt chủng » nhắm vào người Rohingya vẫn tiếp tục ở Miến Điện, trước khi trình báo cáo lên Hội Đồng Bảo An trong một cuộc họp đặc biệt do phương Tây yêu cầu mà Trung Quốc và Nga không thể ngăn chận.

Người tị nạn Rohingya chạy sang Bangladesh. Ảnh minh họa.
Người tị nạn Rohingya chạy sang Bangladesh. Ảnh minh họa. REUTERS/Damir Sagolj/File Photo
Quảng cáo

Trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Marzuki Darusman, trưởng Phái Bộ Tìm Hiểu Thực Tế về Miến Điện của Liện Hiệp Quốc cho rằng nạn « diệt chủng vẫn tiếp diễn » tại Miến Điện nhắm vào thiểu số người Rohingya. Ngoài những vụ giết chóc, còn có những hành vi khác như phân biệt đối xử, ngăn chặn sinh đẻ, nhốt dân Rohingya vào trong các trại…

Trước một cuộc họp đặc biệt của Hội Đồng Bảo An sau đó, ông Darusman đã nhấn mạnh là, từ những gì đang diễn ra ở Miến Điện, vẫn có thể « suy ra một cách hợp lý » là vẫn tồn tại « ý đồ diệt chủng ».

Nhà điều tra đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc truy tố trước Tòa án Quốc tế 6 tướng lãnh Miến Điện, trong đó có tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing.

Trước Hội Đồng Bảo An, ông Darusman nêu lên những con số đáng ngại : 390 ngôi làng bị phá hủy, 10.000 người Rohingya bị giết, hơn 720.000 người chạy khỏi bang Rakhine sang lánh nạn ở Bangladesh. Theo ông, những điều kiện để họ hồi hương chưa hội đủ, và nếu thực hiện vào lúc này thì sẽ đẩy họ vào đường chết.

Trung Quốc và Nga thất bại trong việc chặn cuộc họp

Cuộc họp để nghe báo cáo của Phái bộ điều tra về vụ diệt chủng người Rohingya Miến Điện đã được triệu tập theo yêu cầu của 9 trong số 15 thành viên Hội Đồng Bảo An, mà đa số là các nước phương Tây.

Cuộc họp vẫn được tiến hành bất chấp phản đối của Trung Quốc và Nga, hai ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An.

Đại sứ Pháp François Delattre đã nói thẳng là Hội Đồng Bảo An « không thể tự che mắt mình, trừ phi là từ nhiệm, từ bỏ lý do tồn tại của mình ». Theo ông, « nếu Hội Đồng Bảo An đánh giá là mình không liên can gì đến tình hình, thì đến khi nào mới liên can ? »

Đại sứ Trung Quốc và Nga thì cho rằng việc Hội Đồng Bảo An nghe ông Darusman, lãnh đạo một « cơ chế đặc biệt » về nhân quyền, thiết lập cho một quốc gia đặc biệt, là một hành động dẫm chân lên công việc của một cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, ám chỉ Hội Đồng Nhân Quyền tại Genève. Bắc Kinh và Mátxcơva cũng xem vụ Rohingya là một vấn đề song phương giữa Miến Điện và Bangladesh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.