Vào nội dung chính
THƯỢNG ĐỈNH Á - ÂU

ASEM 2018 : Châu Âu đả kích Mỹ nhưng tránh chỉ trích Trung Quốc

Hội nghị cấp cao châu Âu – châu Á ASEM kết thúc ngày 19/10/2018. Bảo vệ cơ chế đa phương và tự do mậu dịch là một trong những cam kết chính của các đối tác châu Á và châu Âu trong hội nghị này.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại thượng đỉnh ASEM ngày 19/10/2018.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại thượng đỉnh ASEM ngày 19/10/2018. Reuters
Quảng cáo

Nếu như chống biến đổi khí hậu là lĩnh vực mà châu Âu ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối tác với châu Á, thì tự do thương mại là vấn đề được các bên đối tác đề cập đến nhiều nhất. Thủ tướng Áo, Sebastian Kurz, chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, mở đầu cuộc họp báo chung đã nhấn mạnh đến vấn đề « tự do mậu dịch, công bằng, hợp lẽ, tuân thủ theo các quy tắc để các bên đều được hưởng lợi. »

Bà Federica Mogherini, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, khẳng định thêm là cả hai châu lục cam kết « duy trì và tăng cường tự do mậu dịch và mở rộng để có thể tiến hành các cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới ».

Để đánh dấu cho sự thành công của các cam kết trên, châu Âu hôm qua đã ký kết hiệp định tự do thương mại với Singapore và đang chờ thông qua một số hiệp định với nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây là hiệp định mậu dịch thứ hai, sau Nhật Bản, mà Liên Hiệp Châu Âu ký kết trong năm.

Đây có thể được xem như là một tín hiệu mạnh từ châu Âu nhắm vào Hoa Kỳ của tổng thống Donald Trump với chủ trương « Nước Mỹ trước đã ! ». Washington đơn phương đưa ra các biện pháp thuế quan nhắm vào Trung Quốc và nhiều đối tác đồng minh của Mỹ, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu.

Nếu như cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp tục leo thang, Liên Hiệp Châu Âu buộc phải có một số nhượng bộ nhằm tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế châu lục, vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Tuy nhiên, Reuters có lưu ý đến một chi tiết không được nhiều báo đài loan tải : Thông cáo chung của hội nghị dường như đã phải xóa dòng chữ kêu gọi « hủy bỏ các biện pháp bóp méo thị trường không chính đáng do các chính phủ đưa ra ». Hãng tin Anh trích dẫn một số nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho rằng chi tiết này đã bị gạt theo yêu cầu của phía Trung Quốc.

Cả Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đều chỉ trích chính phủ Bắc Kinh, thông qua các ngân hàng, trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước để thống lĩnh thị trường thế giới, phá vỡ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, mà Trung Quốc là một thành viên. Đặc biệt, Liên Hiệp Châu Âu cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh trong ngành sản xuất thép.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.