Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

"Bóng rổ": Sáng kiến ngoại giao mới của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng ?

Đăng ngày:

Trung Quốc dùng ngoại giao bóng rổ để thắt chặt quan hệ với Bắc Triều Tiên ; Nhật Bản khai trương chợ cá mới trong nỗi phập phòng của thương nhân ; Nobel Văn học bị cạnh tranh vì tai tiếng xâm hại tình dục và Jacques Brel, 40 năm sau ngày ông qua đời, tiếng hát vẫn còn vang mãi.

Đội tuyển bóng rổ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc cùng với cựu ngôi sao bóng rổ NBA, Diêu Minh tại Bình Nhưỡng, ngày 09/10/2018.
Đội tuyển bóng rổ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc cùng với cựu ngôi sao bóng rổ NBA, Diêu Minh tại Bình Nhưỡng, ngày 09/10/2018. REUTERS
Quảng cáo

Quan hệ Liên Triều được hâm nóng và Trung Quốc không muốn là người ngoài cuộc. Bắc Kinh đến lượt mình cũng đưa ra sáng kiến « ngoại giao bóng rổ ». Một phái đoàn gồm các đội tuyển bóng rổ nam và nữ đã đến thủ đô Bình Nhưỡng. Mục đích là nhằm thúc đẩy trao đổi thể thao giữa hai nước

Thế nhưng, thông tín viên Stephane Lagarde tại Bắc Kinh nhận định không chỉ có thế, chuyến đi này có thể được xem như là một tín hiệu thông báo cho chuyến công du Bình Nhưỡng đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

« Trên ảnh chụp, Diêu Minh (Yao Ming) không thể lẫn vào đâu được. Cao 2m26, huyền thoại bóng rổ Trung Quốc chẳng buồn ganh tỵ với danh thủ Denis Rodman hòng để phải được ghi lại dấu ấn trong tâm trí. Trên các màn ảnh của CCTV cũng như truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên, người ta chỉ thấy mỗi người này, mặc đồ veste, thắt cà-vạt mầu sẫm cao hơn các quan chức và các vận động viên mà anh ta có trách nhiệm đi theo từ 3-4 cái đầu.

Đến Bình Nhưỡng tối thứ Hai 08/10, phái đoàn Trung Quốc đã tham gia các trận đấu giao hữu dựa theo mô hình các trận thi đấu giữa các đội tuyển chung Nam-Bắc Triều Tiên hồi mùa hè này.

Trong phiên bản Triều Tiên, các đội tuyển đã được đặt tên là « Hòa Bình » và « Thịnh Vượng ». Còn trong phiên bản Trung Quốc – Bắc Triều Tiên hôm thứ Ba 09/10 ở Bình Nhưỡng đó là những đội « Hợp Nhất » và « Tình Bạn ». Thắng lợi nghiêng về đội Hợp Nhất với tỷ số 107-106.

Chuyến thăm hữu nghị này trùng khớp với dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập đảng Lao Động Triều Tiên. Chuyến viếng thăm diễn ra ngay đúng sau chuyến công du Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Chính quyền Bắc Kinh có ý định thắt chặt lại quan hệ với đồng minh. Như vậy, rất có thể lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Bắc Triều Tiên như khẳng đinh của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hồi đầu tuần này. Một cách để nhắc nhở Washington về vai trò của Trung Quốc trên bán đảo. »

Toyosu : Chợ cá mới của Tokyo, thương nhân lo âu

Sau 83 năm tồn tại, chợ cá đầu mối lớn nhất thế giới – Tsukiji, ngự trị ngay giữa lòng thủ đô Nhật Bản, nay phải di dời về Toyosu, một địa điểm mới cực kỳ hiện đại, nằm ở phía nam vịnh Tokyo.

Việc di dời chợ cá Tsukiji về Toyosu đã được hoạch định từ nhiều thập niên qua. Chính quyền cho rằng khu chợ này đã quá cũ nát, dơ bẩn, có hại cho sức khỏe. Chợ Tsukiji với những gian hàng lợp mái tôn bốn bề gió thổi không còn đáp ứng các chuẩn mực chống đỡ động đất mới nhất.

Thế nhưng, chính sự phản đối mạnh mẽ của các nhà bán sỉ, các tiểu thương và các chủ nhà hàng rất gắn bó với Tsukiji từ lâu nay luôn cản trở việc di dời. Kế hoạch này đã không biết bao lần bị hoãn vì những lý do an toàn vệ sinh tại điểm mới Toyosu, nơi trước đây là xưởng sản xuất khí ga.

Quả thật, đã từng có nhiều lo ngại về vấn đề ô nhiễm lớp đất ngầm. Năm 2016, thị trưởng Tokyo, bà Yuriko Koike đã ra lệnh thực hiện các kiểm tra bổ sung và đầu năm nay, bà tuyên bố là Toyosu, khu chợ cá mới không còn vấn đề về an toàn vệ sinh nữa.

Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo, tuyên bố này của bà thị trưởng đã không xóa tan được nỗi ngờ vực của các thương nhân về khu chợ mới này.

« Vào tháng 12/2017, tòa thị chính Tokyo cho biết là chất benzen vẫn còn hiện diện với một tỷ lệ cao gấp 130 lần với mức cho phép, trong những điểm thanh tra ở Toyosu. Tất cả những gì một quan chức tòa thị chính có thể nói được đó là sự nhiễm độc này không có trầm trọng thêm.

Những gì cần phải kiểm soát chính là sự tiến triển của các mẫu nước ngầm để biết xem mức độ ô nhiễm có tăng lên, giảm xuống hay giữ nguyên. Nền đất nhiễm độc đã được đổ bê-tông. Và điểm này cũng không được dự tính đến việc dùng nước ngầm ở đây cho các hoạt động của chợ.

Thế nhưng, tòa thị chính Tokyo thường xuyên đo lường nồng độ chất benzen và arsenic ở đây. Chất lượng không khí trên bề mặt không gây ra vấn đề gì. »

Đợt di dời chợ cá từ Tsukiji về Toyosu được xem như là một sự kiện lớn chưa từng có do tầm mức to lớn của khu chợ này.

« Trong năm ngày cuối cùng, khoảng 900 doanh nghiệp đã rời Tsukiji để lập cơ sở ở Toyosu. Trên các sạp hàng, 480 loại cá, 270 loại trái cây và rau củ, tổng cộng 3.000 tấn hàng hóa được bán ra mỗi ngày. Doanh thu mỗi ngày là 15 triệu đô la. Khu chợ mới sẽ không mở cho công chúng. Du khách sẽ không thể được thấy các cuộc bán đấu giá cá ngừ ngay từ sáng sớm. Họ chỉ được xem một phần chợ từ một chiếc cầu nhỏ. Còn khu chợ cũ Tsukiji có thể hồi sinh dưới dạng một khu vui chơi giải trí mang chủ đề ẩm thực. »

Nobel Văn học bị cạnh tranh vì tai tiếng tình dục

Nobel Văn học năm nay mang một mầu không khí u buồn do những tai tiếng tình dục và buộc phải tạm hoãn chương trình trao giải. Trong tình cảnh này, một giải thưởng văn học mới đã được hình thành. Ngày 12/10/2018, giải Hàn Lâm Mới, tên chính thức của giải năm nay đã bầu chọn Maryse Condé, nữ văn sĩ người Pháp gốc đảo Guadeloupe để trao giải thưởng văn học.

Vậy giải Hàn Lâm Mới này là gì ? Cách thức vận hành ra sao ? Từ Stockholm, thông tín viên Frédéric Faux giải thích :

« Liệu giải Hàn Lâm Mới này có tham vọng cạnh tranh với Nobel Văn học hay không ? Nhóm các nhà trí thức Thụy Điển, những người đã thành lập giải thưởng mới này khẳng định là không. Họ giải thích rằng đây chỉ là một giải thưởng tạm thời, chỉ riêng cho năm 2018.

Không giống như giải Nobel, được một ủy ban nhỏ gồm nhiều viện sĩ Thụy Điển trao giải, các nhà trí thức này lưu ý là giải mới được trao một cách rộng mở hơn.

Đầu tiên hết, các thủ thư ở Thụy Điển phải lập một danh sách các tác giả để cho 32.000 độc giả trên toàn thế giới có thể bầu chọn qua mạng Internet. Do vậy, chẳng liên quan gì đến cách xem xét trao giải của viện hàn lâm Thụy Điển, mà theo các học giả này, đang bị gậm nhấm bởi ʺcác đặc quyền, xung đột lợi ích và phân biệt giới tínhʺ.

Tuy nhiên, cũng giống như giải Nobel, ở đây họ cũng có thiện ý vinh danh tác giả hay nhất trong giới văn học thế giới mà việc chọn ba người chung cuộc là một minh chứng. Trong số này, có nữ văn sĩ người Việt Nam di cư sang Canada Kim Thuy, nhà văn người Anh Neil Gaiman và nhà văn nữ người Pháp Maryse Condé ».

Jacques Brel : Tiếng hát vẫn còn vang mãi

« Madeleine », « Rosa », « Ne me quitte pas »… hẳn những ai yêu thích nhạc Pháp của những năm 1960-1970 chắc sẽ không quên được những bài hát bất hủ của Jacques Brel. Ngày 09/10/2018 đúng 40 năm ngày ông vĩnh biệt trần gian cùng với chứng bệnh ung thư hiểm nghèo.

Người ta nói rằng « chết là hết ». Nhưng với Jacques Brel thì ngược lại. Sự ra đi của ông cũng không đồng nghĩa với sự quên lãng. Jacques Brel vẫn là một trong những nhạc sĩ – ca sĩ quan trọng trong dòng nhạc Pháp ngữ. Tại Pháp, nhiều bản nhạc của ông vẫn được giảng dạy ở học đường.

Thế nhưng, chính tại Bỉ mới là nơi ông để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Trong một cuộc bầu chọn nhân vật nổi tiếng nhất thế kỷ XX ở Bỉ, cộng đồng Pháp ngữ đã đề cử Jacques Brel. Hơn bao giờ hết, kỷ niệm về ông vẫn còn sống mãi. Cũng nhân dịp này, hai đoạn phim thu lại một cuộc biểu diễn solo năm 1963, mười lăm năm trước khi ông mất và buổi trình diễn chia tay năm 1966 tại Paris, đã được khôi phục và công chiếu tại 170 rạp chiếu bóng tại Bỉ, Pháp và Thụy Sĩ.

Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles lưu ý rằng không phải bệnh tật đã gạt ông ra khỏi ánh đèn sân khấu :

« Jacques Brel còn nổi tiếng với những câu nói bất hủ và nhiều câu nói vẫn còn nổi tiếng đến bây giờ. Chẳng hạn như ʺKhi không còn gì để nói thì nên im lặngʺ. Kẻ nổi tiếng hay tự nhạo mình, sinh năm 1929 tại xã Schaerbeek ở Bruxelles, chưa bao giờ im lặng sau năm 1966 bởi vì khi ấy ông tập trung vào sự nghiệp điện ảnh.

Người ta có thể thấy một Jacques Brel trong Mon oncle Benjamin, L’emmerdeur, hay L’Aventure c’est l’aventure. Rồi còn có cả Jacques Brel trong Franz và Far West, hai bộ phim do chính ông thực hiện, nhưng lại không thành công.

Nhưng cho dù ông có từ giã sân khấu đi chăng nữa, ông vẫn luôn cất cao tiếng hát và một số tuyển tập của giai đoạn muộn màng này vẫn lưu giữ nhiều bản tình ca hợp tuyển chẳng hạn như bài ʺVesoulʺ chưa bao giờ được trình làng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.