Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Seoul khó có thể đơn phương giảm nhẹ trừng phạt Bình Nhưỡng

Ngày 10/10/2018, ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung-Wha, cho biết Seoul đang xem xét khả năng dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận nhắm vào Bắc Triều Tiên, do Hàn Quốc đưa ra năm 2010 sau vụ tuần dương hạm Cheonan bị đánh đắm làm 46 thủy thủ tử vong.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (P) trong cuộc gặp ngày 7/10/2018 tại Seoul.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (P) trong cuộc gặp ngày 7/10/2018 tại Seoul. REUTERS/Kim Hong-Ji/Pool
Quảng cáo

Theo giới chuyên gia, quyết định đơn phương này của Hàn Quốc khó thực hiện bởi vì điều này có thể phá hỏng kế hoạch giải trừ hạt nhân của tổng thống Mỹ Donald Trump, tác động tiêu cực lên mối liên minh truyền thống Mỹ - Hàn.

Seoul cho rằng việc dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt là nhằm khuyến khích Bình Nhưỡng ngưng các chương trình phát triển hạt nhân. Thế nhưng, do có sự phản đối mạnh mẽ và thẳng thừng từ phía tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như từ phe đối lập bảo thủ tại Quốc Hội Hàn Quốc, ngoại trưởng Kang Kyung-Wha buộc phải trấn an là chưa có kế hoạch ở cấp chính phủ trong việc giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên, nhưng bà vẫn lưu ý rằng nhiều biện pháp trừng phạt của Seoul chồng lấn với các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Do vậy, việc hủy bỏ một phần lệnh cấm vận chỉ là một cử chỉ có tính chất biểu tượng.

Theo quan điểm của trang mạng thông tin Vox của Mỹ, nếu như Seoul vẫn quyết tâm thực hiện ý định giảm nhẹ trừng phạt Bình Nhưỡng, điều đó có nguy cơ làm tổn hại đến mối liên minh Mỹ - Hàn vì hai lý do.

Thứ nhất, đó sẽ là một sự đoạn tuyệt quan trọng trong cách thức Hoa Kỳ và Hàn Quốc tiếp cận hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Đối với Mỹ, việc siết chặt tài chính là một phần trong chiến dịch gây « áp lực tối đa » sao cho Bắc Triều Tiên không còn cách nào khác là phải từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân.

Thứ hai, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đó thể hiện rõ sự bất đồng, có nguy cơ làm tan vỡ mối quan hệ Washington – Seoul. Một trong những mục tiêu lớn nhất của Bắc Triều Tiên là làm suy yếu mối liên kết Mỹ - Hàn. Nếu cả hai nước không thành lập được một mặt trận chung, căng thẳng chính trị có thể xảy ra, và Hoa Kỳ có thể xem Hàn Quốc như là một đối tác không đáng tin cậy.

Còn tại Hàn Quốc, chính phủ tổng thống Moon Jae In cũng phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của phe bảo thủ, buộc bà ngoại trưởng phải « bổ sung » rằng lệnh cấm vận chỉ được dỡ bỏ khi nào Bắc Triều Tiên có lời xin lỗi về vụ tấn công tuần dương hạm Cheonan.

Dường như vẫn lo ngại chính quyền tổng thống Moon Jae In sẽ qua mặt, tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 10/11/2018, nói thẳng thừng, không vòng vo, ngoại giao gì cả : « Hàn Quốc sẽ không làm điều đó nếu không có sự chấp thuận của Hoa Kỳ. Họ không làm gì cả nếu không được Mỹ thông qua ».

Dẫu sao thì vụ việc này làm lộ rõ dấu hiện rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Hàn. Ngoại trưởng Hàn Quốc tại Nghị Viện cho biết, đồng nhiệm Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo, lấy làm quan ngại về thỏa ước quân sự giữa Seoul với Bình Nhưỡng được ký kết hồi tháng 9/2018. Một lời thừa nhận hiếm hoi, ít nhiều cho thấy có sự sứt mẻ trong mối quan hệ giữa Washington và Seoul.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.