Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Liên Triều: Seoul loan báo gỡ mìn ở biên giới

Hai nước Nam Bắc Hàn « bắt đầu » chiến dịch gỡ mìn ở một khu biên giới chung, thực thi một thỏa thuận hồi tháng 09 nhân thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba. Đây là thêm một dấu hiệu cụ thể phản ảnh không khí hoà dịu giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Khách tham quan công viên Hòa Bình Imjingak gần vùng phi quân sự (DMZ) phân chia hai nước Triều Tiên tại thành phố biên giới Paju, ngày 01/01/2018.
Khách tham quan công viên Hòa Bình Imjingak gần vùng phi quân sự (DMZ) phân chia hai nước Triều Tiên tại thành phố biên giới Paju, ngày 01/01/2018. JUNG Yeon-Je / AFP
Quảng cáo

Theo bộ quốc phòng Hàn Quốc, hai miền nam bắc cùng tiến hành chiến dịch tháo gỡ mìn bẫy chung quanh ngôi làng Bàn Môn Điếm còn được gọi là « Vùng An Ninh Chung », trong vòng 20 ngày bắt đầu từ thứ hai 01 tháng 10. Tuy nhiên, theo AFP, Bắc Triều Tiên không xác nhận tin này.

Theo thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul, ngoài lý do tạo điều kiện tin cậy lẫn nhau, chiến dịch gỡ mìn còn cho phép Hàn Quốc tìm kiếm hài cốt của khỏang 300 binh sĩ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên. Đây cũng là một trong những biện pháp giảm vũ trang ở vùng giới tuyến. Các biện pháp cụ thể sẽ được thảo luận trong nay mai giữa bộ tham mưu ba quân đội Mỹ- Hàn-Triều.

Một dấu hiệu hoà hoãn khác được ghi nhận tại Seoul là trước Toà đô chính có treo một bức ảnh lớn của lãnh đạo hai nước Moon Jae In và Kim Jong Un.

Trong khi đó, nhân kỷ niệm 70 năm ngày quân lực Hàn Quốc, có lẽ để trấn an công luận, tổng thống Moon Jae In tuyên bố là cần « duy trì một quân đội hùng mạnh và một liên minh vững chắc với Mỹ » mà ông gọi là « nền tảng của hoà bình và thịnh vượng ».

Theo tổng thống Hàn Quốc, Seoul đã « chọn con đường đi đến hoà bình nhưng đầy bất trắc. Con đường chưa ai đi nên không thể tiên liệu được những khó khăn », do vậy, cần một quân đội hùng mạnh « đủ khả năng chống lại bất cứ đe dọa nào, hiện tại và tương lai ».

Trong quan hệ với đồng minh, theo Yonhap, Seoul và Washington vẫn còn bất đồng trên đề nghị của Mỹ muốn Hàn Quốc « chia sẻ gánh nặng chi phí hành quân ». Cụ thể là Hàn Quốc phải chi trả những tốn kém khi Hoa Kỳ triển khai vũ khí chiến lược như hàng không mẫu hạm, pháo đài bay và tàu ngầm hạt nhân. Một viên chức bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết hai nước vẫn còn thương lượng trên thời hiệu, số tiền và tỷ lệ tăng giá mỗi năm…

Đối với Nhật Bản, nhân buổi lễ kỷ niệm 20 năm bản tuyên bố hoà giải lịch sử Nhật-Hàn giữa tổng thống Kim Dae Jung và thủ tướng Keizo Obuchi, ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha kêu gọi hai nước cùng nỗ lực xây dựng quan hệ nhìn về tương lai đặt trên nền tảng tôn trọng lịch sử chung.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.