Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Liên Triều : Dùng kinh tế để phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, bài toán không dễ

Đăng ngày:

Hàn Quốc dùng lá bài kinh tế dỗ ngọt Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, vãn hồi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, để tìm một làn gió mới cho đà phát triển của nền kinh tế thứ tư châu Á và kháng cự trước sự bành trướng công nghiệp của Bắc Kinh.

Phái đoàn Hàn Quốc thăm một trường đào tạo giáo viên ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 20/09/2018.
Phái đoàn Hàn Quốc thăm một trường đào tạo giáo viên ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 20/09/2018. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Từ sau thượng đỉnh Hàn Quốc – Bắc Triều Tiên lần thứ nhất tại Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018 và nhất là sau cuộc hội ngộ lịch sử với tổng thống Mỹ tại Singapore hồi tháng 6/2018, hình ảnh chính thức của lãnh tụ Kim Jong Un được báo chí Bình Nhưỡng loan tải cho thấy ông đi thăm các nông trại, các nhà máy, thay vì đến thị sát các cơ sở hạt nhân. Đảng Lao Động Triều Tiên nhân đại hội vào mùa xuân năm nay đưa khẩu hiệu "dốc toàn lực để phát triển kinh tế".

Tại Seoul, ngày 15/08/2018 nhân kỷ niệm 83 năm giải phóng đất nước, tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae In kêu gọi : "Cùng nhau xây dựng hòa bình và thúc đẩy con tàu kinh tế để ngăn ngừa chiến tranh". Seoul tăng 14 % ngân sách cho các hoạt động hợp tác Liên Triều trong tài khóa 2019.

Trong chuyến công du Bình Nhưỡng từ ngày 18 đến 20/09/2018, tổng thống Moon Jae In mời một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân Hàn Quốc tháp tùng, trong đó có các đại diện của Hyundai. Ông Chung Ju Yung - sáng lập viên tập đoàn xe hơi Hyundai sinh quán tại miền Bắc - sinh thờiđã đóng góp rất nhiều cho chính sách Vầng Thái Dương dưới thời tổng thống Kim Dae Jung cuối thập niên 1990. Cách nay 11 năm, lãnh đạo những tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc như SK (năng lượng và viễn thông), LG hay Hyundai từng cùng tổng thống Roh Moo Hyun đến Bắc Triều Tiên, và đã được cố lãnh tụ Kim Jong Il tận tình đón tiếp.

Những hậu ý của Seoul

Lần này, phó thủ tướng Bắc Triều Tiên, Ri Yong Nam, tiếp các doanh nhân Hàn Quốc và các bên đã không bỏ lỡ cơ hội để chứng minh rằng, Nam hay Bắc, thì người dân Triều Tiên "vẫn là một dân tộc".

Tất cả những nỗ lực của Hàn Quốc hướng về nước láng giềng anh em phương bắc theo đuổi nhiều mục tiêu. Chặng đầu tiên hết là nhằm làm sống lại các hoạt động kinh tế tại khu công nghiệp Kaesong đã bị đình chỉ từ 2016. Khu công nghiệp Kaesong nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên nhưng vốn là của Hàn Quốc. Ngoài ra, Seoul còn muốn khởi động lại các chương trình du lịch trong khu vực núi Kim Cương đã bị gián đoạn từ 2008.

Mục tiêu kế tiếp của tổng thống Moon Jae In là xây dựng hòa bình với nước láng giềng phương bắc trên cơ sở thịnh vượng chung, một khi quốc tế xóa bỏ lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.

Hậu ý thứ ba là Seoul đang trông thấy tiềm năng của thị trường Bắc Triều Tiên sau này và cuối cùng Seoul muốn giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược.

Thế nhưng bài toán của tổng thống Moon Jae In không đơn giản, bởi một phần chìa khóa của thành công hay thất bại nằm ở Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và Washington.

Bắc Triều Tiên cần những gì ?

Vào lúc các nhà quan sát đều không còn nghi ngờ gì nữa về thiện chí của chế độ Kim Jong Un giành ưu tiên cho phát triển kinh tế, chuyên gia về Triều Tiên, Jean-Raphaël Chaponnière, cựu tham tán kinh tế của sứ quán Pháp tại Seoul trong nhiều năm, một trong những cột trụ của báo mạng Asialyst trả lời đài RFI Việt ngữ, nêu bật : ưu tiên số 1 của Bắc Triều Tiên giờ đây là phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng trong kế hoạch phát triển của Bình Nhưỡng, Seoul chỉ là một đối tác bên cạnh Bắc Kinh.

RFI :Kim Jong Un chính thức tuyên bố ưu tiên của chính quyền Bắc Triều Tiên giờ đây là nhằm phát triển kinh tế, ông đánh giá thế nào về bước ngoặt trong chính sách của Bình Nhưỡng hiện nay ?

Jean-Raphaël Chaponnière : Cần phân biệt những thông báo chính thức, những điều mà các nhà quan sát tận mắt trông thấy với các biện pháp đo lường thể hiện qua các con số thống kê. Về thông báo chính thức, thì rõ ràng là ông Kim Jong Un đang mở ra một con đường mới, mà ở đó hai vế kinh tế và quốc phòng đi song song với nhau. Điều này hoàn toàn khác hẳn so với thân phụ của ông trước đây. Xưa kia Kim Jong Il chỉ tập trung vào việc phát triển quân sự. Tháng Giêng 2018 Bình Nhưỡng thông báo đã đạt được mục tiêu quân sự, và giờ đây dành ưu tiên để phát triển kinh tế. Đây là một tuyên bố hết sức mạnh mẽ.

RFI : Về phía các nhà quan sát ít nhiều có dịp lui tới Bắc Triều Tiên thì họ đã ghi nhận những thay đổi nào tại quốc gia còn khép kín này không thưa ông ?

Jean-Raphaël Chaponnière : Yếu tố đầu tiên cần nhấn mạnh là tất cả mọi người đều nhận thấy có những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực, từ ở các công trường xây dựng cho các khu nhà ở. Nhiều tòa nhà cao tầng đã mọc lên ở thủ đô Bình Nhưỡng và tại các thành phố lớn. Số người sử dụng điện thoại cầm tay đã tăng lên hẳn trong một vài năm nay. Cùng lúc, cả một tầng lớp trung lưu, khá giả hơn đang nổi lên ở Bắc Triều Tiên và kèm theo đó là những bất bình đẳng trong xã hội. Cách biệt giàu nghèo lộ rõ hơn, đặc biệt là tại các thành phố.

Còn ở miền quê, thì phần lớn người dân vẫn ăn bắp thay cơm, vì bắp rẻ hơn gạo. Hiện tượng này vẫn tồn tại. Dân Bắc Triều Tiên vẫn không đủ ăn.

RFI : Về mức thang đo lường, thì phải nói là những thông tin liên quan đến toàn cảnh kinh tế Bắc Triều Tiên thuộc phạm trù "bí mật quốc gia", tuy nhiên các thống kê từ Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc hay Ngân Hàng Thế Giới đều cho thấy rằng, tăng trưởng tại Bắc Triều Tiên năm 2017 đã giảm mạnh một khi Trung Quốc, đồng minh thân thiết của Bắc Triều Tiên, áp dụng nghiêm ngặt lệnh cấm vận quốc tế. Giới phân tích thường xem đây là một phần động lực khiến Bình Nhưỡng đổi chiến lược và dồn nỗ lực vào phát triển kinh tế. Vậy thưa chuyên gia Chaponnière, cụ thể hơn, Bắc Triều Tiên cần những gì và theo ông, Hàn Quốc có thể đáp ứng được tới đâu ?

Jean-Raphaël Chaponnière : Ưu tiên của Bắc Triều Tiên khá đơn giản. Đó là cần phát triển cơ sở hạ tầng, tại một quốc gia mà tuyến đường xe lửa tối tân nhất, chạy với vận tốc là 40 cây số/giờ. Các trục lộ giao thông, các bến cảng, hệ thống phân phối điện, nước ... tất cả đều cần được đổi mới, cần được mở mang. Nhân thượng đỉnh Liên Triều đầu tiên hồi tháng 4/2018 tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae In có đưa cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên một ổ khóa USB với kế hoạch giúp nước láng giềng phương bắc tái thiết kinh tế.

Nhu cầu thứ nhì của Bắc Triều Tiên là nâng cấp mạng lưới công nghiệp. Đừng quên rằng Bắc Triều Tiên là một quốc gia công nghiệp, cho dù là trình độ phát triển thì ở cấp tồi tệ nhất: các nhà máy hoàn toàn lỗi thời với những phương tiện sản xuất nghèo nàn. Dù vậy Bắc Triều Tiên tự sản xuất đầu máy xe lửa, tuabin chế tạo được máy móc. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên làm chủ công nghệ tên lửa và có vũ khí nguyên tử trong tay. Quân đội nước này tuyển dụng hàng ngàn tin tặc ... Đúng là Bắc Triều Tiên nghèo và chậm tiến nhưng nói một cách ví von, về mặt công nghiệp, Bắc Triều Tiên không là một "vùng đất sa mạc". Có điều, tất cả những nỗ lực của chế độ, cho đến nay, đều hướng vào công nghệ quốc phòng, vào các trang thiết bị quân sự. Tôi tin là với những nền tảng công nghiệp có sẵn, Bắc Triều Tiên sẽ không mất quá nhiều thời gian để phát triển, để mở rộng mạng lưới sản xuất đến những lĩnh vực khác. Chắc chắn là trên con đường phát triển đó, Bình Nhưỡng cần được Seoul hỗ trợ.

RFI : Nói như vậy Hàn Quốc có tất cả những lá chủ bài trong tay để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, đổi lấy thịnh vượng kinh tế ?

Jean-Raphaël Chaponnière : Từ khi Bắc Triều Tiên mở cửa, cách nay đã một vài năm, Trung Quốc hưởng lợi hơn hết. Đành rằng Bắc Triều Tiên chỉ là một thị trường rất nhỏ nhưng lại có tiềm năng khá cao. Dù vậy, trở ngại đầu tiên để quốc gia này phát triển vẫn là tiến trình hòa bình. Nếu như vượt được thử thách này thì tất cả các bên đều sẽ gặt hái được những thành quả kinh tế. Đi sâu vào chi tiết, tôi xin lưu ý trên hai điểm. Thứ nhất, Bắc Triều Tiên có dân số chỉ bằng phân nửa so với Hàn Quốc, nhưng dân số của miền Bắc tương đối trẻ hơn so với ở phía nam vĩ tuyến 38. Chỉ hai năm nữa thôi, dân số Hàn Quốc trong tuổi lao động bắt đầu giảm và hiện tượng dân số già đi ở Hàn Quốc nghiêm trọng hơn cả so với Nhật Bản hay Trung Quốc. Thành thử Hàn Quốc cần có nguồn nhân lực mới mà rất có thể là từ Bắc Triều Tiên đổ sang. Lợi thế thứ hai của Bắc Triều Tiên là quặng mỏ. Trên hai điểm này Bắc Triều Tiên có thể bổ sung cho guồng máy sản xuất của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, tôi không tin là Seoul sẽ một mình một chợ, bởi vì sát cạnh với Bình Nhưỡng còn phải kể tới Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ lôi kéo Bắc Triều Tiên vào vòng ảnh hưởng của mình, cả về mặt kinh tế, lẫn địa chính trị. Kim Jong Un thì cũng chẳng dại bỏ hết trứng vào một giỏ. Trong quá khứ Bình Nhưỡng đã tận dụng kẽ hở giữa Liên Xô với Trung Quốc để hưởng lợi, giờ đây tôi nghĩ là về mặt kinh tế, Bắc Triều Tiên sẽ đặt cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc trong thế cạnh tranh với nhau.

RFI : Xin cảm ơn ông Jean-Raphaël Chaponnière.

Tháng 06/2000, tập đoàn Samsung thông báo sớm tung ra thị trường những chiếc tivi sản xuất từ Bắc Triều Tiên. 18 năm sau, kế hoạch hoạch đó vẫn chưa thành. Nhiều dự án hợp tác khác giữa Samsung và Bắc Triều Tiên bị chết yểu vì quan hệ sóng gió giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Kinh nghiệm này khiến nhiều tập đoàn Hàn Quốc thận trọng. Ở Bình Nhưỡng, Kim Jong Un vẫn có thể đổi ý.

Chưa kể là chiến lược của Seoul dùng chiêu bài kinh tế mua chuộc hòa bình còn tùy thuộc vào cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Đành rằng Bắc Kinh muốn bán đảo Triều Tiên được ổn định, muốn tên lửa và bom nguyên tử của Bình Nhưỡng không còn là một mối đe dọa tiềm tàng. Nhưng trong quá khứ, khi cần, Bắc Triều Tiên từng là một lá chủ bài để Bắc Kinh đối thoại với Washington. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đi về đâu, nếu ông Tập Cận Bình đổi ý?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.