Vào nội dung chính
HẠT NHÂN - ĐÔNG BẮC Á

Thượng đỉnh Moon-Kim lần 3 giúp gì cho phi hạt nhân hóa ?

Đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đang bế tắc. Thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba, được tổ chức tại Bình Nhưỡng, khởi sự từ ngày mai 18/09/2018, mang lại nhiều hy vọng sẽ thúc đẩy tiến trình, vốn đã được khai mào đặc biệt với thượng đỉnh Mỹ -Bắc Triều Tiên. Theo một số nhà quan sát, đây là một cơ hội hiếm có để Seoul và Bình Nhưỡng làm rõ quan điểm, thu hẹp bất đồng, có sáng kiến đột phá tạo niềm tin, làm bàn đạp cho giai đoạn tiếp theo.

Nhiều hy vọng đặt vào thượng đỉnh Moon-Kim lần ba. Trong ảnh, tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bắc Triều Tiên trò chuyện tại làng Bàn Môn Điếm, vùng phi quân sự giữa hai miền, ngày 27/04/2018.
Nhiều hy vọng đặt vào thượng đỉnh Moon-Kim lần ba. Trong ảnh, tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bắc Triều Tiên trò chuyện tại làng Bàn Môn Điếm, vùng phi quân sự giữa hai miền, ngày 27/04/2018. Korea Summit Press Pool/Pool via Reuters
Quảng cáo

Trang mạng The Diplomat chuyên về thời sự châu Á giới thiệu bài « Cần chú ý điều gì trong thượng đỉnh Liên Triều » (1) của Charles Knight. Chuyên gia Viện Nghiên Cứu Hòa Bình và An Ninh Quốc Tế nhấn mạnh trước hết đến quan điểm rất khác biệt giữa các bên trong vấn đề « phi hạt nhân hóa » cho đến nay, cụ thể là giữa Hoa Kỳ một bên, và bên kia là Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

"Giải trừ" trước hay "hòa bình" trước ?

Theo Charles Knight, đối với Seoul và Bình Nhưỡng, để tiến đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thì điều kiện căn bản là « có được các tiến bộ trong tiến trình hòa bình và thịnh vương chung của hai miền Nam Bắc Triều Tiên ». Giám đốc an ninh quốc gia Hàn Quốc, ông Chung Eui Yong, trong một cuộc họp báo sau chuyến công du Bắc Triều Tiên, ngày 5/9, thông báo các thảo luận giữa hai bên trong ba ngày làm việc tại Bình Nhưỡng, sẽ tập trung vào hai vấn đề tiến trình hòa bình và thịnh vượng chung (2), đúng theo tuyên bố của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, trong bài diễn văn mới đây, nhấn mạnh là « quan hệ Liên Triều tiến triển là động lực » cho phi hạt nhân hóa.

Về vấn đề này, Hoa Kỳ có quan điểm trái ngược. Đó là việc « giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược » mới là điều kiện cho hòa bình và thịnh vượng của Bắc Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Hòa Bình và An Ninh Quốc Tế Cambrige nhấn mạnh là, cho đến nay, cho dù khác biệt rất lớn về quan điểm như vậy, ba bên « trong các tuyên bố công khai đều tỏ ra chừng mực, và thậm chí còn phủ nhận các bất đồng quan trọng này ».

Định nghĩa rõ về "phi hạt nhân hóa"

Do không tìm được thỏa hiệp, bế tắc trong đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã dâng lên đỉnh điểm với việc chuyến công du Bình Nhưỡng, dự kiến hồi tháng trước, của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bị hủy bỏ. Tuy nhiên, việc Seoul và Bình Nhưỡng quyết định tổ chức thượng đỉnh lần thứ ba, đã phần nào giúp cho quan hệ Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên không đi vào ngõ cụt (xem thêm : Trump hưởng ứng thượng đỉnh lần hai với Kim). Theo giám đốc an ninh Hàn Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên tái khẳng định mục tiêu « phi hạt nhân hóa toàn toàn » và quyết tâm sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ không chỉ với Hàn Quốc, mà cả với Hoa Kỳ trong vấn đề này.

Chủ đề phi hạt nhân hóa như vậy lại trở thành thách thức số một mà thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba cần phải hóa giải (3). Theo nhà nghiên cứu Charles Knight, để đàm phán không rơi vào ngõ cụt như trước, Seoul và Bình Nhưỡng cần phải đưa ra các đề xuất và ý tưởng, nhằm vượt qua tình trạng thuật ngữ « phi hạt nhân hóa », hiện đang được mỗi bên hiểu một cách. Điều đó có nghĩa là cần điều chỉnh lại bản Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa Liên Triều năm 1992.

"Danh sách tượng trưng", cắt giảm vũ khí…

Bên cạnh đó, một điều quan trọng khác mà nhà nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Hòa Bình và An Ninh Quốc Tế Cambrige nhấn mạnh, là cần phải xác định các biện pháp mang tính trung gian nhằm từng bước gây dựng lòng tin giữa các bên, hơn là đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải khởi sự ngay lập tức tiến trình tiêu hủy hệ thống vũ khí hạt nhân, như quan điểm của Washington cho đến nay. Ông Charles Knight lưu ý là đòi hỏi cung cấp một lịch trình tiêu hủy, số lượng vũ khí, địa điểm cất giữ phương tiện, sản xuất nhiên liệu…, là điều quá sớm trong giai đoạn hiện nay, bởi điều đơn giản là không có một quốc gia nào sở hữu vũ khí này lại sẵn sàng đơn phương cung cấp cho « kẻ thù » các thông tin như vậy, để sau đó, các thông tin ấy có thể được sử dụng cho mục tiêu khác.

Một khả năng thực tế hơn, là Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra một danh sách « mang tính tượng trưng » nhiều hơn, về những gì mà họ cho rằng phía Mỹ cũng đã nắm được...

Một điều có ý nghĩa tích cực rất đáng kể khác, mà hai miền có thể làm được trong thượng đỉnh lần thứ ba này, theo thông báo của giám đốc an ninh Hàn Quốc, được Charles Knight dẫn lại, đó là Seoul và Bình Nhưỡng lập ra một lộ trình « giảm căng thẳng về quân sự và thiết lập các kế hoạch cụ thể nhằm gây dựng lòng tin ». Cụ thể là hai bên cần giảm mạnh số lượng vũ khí quy ước và các đơn vị quân đội trên toàn bán đảo Triều Tiên, trước hết là hàng ngàn trọng pháo và hỏa tiễn của mỗi bên, đang hàng ngày, hàng giờ, sẵn sàng nhả đạn. Việc triệt thoái quân sự này phải được hai bên thực hiện từng bước một, và được kiểm chứng. Đây là một phần căn bản và rất khó khăn trong tiến trình hòa bình, đòi hỏi thời gian và sự kiên định.

Tuyên bố chấm dứt chiến tranh : Mỹ, Hàn mỗi bên một khác

Một điều rất quan trọng khác về mặt biểu tượng và cả về mặt thực tế, được chuyên gia Charles Knight lưu ý là, với thượng đỉnh Moon-Kim lần thứ ba, Seoul và Bình Nhưỡng có thể ra tuyên bố chung chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (mà về mặt nguyên tắc, mới chỉ bị đình chỉ hồi 1953). Một tuyên bố chấm dứt chiến tranh hai miền như vậy sẽ thúc đẩy chính quyền Trump thương thuyết một thỏa thuận hòa bình giữa Washington với chế độ Bình Nhưỡng. Theo ông Morton Halperinn, chuyên gia về chính trị quốc tế và kiểm soát vũ khí, để tỏ thiện chí thúc đẩy đàm phán, trong giai đoạn hiện tại, Bắc Triều Tiên có thể tuyên bố đơn phương ngừng làm giàu nhiên liệu hạt nhân. Đây là một cử chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn, bởi trên thực tế, cũng giống như việc tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân, biện pháp này không ảnh hưởng gì đến hệ thống vũ khí nguyên tử mà Bắc Triều Tiên hiện có.

Riêng về viễn cảnh Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên ký thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, theo đòi hỏi của Bình Nhưỡng như một điều kiện tiên quyết cho việc phi hạt nhân hóa, báo The National Interest (4) có bài phân tích cảnh báo là không thể coi đây là tiền đề cho các bước thương lượng tiếp theo (5). Bởi lẽ một trong các lý do chính là khi hiệp định này được ký kết, thì Bộ Chỉ Huy các Lực Lượng Vũ Trang của Liên Hiệp Quốc (United Nations Command – UNC), đồn trú tại Hàn Quốc để bảo vệ miền Nam, trước các đe dọa từ phía bắc, sẽ hết sứ mạng (6). Và một khi đã bị giải tán, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ không thể tái lập cơ chế này để bảo vệ Seoul, nếu Bình Nhưỡng thay đổi thái độ, bởi trong hoàn cảnh hiện tại, Hội Đồng Bảo An – với quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc - chắc chắn sẽ không phê chuẩn cho việc triển khai một lực lượng như vậy tại Hàn Quốc.

Ghi chú

1. « What to Look For in the Pyongyang Inter-Korean Summit », 14/09/2018.

2. Bài « Achieving Peace on the Korean Peninsula », mạng The Diplomat, 13/09/2018.

3. « Thượng đỉnh Mỹ-Triều : Thế nào là thành công đối với Hoa Kỳ ? », RFI, 12/06/2018.

4. «Ending the Korean War Is Much More Than a Symbolic Concession », The National Interest, 11/09/2018. Xem thêm « Triều Tiên: Chuyên gia Mỹ đề nghị tách hòa bình ra khỏi hồ sơ hạt nhân », RFI ngày 16/09/2018.

5. « Bình Nhưỡng gây sức ép với Mỹ để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên », RFI, 23/8/2018.

6. Kể từ năm 1978, nhiệm vụ được chuyển sang cho Bộ Tư Lệnh Liên Hợp Mỹ - Hàn (Combined Forces Command - CFC) phụ trách.

    Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

    Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

    Chia sẻ :
    Không tìm thấy trang

    Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.