Triều Tiên: Chuyên gia Mỹ đề nghị tách hòa bình ra khỏi hồ sơ hạt nhân
Vào lúc Washington chủ trương gắn liền việc ký kết hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên với việc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, trong bài phỏng vấn dành cho hãng tin Pháp AFP hôm nay, 16/09/2018, một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Bắc Triều Tiên cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump nên tách biệt hai vấn đề này trong các cuộc đàm phán.
Đăng ngày:
Theo ông Victor Cha, người từng được tổng thống Mỹ chọn làm đại sứ mới tại Seoul vào năm ngoái trước khi Nhà Trắng thay đổi ý kiến, ông Trump nên hòa nhịp với các nỗ lực của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên - đang tìm cách chính thức kết thúc 68 năm tình trạng chiến tranh giữa hai nước nhân cuộc gặp thượng đỉnh vào tuần tới tại Bình Nhưỡng.
Theo chuyên gia này, việc chính thức ký kết hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một khả năng được Trung Quốc, một tác nhân trong cuộc chiến trước đây ủng hộ, và điều đó có thể đặt ông Trump « vào một vị trí rất khó xử » vì lẽ nếu không đồng ý, ông sẽ biến Mỹ thành tác nhân duy nhất trong bốn bên liên can tới cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đây còn đứng bên ngoài.
Tuy nhiên, ông Victor Cha cũng công nhận rằng đối với ông Trump, việc ủng hộ hiệp định hòa bình lại đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ từ bỏ yêu cầu được nhắc đi nhắc lại là Bình Nhưỡng phải là bên đầu tiên thực hiện các bước cụ thể để từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Giải pháp cho vấn đề này là tách hẳn hai hồ sơ, và như vậy là tổng thống Mỹ hoàn toàn có thể đòi hỏi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un một nhượng bộ đáng kể để có được hiệp định hòa bình, chẳng hạn như việc Bắc Triều Tiên đồng ý triệt thoái hoàn toàn các loại vũ khí nặng ra khỏi vùng sát biên giới hai miền, ra khỏi tầm bắn vào Seoul.
Đối với với ông Cha, nếu ông Trump ủng hộ một hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, ông có thể tự nhận vai trò tác nhân hòa bình xứng đáng với một giải Nobel.
Phái đoàn Hàn Quốc sẽ được Bắc Triều Tiên đón tiếp linh đình
Còn về hội nghị thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba, mở ra vào tuần tới tại Bình Nhưỡng, công việc chuẩn bị đang tiếp tục khẩn trương.
Theo văn phòng của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào hôm nay, trong phái đoàn đến Bình Nhưỡng, sẽ có mặt một loạt lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, mà quan trọng hơn cả là ông Lee Jae Yong, lãnh đạo trong thực tế của tập đoàn Samsung, bên cạnh chủ nhân các đại công ty khác như SK và LG.
Trong đoàn còn có Kim Yong Hwan, phó chủ tịch của tập đoàn Hyundai Motor, mà nhà sáng lập lại là một người tị nạn từ miền Bắc; hay là Hyun Jeong Eun, chủ tịch của đại tập đoàn Hyundai Group, vốn đi tiên phong trong nhiều dự án kinh tế liên Triều trong thời gian qua.
Nhìn chung, phái đoàn Hàn Quốc sẽ gồm khoảng 200 người, bao gồm cả lãnh đạo cao nhất của cơ quan tình báo, bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng.
Chi tiết hội nghị thượng đỉnh ba bên này, bắt đầu từ thứ Ba 18/09, chưa được công bố, nhưng giới quan sát cho rằng phái đoàn Hàn Quốc sẽ được chính quyền Bắc Triều Tiên đón tiếp rất trọng thể. Chẳng hạn như với hàng chục ngàn người được huy động ra đứng hai bên đường để chào mừng phái đoàn miền Nam.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký