Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HÀN QUỐC

Bắc Kinh và Seoul dùng Kim Jong Un để kềm Washington

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên, theo thời gian, mất dần tính chất đơn thuần là một cuộc đọ sức giữa hai phe : một bên là chế độ Bình Nhưỡng và bên kia là Mỹ cùng hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đặc phái viên Hàn Quốc nói chuyện với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 06/09/2018
Đặc phái viên Hàn Quốc nói chuyện với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 06/09/2018 KCNA/via REUTERS
Quảng cáo

Những diễn biến hiện nay cho phép suy đoán các cường quốc Đông Bắc Á khai thác tối đa Kim Jong Un để bảo vệ quyền lợi riêng của mình với mục tiêu ngấm ngầm là hạn chế thế chủ động của Mỹ.

Cách nay hai tuần, Nhà Trắng bất ngờ hủy chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mike Pompeo. Tổng thống Donald Trump chỉ trích Trung Quốc « làm cho tình hình rắc rối thêm ». Thế rồi, tình hình tưởng như bế tắc, đã nhanh chóng khai thông. Ngày 05/09 vừa qua, sau khi được đặc sứ của tổng thống Hàn Quốc báo cáo về cuộc gặp với Kim Jong Un, tổng thống Mỹ khen ngợi lãnh đạo Bắc Triều Tiên « tái cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo trong nhiệm kỳ đầu » của chủ nhân Nhà Trắng, tức là vào tháng Giêng 2021 và cũng hứa hẹn lại « chúng ta cùng thực hiện ». Tiếp theo đó, tổng thống Mỹ đón nhận một cách tích cực các hành động khác của Kim Jong Un như là không phô diễn tên lửa liên lục địa trong quốc khánh và nhất là bức thư đề nghị gặp lại tổng thống siêu cường lần thứ hai.

Thái độ « sáng nắng chiều mưa » của Washington mang ý nghĩa gì ? Phải chăng chính quyền Donald Trump không có một chính sách nhất quán đối với Bắc Triều Tiên ?

Theo phân tích của Le Monde trong bài « Bình Nhưỡng tâm điểm của các cuộc cạnh tranh », những tuyên bố giận dữ hay khen ngợi của Donald Trump, những thay đổi đột ngột vào giờ chót, thật ra phản chiếu diễn tiến tình hình trong khu vực. Từ sau cú bắt tay ngoạn mục Trump-Kim tại Singapore ngày 12 tháng 06 năm nay, chế độ khép kín của Bắc Triều Tiên không còn là kẻ thù chung của Mỹ-Nhật-Hàn. Trong ván cờ tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược và kinh tế, tất cả các tác nhân liên can đều bị quyền lợi tương đồng hay tương khắc chi phối : xung khắc Mỹ-Trung, tranh chấp Trung-Nhật, hiềm khích Nhật-Hàn. Những bất hòa do quá khứ để lại cộng thêm nước Nga của Vladimir Putin « quạt lửa » càng làm cho phương trình hoà bình cho bán đảo Triều Tiên phức tạp thêm.

« Phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên » là bước then chốt giúp kiến tạo quân bình lực lượng tại Bắc Á nhưng không dễ gì nhanh chóng đạt được đồng thuận trên kho vũ khí của Bình Nhưỡng, chưa tính về kỹ thuật, còn phải mất thêm hàng chục năm để thi hành.

Trong khi chờ đợi, chuyện phải làm là « tái lập tin cậy lẫn nhau » thay thế hiệp định đình chiến 1953 bằng hiệp định hoà bình.

Trung-Hàn : đồng minh khách quan

Thế nhưng từ chuyện « phi hạt nhân hóa » đến « hiệp định hoà bình », không ai hoàn toàn đồng ý với ai. Đối với Mỹ, phi hạt nhân hóa là giải giới vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đối với Trung Quốc và Hàn Quốc thì phải phi hạt nhân hóa toàn bán đảo. Những ngày gần đây, Washington khẳng định mục tiêu ban đầu « Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa toàn diện, kiểm chứng được và không thể đảo ngược » trước khi bàn đến hiệp định hoà bình. Trái lại, đối với Bình Nhưỡng, Mỹ phải tôn trọng cam kết Singapore, thiết lập « quan hệ tin cậy lẫn nhau » tức là phải ký một « tuyên bố » hoà bình bước đầu của hiệp định.

Thế giằng co giữa Washington và Bình Nhưỡng chỉ có lợi cho ngư ông Bắc Kinh. Chiến tranh thương mại do Donald Trump phát động càng làm cho Trung Quốc khó mà hợp tác với Mỹ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên. Cả Bắc Kinh và Matxcơva đều chống trừng phạt kinh tế. Tuy không muốn Bình Nhưỡng trang bị bom hạt nhân, nhưng điều đó không phải là quan ngại số một của Nga lẫn Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ sợ Bắc Triều Tiên sụp đổ với những hệ quả khó lường cho an ninh và phát triển kinh tế của chính Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, nếu không xảy ra chiến tranh, khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên có thể là chất xúc tác tạo ra trật tự địa chính trị mới tại châu Á có lợi cho Trung Quốc. Do vậy, theo nhà phân tích Tôn Vân (Sun Yun), viện nghiên cứu Stimson Center, Hoa Kỳ : Washington khó có thể thuyết phục Bắc Kinh hợp tác trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Chính sách hiện đại hóa hải quân và tên lửa của Trung Quốc sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trong vùng và ngăn ngừa Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên.

Về phần Hàn Quốc, cũng để giảm thiểu hiểm họa chiến tranh mà nạn nhân đầu tiên là dân chúng hai miền Nam Bắc, tổng thống Moon Jae In không ngừng nỗ lực hòa giải với Bình Nhưỡng bằng những thỏa thuận kinh tế và hợp tác công nghiệp và liên lạc ngoại giao.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.