Vào nội dung chính
QUÂN SỰ - CHÂU Á

Mời láng giềng tập trận Vostok, Nga muốn khẳng định vị thế tại châu Á

Ngày mai 11/09/2018, Nga mở màn cuộc tập trận tại Siberi, được đánh giá quy mô nhất từ năm 1981. Điểm mới là quân đội Trung Quốc được mời. Một số chuyên gia cho đây là bằng chứng liên minh khăng khít Nga-Trung (1), có người phỏng đoán Matxcơva chuẩn bị « chiến tranh thế giới mới » (2). Báo Hồng Kông South China Morning Post đưa ra một góc nhìn khác, nhấn mạnh hoạt động này nằm trong tham vọng khẳng định vị thế cường quốc châu Á của Nga, nhưng mục tiêu ngắn hạn là tìm khách hàng vũ khí.

Một cảnh cuộc tập trận Zapad-2017 tại Belarus, 17/09/2017.
Một cảnh cuộc tập trận Zapad-2017 tại Belarus, 17/09/2017. Belarussian Defence Ministry/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Bài tổng thuật « Tầu ngầm, chiến hạm và dịch vụ sau khi bán : Làm thế nào quân đội Nga giúp Matxcơva trở thành một tác nhân chính tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương » (3) lưu ý là quyết định mời Trung Quốc tham gia tập trận Vostok, đã « gây ngạc nhiên » cho không ít nhà quan sát, bởi cuộc tập trận quan trọng hàng đầu với Matxcơva này vốn « đóng cửa với các quân đội nước ngoài », và đôi khi bao gồm cả các kịch bản đối phó với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai nước.

Khác hẳn với các lo ngại về mưu đồ răn đe, gây hấn của Nga - với cuộc tập trận khổng lồ, huy động đến 300.000 nghìn quân (gấp đôi so với đợt trước), 36 nghìn chiến xa, 1.000 phi cơ – (4), nhà báo Adrew McCormick, tác giả bài viết, nhận xét là việc Nga mời Trung Quốc tham gia tập trận Vostok lần này về cơ bản có thể coi là một dấu hiệu cho thấy Matxcơva đang quyết trở thành « một cường quốc hàng đầu » tại một khu vực, mà sự hiện diện của Nga là tương đối mờ nhạt trong vài chục năm gần đây.

Thế đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang dâng cao, khiến một số quốc gia trong khu vực có xu hướng tìm kiếm một đối tác chiến lược mới, để không bị kẹt vào cuộc đọ sức giữa hai người khổng lồ, Matxcơva chủ trương sử dụng « các sức mạnh quân sự » của mình, trong bối cảnh này, để tìm kiếm cơ hội về ngoại giao và kinh tế.

Tận dụng thế đối đầu Mỹ - Trung

Về mặt ngắn hạn, điều đó có nghĩa là chinh phục thêm các thị trường mới cho xuất khẩu vũ khí. Nga tận dụng ưu thế của mình, với tư cách là một cường quốc quân sự thứ hai thế giới, đứng sau Hoa Kỳ, để chào mời khách hàng châu Á.

Mục tiêu của Nga không chỉ là Trung Quốc. Matxcơva muốn thúc đẩy quan hệ quân sự với hàng loạt quốc gia (như Philippines, Việt Nam), Matxcơva muốn bán vũ khí cho nhiều nước, kể cả đảo quốc tí hon Fidji, nam Thái Bình Dương. Bên cạnh đó là khả năng tiếp cận với các cảng biển, sân bay, và mở cơ hội cho các doanh nghiệp Nga tham gia vào các lĩnh vực khác. Cho đến nay, một số quốc gia trong đó phải kể đến Philippines, đã bị Nga quyến rũ.

Hồi tháng 8/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines thông báo lần đầu tiên tàu chiến Philippines, đến thăm thành phố Vladivostok, nơi trú đóng của hạm đội Thái Bình Dương của Nga, để đáp lại việc hải quân Nga thăm Manila. Cũng vào tháng này, có thông tin là Nga có ý định bán cho Philippines hai tầu ngầm lớp Kilo, chạy bằng diesel, loại vũ khí mà Nga đã xuất khẩu từ năm hơn 30 năm nay. Đây là lần đầu tiên Philippines sắm tầu ngầm, nhưng điều đáng chú ý là Manila là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ. Quốc gia Đông Nam Á này cho đến nay chủ yếu mua vũ khí của Mỹ, các nước châu Âu hay Đông Á.

Indonesia là một khách hàng tiềm năng lớn khác mà Nga nhắm đến. Indonesia đã đặt hàng nhiều chiến đấu cơ Su-35 của Nga (tháng 10 tới, Jakarta sẽ nhận được 11 chiếc Su-35 đầu tiên, và một hợp đồng mua 5 chiếc khác dự kiến sẽ được ký vào cuối năm). Matxcơva có lợi thế Jakarta từng là khách hàng vũ khí của Liên Xô trước đây (quân đội Indonesia hiện vẫn đang sử dụng nhiều máy bay chiến đấu do Nga chế tạo, như Su-27, Su-30, bên cạnh các chiến đấu cơ mua của Mỹ). Indonesia được đánh giá là khách hàng mua Su-35 thứ hai của Nga, sau Trung Quốc.

"Gấu hạt nhân" lần đầu cất cánh tại Indonesia

Không chỉ bán vũ khí, Matxcơva còn muốn tận dụng quan hệ với các khách hàng châu Á, để phô trương lực lượng, gây thanh thế. Hồi tháng 12 năm ngoái, hai oanh tạc cơ Nga Tu-95MS, có biệt danh là « gấu hạt nhân », đã hạ cánh xuống một hòn đảo nhỏ của Indonesia, ở phía bắc Papuasia-New-Guinea, quốc gia châu Đại Dương, nằm cách không xa nước Úc. « Gấu hạt nhân » Tu-95 là oanh tạc cơ chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân, được Nga phát triển từ những năm 1950, và liên tục được cải thiện từ đó đến nay. Thông thường các chuyến bay tương tự của TU-95, cất cánh từ các sân bay của nước Nga, thường xuyên bị Hoa Kỳ và Nhật Bản phản đối. Lần này, việc « gấu hạt nhân » cất cánh từ một sân bay Indonesia, và thực hiện « một vòng tuần tra trên không », đã buộc các căn cứ quân sự miền bắc nước Úc phải đặt vào tình trạng báo động (đây là lần đầu tiên TU-95 cất cánh trên đất Indonesia).

Theo tác giả bài viết, Nga đang thăm dò phản ứng của các cường quốc, để có các bước đi tiếp theo. Một số chuyên gia về quân sự Nga, như ông Alexey Muraviev, tại đại học Curtin, miền tây nước Úc, cho rằng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Matxcơva đang ở trong một bối cảnh « thực sự là thuận lợi », do sự hiện diện không đáng kể của cường quốc này trong vòng vài chục năm gần đây, ít khiến người ta phải cảnh giác. Điều này khác hẳn với tình hình tại biên giới phía tây của Nga, nơi Matxcơva bị phương Tây cô lập do chính sách với Ukraina.

Ông Alexey Muraviev nhấn mạnh là, tại châu Á, Matxcơva có thể vừa cao giọng thách thức Mỹ và các đồng minh, nhưng cũng vừa có thể khẳng định chính mình là một thế lực khác, mà các nước có thể hợp tác, ngoài Mỹ hay Trung Quốc. Nhật Bản được nêu ra như một ví dụ. Việc Tokyo và Matxcơva thường xuyên có những xung khắc về vấn đề quốc phòng, các hoạt động quân sự của Nga tại vùng Viễn Đông không cản trở hải quân Nga – Nhật diễn tập phối hợp, cũng như việc chiến hạm Nga thăm viếng thường xuyên cảng biển Nhật Bản.

Liên minh nhất thời hay đối tác dài hạn ?

Để hiểu ý đồ xét về dài hạn của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo tác giả bài viết trên South China Morning Post, cần phải đối chiếu quan điểm địa chiến lược của Matxcơva với các cường quốc láng giếng. Cho dù kéo Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận Vostok 2018, được coi là có quy mô lớn nhất kể từ năm 1981, nhằm cải thiện sự tin cậy song phương trong thời điểm hiện tại, nhưng rất ít có khả năng Nga sẽ « cột chặt số phận của mình » với cường quốc phương Nam, đang có tham vọng vươn lên đứng đầu thế giới.

Theo chuyên gia Bobo Lo, cựu lãnh đạo một chương trình nghiên cứu về Nga và lục địa Âu-Á ở Chatham House, viện tư vấn về chính trị quốc tế có trụ sở tại Luân Đôn, thế lực mà Matxcơva lo ngại nhất tại châu Á chính là Trung Quốc. Nga sợ nếu Trung Quốc trở nên quá mạnh, Matxcơva sẽ nhanh chóng bị đánh bật khỏi khu vực.

Tác giả bài viết tin rằng đối tác khu vực có nhiều quan điểm tương đồng nhất với Nga là Ấn Độ, một đồng minh lâu đời. Từ hàng chục năm nay, và kể cả hiện nay, New Delhi vẫn mua vũ khí của Nga, cho dù cũng đang hướng sang tìm các nguồn cung cấp khác từ Mỹ, Nhật Bản, hay châu Âu. Nhưng điều quan trọng chủ yếu khác là Ấn Độ cũng có chung quan điểm về một thế giới « đa cực » như Nga, cho dù quan điểm về một thế giới đa cực giữa hai bên không hẳn đã hoàn toàn tương đồng.

Dù sao thì, vấn đề cơ bản với nước Nga là, nếu Matxcơva muốn được đối xử như một « cường quốc thế giới nghiêm túc », thì quốc gia này trước hết phải đẩy mạnh vai trò của mình tại châu Á. Mà sự lựa chọn tốt nhất của nước Nga tại châu Á ắt hẳn là đầu tư cho quan hệ với các đối tác, có chung quyền lợi và quan điểm về dài hạn, hơn là cho các liên minh nhất thời.

Ghi chú

1. Bài « Russia and China in Alliance Conditions » của cựu đại sứ Ấn Độ tại Liên Xô Melkulangara Bhadrakumar, trên trang orientalreview.org, ngày 20/08/2018.

2. « Russia to launch largest military drill on 11 September; 300,000 troops, including China and Mongolia, to participate », trang mạng Ấn Độ firstpost.com, ngày 10/9/2018. Xem thêm : « IISS : Trung Quốc và Nga phá vỡ thế cân bằng quân sự trên thế giới », RFI, 15/02/2018.

3. South Chine Morning Post, ngày 6/9/2018.

4. Bài « Why China, Russia focusing on war games » của Peter Apps (ngày 29/08/2018). Phóng viên chuyên về quân sự quốc tế của Reuters, khi nói về cuộc tập trận Vostok, đã nêu một cảnh báo đáng lưu ý : « các cường quốc thế giới càng huy động nhiều lực lượng cho các cuộc tập trận khổng lồ hơn, thì chính họ càng có nhiều nguy cơ rơi vào xung đột thực sự hơn, xung đột có khi vượt khỏi tầm kiểm soát ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.