Vào nội dung chính
NAURU - TRUNG QUỐC

Tiểu quốc Nauru ở Thái Bình Dương không khiếp nhược trước Trung Quốc

Đảo quốc tí hon Nauru ở miền Nam Thái Bình Dương ngày 05/09/2018 vừa qua đã không ngần ngại đòi Bắc Kinh phải xin lỗi về thái độ hống hách, coi thường nước nhỏ của đại diện Trung Quốc tại một hội nghị của các đảo quốc trong khu vực mà Bắc Kinh được mời với tư cách đối tác đối thoại.

Đảo Nauru vùng Nam Thái Bình Dương
Đảo Nauru vùng Nam Thái Bình Dương ( Photo : Wikimédia)
Quảng cáo

Phản ứng của Bắc Kinh trước yêu cầu này là đổ lỗi cho Nauru làm trái với thông lệ quốc tế và đòi ngược lại là nước nhỏ này phải xin lỗi Trung Quốc.

Nauru là một đất nước ở vùng Micronesia, được xem là thuộc hàng nhỏ bé nhất thế giới, chỉ rộng khoảng 21 cây số vuông, với không đầy 12.000 dân. Trọng lượng của Nauru do đó chẳng là gì so với Trung Quốc, một nước có hơn một tỷ dân, là cường quốc kinh tế thứ hai trên hành tinh, và là một nhà tài trợ hàng đầu cho vùng Nam Thái Bình Dương.

Bối cảnh của cuộc tranh cãi giữa Nauru và Trung Quốc là hội nghị thường niên của Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương PIF (Pacific Islands Forum), mở ra từ ngày 03 đến 05/09 tại đảo quốc Nauru, quy tụ 18 quốc gia ở khu vực Nam Thái Bình Dương, cùng với các phái đoàn đến từ các nước đối tác đối thoại trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hành vi thô lỗ của đặc sứ Trung Quốc

Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với báo chí sau khi hội nghị bế mạc, tổng thống Nauru ông Baron Waqa đã công khai tỏ thái độ phẫn nộ trước điều được ông gọi là « hành vi điên cuồng » của trưởng phái đoàn Trung Quốc tại hội nghị và cho biết sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải xin lỗi về sự cố đó.

Theo lời của tổng thống Nauru, vụ việc xảy ra trong cuộc họp ngày 04/09. Hôm đó, trưởng đoàn Trung Quốc, Đỗ Kỷ Văn (Du Qiwen), đại sứ tại Fiji, đã đòi được phát biểu. Tuy nhiên, vào khi ấy, thủ tướng của nước Tuvalu sắp sửa nói, do đó trong tư cách là người chủ trì cuộc họp, ông Waqa đã ngăn không cho đại diện Trung Quốc phát biểu. Đoàn đại biểu Trung Quốc đã phản ứng bằng cách rời khỏi hội trường, trong lúc ông Đỗ Kỷ Văn đã có những hành động thô lỗ.

Tổng thống Nauru cho biết : « Đại diện Trung Quốc rất cố chấp và xấc xược, gây huyên náo và cản trở cuộc họp của các lãnh đạo trong nhiều phút, trong lúc ông ta chỉ là một viên chức mà thôi… Có lẽ vì ông ta đến từ một nước lớn, cho nên muốn hù dọa chúng tôi. »

Thiếu tôn trọng lãnh đạo các nước nhỏ

Tổng thống Nauru đã giải thích là theo nguyên tắc, tại hội nghị, các lãnh đạo nhà nước phải phát biểu trước, sau đó mới đến các đại diện ngoại giao cấp thấp hơn, không được làm ngược lại. Vì vậy theo ông, đòi hỏi và thái độ của đại diện Trung Quốc là một sự thiếu tôn trọng. »

Theo nhật báo Anh The Guardian số ra ngày 05/09, một nguồn tin có mặt trong hội trường phiên họp hôm xẩy ra sự cố đã khẳng định rằng đại diện Trung Quốc đã chờ đợi một cách kiên nhẫn và ra hiệu muốn phát biểu, nhưng đã bị phớt lờ.

Chính vì thế mà, theo nguồn tin này, « rốt cuộc ông Đỗ Kỷ Văn nổi cáu, la hét và lớn tiếng với mọi người rồi đứng dậy và lao ra ngoài. Nhưng thay vì đi thẳng tới cánh cửa gần nhất thì ông lại đi một vòng quanh bàn hội nghị và bày tỏ thái độ giận dữ với từng người một ».

Một nguồn tin khác thì tiết lộ rằng đoàn Trung Quốc muốn được tham gia hội nghị dành riêng cho các lãnh đạo, dù nước này chỉ cử một quan chức trong vai trò "đặc sứ" tới Diễn Đàn mà thôi.

Theo người này, các đại diện Trung Quốc đã ngăn chặn cuộc họp của các lãnh đạo PIF, một vụ việc nghiêm trọng đã khiến cho hội nghị bị gián đoạn tới 15 phút, khiến tổng thống chủ nhà Waqa phải đe dọa trục xuất họ.

Theo AFP, trong buổi tiếp xúc với báo chí, tổng thống Nuaru cho rằng ông sẽ đòi Trung Quốc phải xin lỗi về hành vi thiếu tôn trọng của người đại diện cho Bắc Kinh. Không những thế, ông Waqa còn dọa sẽ tố cáo Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc : « Chúng tôi sẽ không chỉ đòi xin lỗi chính thức, mà sẽ đưa chuyện này ra Liên Hiệp Quốc… Không những thế, tôi sẽ nêu vụ việc này ở Liên Hiệp Quốc và tại mọi phiên họp quốc tế khác ».

Bắc Kinh đổ lỗi cho Nauru

Những cáo buộc của Nauru đã lập tức bị Bắc Kinh bác bỏ. Không những thế, Trung Quốc còn yêu cầu ngược lại là chính phía Nauru phải đứng ra xin lỗi Bắc Kinh.

Vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã nhắc lại rằng Nauru phải xin lỗi Bắc Kinh về cách đối xử với đại diện Trung Quốc tại cuộc họp của Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương.

Trước đó, hôm 05/09, phản ứng trước các cáo buộc của tổng thống Nauru nhằm vào phái đoàn Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã không ngần ngại tố cáo ngược lại là chính Nauru mới là bên vi phạm nguyên tắc ngoại giao quốc tế cũng như quy tắc của hội nghị khi cản trở đại diện Trung Quốc phát biểu.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc bênh vực cho việc phái đoàn của họ « tỏ thái độ cứng rắn » và rời khỏi hội trường sớm, cho rằng « Nhiều đoàn đại biểu các nước dự hội nghị cũng rời khỏi cuộc họp để tỏ thái độ bất mãn với Nauru. »

Đối với giới quan sát, thái độ hung hăng của trưởng đoàn Trung Quốc có phần liên quan đến Đài Loan, vì Nauru và Tuvalu vẫn giữ quan hệ với Đài Bắc.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công khai gợi lại điều này khi tuyên bố rằng Bắc Kinh « khuyên Nauru và một vài nước khác trong tình trạng rất thiểu số là nên chấp nhận xu thể chung, sửa đổi sai lầm và tránh có những hành động đi ngược dòng lịch sử », nhấn mạnh đến sự kiện hiện nay chỉ có hơn một chục nước là đồng minh của Đài Loan mà thôi.

Bên cạnh đó, như ghi nhận của AFP, căng thẳng ngoại giao ở Nauru một lần nữa chứng tỏ tính chất nhạy cảm trong vấn đề Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, với khoảng 1.78 tỷ đô la viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương trong giai đoạn 2006-2016 và đã trở thành tác nhân kinh tế hàng đầu trong khu vực từng được Úc xem là “sân sau “của mình.

Còn theo Reuters Trung Quốc đã cho các nước trong vùng vay 1,3 tỷ đô la trong thập niên qua, làm dấy lên lo ngại các quốc gia nhỏ bé này bị nợ nần đè nặng.

Trung Quốc từng “thô lỗ” với ASEAN…

Cách hành xử thô lỗ của đại diện Trung Quốc tại hội nghị Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương đã gợi lại một hành động tương tự của ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc Vụ Viện, nhân vật hiện được cho là đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc.

Vào năm 2010, nhân một hội nghị của khối ASEAN, bị đuối lý trên vấn đề Biển Đông, ông Dương Khiết Trì lúc đó chỉ là ngoại trưởng Trung Quốc, đã phản ứng bằng cách lớn tiếng dọa nạt các nước ASEAN, là sẽ « trừng phạt kinh tế đối với các nước Đông Nam Á đang nỗ lực chống lại Bắc Kinh », và tuyên bố : « Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác chỉ là nước nhỏ. Đó là một thực tế ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.