Vào nội dung chính
MỸ - PAKISTAN - NGOẠI GIAO

Hoa Kỳ muốn thắt chặt trở lại quan hệ với Pakistan

Trên đường đi Ấn Độ tham gia cuộc đối thoại an ninh 2+2, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ghé Islamabad để thảo luận với các nhà lãnh đạo Pakistan, trong đó có tân thủ tướng Imran Khan. Ngày 05/09/2018, ông Pompeo đã tỏ ý « hết sức hy vọng về khả năng cải thiện quan hệ có phần căng thẳng với Pakistan, một đối tác then chốt trong xung đột tại Afghanistan ».

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (T) và đồng nhiệm Pakistan Shah Mehmood Qureshi tại Islamabad, ngày 05/09/2018.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (T) và đồng nhiệm Pakistan Shah Mehmood Qureshi tại Islamabad, ngày 05/09/2018. MFA/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Lần đầu tiên viếng thăm Pakistan với tư cách ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo đã xác nhận với báo chí là hai bên đã bàn thảo rất nhiều chủ để, trong đó có nỗ lực « phát triển một giải pháp hòa bình ở Afghanistan ». Ông nói thêm : « Tôi hy vọng là cơ sở mà chúng tôi đã đặt ra hôm nay sẽ tạo điều kiện thành công lâu bền »… cho dù « con đường còn rất dài » trước khi Washington trợ giúp trở lại Islamabad về quân sự.

Theo hãng tin AFP, giọng điệu thay đổi này được đưa ra vài ngày sau khi Washington xác nhận kế hoạch ngưng khoảng 300 triệu đô la viện trợ quân sự cho Islamabad

Về phía Pakistan, thủ tướng nước này cũng tỏ ra lạc quan về bước khởi đầu mới trong quan hệ không mấy êm thắm giữa hai đồng minh.

Các viên chức Mỹ tố cáo Islamabad nhắm mắt làm ngơ hay thậm chí còn giúp đỡ các lực lượng như Taliban ở Afghanistan hay mạng lưới Haqqani, thường tấn công vào Afghanistan từ khu vực biên giới hai nước. Islamabad đã luôn phản bác những lời tố cáo trên.

Nhà Trắng cho là tình báo và quân đội Pakistan trợ giúp tài chính và vũ khí cho Taliban, một phần là do ý thức hệ nhưng cũng là để ngăn chận ảnh hưởng của Ấn Độ ở Afghanistan. Nếu Pakistan triệt hạ các nhóm chiến đấu thì sẽ tạo được khúc quanh quyết định cho cuộc chiến triền miên ở Afghanistan.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi trả lời báo chí đánh giá cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ có kết quả « tích cực » trên việc hai bên giờ đây đều đồng ý là ở Afghanistan « không thể có giải pháp quân sự, mà phải đi đến một giải pháp chính trị ».

Ông còn đánh giá là phát biểu của ông Pompeo hàm ý Hoa Kỳ có thể xem xét việc đối thoại trực tiếp với phe Taliban tại Afghanistan.

Taliban từ lâu đã muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ, nhưng Washington vẫn luôn từ chối, cho là đàm phán phải do Afghanistan dẫn đầu. Thế nhưng, vào tháng 06/2018, ông Pompeo đã cho thấy có thay đổi trong chủ trương áp dụng bấy lâu nay, với cuộc gặp giữa viên chức Mỹ và Taliban tại Doha vào tháng 7.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.