Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - PALAU

Trung Quốc dùng vũ khí du lịch ép Palau bỏ Đài Loan

Là một trong số vỏn vẹn 17 nước trên thế giới còn duy trì quan hệ với Đài Loan, đảo quốc Palau tí hon ở miền nam Thái Bình Dương hiện đang phải chịu sức ép nặng nề của Trung Quốc, muốn nước nhỏ bé này đoạn giao với Đài Bắc để lâp quan hệ với Bắc Kinh.

Cảnh Koror trên đảo Palau. Ảnh 05/08/2018.
Cảnh Koror trên đảo Palau. Ảnh 05/08/2018. REUTERS/Farah Master
Quảng cáo

Nhằm buộc Palau đi theo mình, Trung Quốc đã không ngần ngại sử dụng đến vũ khí du lịch. Trong một phóng sự đăng tải ngày 19/08/2018, hãng tin Anh Reuters đã nêu bật sức tàn phá của thứ vũ khí này đối với nền kinh tế Palau, nhưng cũng ghi nhận các cố gắng của chính quyền Palau đương nhiệm nhằm kháng lại áp lực từ Bắc Kinh

Phóng sự của Reuters trước hết tóm tắt tình hình của đảo quốc Palau, trong hàng tựa : « Khách sạn trống rỗng, du thuyền ở không – đó là điều xẩy ra khi một đảo Thái Bình Dương làm Trung Quốc tức giận ».

Tình trạng khách sạn trống vắng, du thuyền đậu bến, công ty du lịch đóng cửa cho thấy vết rạn nứt ngày càng lớn tại đảo quốc rất nhỏ này ở vùng Thái Bình Dương, hiện đang bị kẹt trong cuộc chiến ngoại giao giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Vào năm ngoái Bắc Kinh đã cấm du khách Trung Quốc đến đảo thần tiên này, với lý do đó là một nơi đến bất hợp pháp vì không có quy chế ngoại giao với Trung Quốc.

Theo lời các quan chức chính quyền cũng như doanh nhân tại đảo, trong bối cảnh Trung Quốc càng lúc càng mở rộng ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương, Palau nằm trong số ít ỏi đồng minh còn lại của Đài Loan và đang bị sức ép để đi theo Trung Quốc.

Theo lời ông Jeffrey Barabe, chủ nhân khách sạn Palau Central Hotel và Palau Carolines Resort ở Koror, « Hiện đang có tranh luận về việc Trung Quốc sử dụng du lịch làm vũ khí. Một số người tin là đô la từng được Trung Quốc cho phép đổ vào, giờ đây đang bị rút đi, để buộc Palau thiết lập quan hệ ngoại giao ».

Ở khu phố thương mại trung tâm của thành phố Koror, dấu vết của việc Trung Quốc rút đi rất rõ : Khách sạn, nhà hàng trống rỗng, công ty du lịch đóng cửa, còn thuyền chở khách du lịch đến đảo Rock Islands của Palau thì thả neo nhàn rỗi ở bến cảng như nói trên.

Trước lúc Bắc Kinh ra lệnh cấm, du khách Trung Quốc chiếm một nửa khách du lịch đến Palau. Trong số 122.000 du khách đến đảo quốc này vào năm 2017, thì có tới 55.000 người đến từ Trung Quốc và 9.000 đến từ Đài Loan, theo số liệu chính thức của Palau.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã đổ xô đến Palau, mua cơ sở, xây dựng khách sạn, mở cửa hàng kinh doanh, chiếm lĩnh những khu địa ốc rộng lớn ở ven biển.

Tình trạng suy sụp từ khi lệnh cấm du lịch được ban hành nghiêm trọng đến nỗi mà hãng hàng không giá hạ Palau Pacific Airways hồi tháng Bảy vừa qua đã thông báo việc chấm dứt các chuyến bay đến Trung Quốc kể từ cuối tháng 8 này.

Theo hãng hàng không do Đài Loan kiểm soát, thì Trung Quốc đã nỗ lực giảm bớt, thậm chí chận đứng luồng du khách đến Palau, khiến cho họ mất đi 50% khách hàng kể từ khi lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực.

Khi được hỏi rằng việc nêu Palau là một điểm đến du lịch bất hợp pháp phải chăng là cách để gây sức ép, buộc đảo quốc này từ bỏ Đài Loan, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã không trả lời thẳng, mà chỉ cho rằng quan hệ của Bắc Kinh với những nước khác nằm trong khuôn khổ nguyên tắc "một nước Trung Hoa".

« Nguyên tắc một nước Trung Hoa là tiền đề và cơ sở chính trị để Trung Quốc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới ». Đây là nội dung thông cáo gởi Reuters, nhưng không đã động đến Palau.

Bộ Ngoại Giao Đài Loan cho rằng Trung Quốc trong hai năm qua đã cám dỗ 4 nước rời bỏ Đài Loan để đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc bằng những khoản đầu tư và trợ giúp hậu hĩnh.

Không chỉ Palau, năm 2017, Trung Quốc đã từng sử dụng vũ khí du lịch để đối phó với Hàn Quốc trong hồ sơ lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc.

Trả lời hãng Reuters, tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr. cho biết là đã không có thông báo chính thức của Trung Quốc về việc hạn chế du lịch.

Theo ông Remengesau: « Ai cũng biết là Trung Quốc muốn Palau và các đồng minh ngoại giao của Đài Loan đi theo Trung Quốc, nhưng đối với Palau, chính sách một nước Trung Hoa không phải một lựa chọn ».

Ông Remengesau, người sẽ mãn nhiệm tổng thống vào tháng Giêng 2021, giải thích là Palau hoan nghênh đầu tư và du lịch của Trung Quốc nhưng các nguyên tắc và lý tưởng dân chủ của chính quyền ông có cùng hướng với Đài Loan.

Theo Reuters, Palau đã có kế hoạch thích nghi với quyết định cấm du lịch của Trung Quốc bằng cách tập trung trên diện du khách chịu tiêu xài nhiều hơn, thay vì nhắm vào du lịch quần chúng, vốn đã tác hại đến môi trường của đảo.

Một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Palau là hồ nước mặn Jellyfish Lake đã phải đóng cửa sau khi lượng sứa trong hồ bị tụt giảm đáng kể vì có quá đông người xuống bơi.

Theo tổng thống Palau, « trong thực tế, số lượng du khách lớn không đồng nghĩa với thu nhập cao đối với Palau. Và chúng tôi quyết định tìm chất lượng hơn là số lượng. »

Năm 2015, tổng thống Palau đã tuyên bố là phần lớn vùng biển của Palau là khu bảo tồn biển, với diện tích tương đương với bang California, Hoa Kỳ.

Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với Mỹ

Các cựu viên chức chính phủ Palau cho biết là Bắc Kinh đã ra sức củng cố ảnh hưởng của họ trong khu vực trước khi thỏa thuận tài trợ của Mỹ - Compact Funding Agreements – ký kết với Liên Hiệp ba đảo quốc Micronesia, Marshall và Palau hết hạn năm 2023 và 2024.

Mỹ cung cấp khoảng 200 triệu đô la hàng năm và chịu trách nhiệm về phòng thủ cho 3 quốc gia trên. Cả ba nước đó đều có ghế ở Liên Hiệp Quốc.

Trả lời hãng Reuters, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cho là Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là những đối thủ tìm cách loại trừ nhau ở trong khu vực. Tuy nhiên, Mỹ rất quan ngại về nguy cơ các nước không thể trả được số nợ đã vay của Trung Quốc, cũng như điều kiện về môi trường, xã hội hoặc lao động thường xuất hiện trong các dự án mà Trung Quốc tài trợ.

Một báo cáo về an ninh vào tháng Sáu của Ủy ban Kinh tế và An Ninh Mỹ- Trung (U.S.-China Economic and Security Review Commission) nhận định rằng Bắc Kinh đã gia tăng hoạt động kinh tế ở Thái Bình Dương để thực hiện các mục tiêu ưu tiên về ngoại giao và chiến lược - kể cả việc giảm thiểu sự hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế - tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển lực lượng Hải Quân viễn dương.

Một bộ phận chính khách Palau bị Trung Quốc cám dỗ

Theo một số cựu viên chức chính quyền Micronesia, Bắc Kinh muốn đưa Con Đường Tơ Lụa Mới đến Palau và có thể cung cấp một nguồn đầu tư lớn khi thỏa thuận Compact ký với Mỹ hết hạn.

Phải nói là tiền của Trung Quốc rất hấp dẫn, chính khách Palau bị cám dỗ.

Cựu tổng thống Palau Johnson Toribiong cho là « Trung Quốc đã có đề nghị và lẽ ra chúng tôi phải tìm cách thu hút các nhà đầu tư và đó sẽ là sự kiện lớn trong quan hệ Palau – Trung Quốc. »

Theo ông Toribiong, tổng thống mãn nhiệm năm 2013, Palau không nên tự cô lập mình: « Tôi thích Đài Loan. Nhưng ngay người Đài Loan giờ cũng thich Trung Quốc. Doanh nhân đều thích Trung Quốc. Họ không màng về hậu quả chính trị mà chỉ nghĩ về kinh tế ».

Riêng tổng thống đương nhiệm Remengesau giải thích là Palau chưa có trao đổi chính thức nào với Trung Quốc về tài trợ sau khi thỏa thuận với Mỹ hết hạn, nhưng nội bộ chính quyền thì đã có thảo luận về vấn đề này.

Tuy nhiên giới quan sát không mấy lạc quan cho các nước chạy theo chính sách chiêu dụ của Trung Quốc.

Các đảo quốc bị Trung Quốc nhòm ngó thường cùng chịu chung số phận con nợ bị sập bẫy, tiến thoái vô cùng gian nan như Sri Lanka chẳng hạn. Ngoài nợ, Trung Quốc còn sử dụng một vũ khí sắc bén là du lịch, đối với những nơi mà Bắc Kinh muốn thâu tóm nhưng còn ở ngoài vòng kiểm soát, chưa sập bẫy nợ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.