Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - LIÊN HIỆP QUỐC

Rohingya: LHQ đòi xét xử lãnh đạo quân đội Miến Điện phạm tội ác diệt chủng

Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 27/08/2018 đã đề nghị xét xử lãnh đạo quân đội Miến Điện phạm « tội ác diệt chủng » nhắm vào người Rohingya, một sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo tại Miến Điện. Các vụ bạo lực này đã khiến hơn 700.000 người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn sang Bangladesh từ một năm qua.

Trại tị nạn người Rohingya Kutupalong ở Bangladesh. Ảnh 22/08/2018.
Trại tị nạn người Rohingya Kutupalong ở Bangladesh. Ảnh 22/08/2018. REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Quảng cáo

Trước phiên họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc dự kiến diễn ra hôm nay, những người tị nạn Rohingya kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên chính quyền Naypiydaw.

Từ trại tị nạn Kutupalong, đặc phái viên Eliza Hunt của đài RFI có bài phóng sự cho biết sau một năm chạy tị nạn, người Rohingya đã mất niềm tin vào chính quyền Miến Điện.

« Trong tay của Mohib Bullah, là một danh sách dài nhiều trang… Danh sách này liệt kê các hành động bạo lực mà người Rohingya, những người hiện đang sống trong các trại tị nạn, phải hứng chịu. Tài liệu này sẽ được gởi đến Tòa án Hình sự Quốc tế.

Mohib Bullah nói : ʺTrong quá khứ, chúng tôi cũng đã từng phải chạy nạn, nhưng chưa bao giờ, chúng tôi đòi hỏi một kiểu công lý như vậy. Hậu quả là chính phủ lại tái diễn, và lần này, đó là một hành động diệt chủng. Chính vì thế mà giờ đây, chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế giúp đỡ tìm kiếm công lý, bởi vì việc làm này sẽ có tác động đối với chính phủʺ.

Theo ông Mohib Bullah, từ một năm qua, chẳng có gì cho thấy là chính quyền Miến Điện muốn tìm kiếm một giải pháp. Do vậy, ông trông đợi vào áp lực của quốc tế. Một người tị nạn khác, nguyên là hiệu trưởng trường học, cũng có lập trường tương tự. Ông cho rằng cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ đối với cộng đồng Rohingya.

Ông nói : ʺLiên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu… Họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu như bạo lực lại diễn ra, họ có trách nhiệm phải can thiệp, tìm ra một giải pháp. Hiện tại, họ chỉ trích, họ lên án nhưng điều đó chưa đủ…ʺ

Ở đây, ai cũng mong đợi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhanh chóng hành động ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.