Vào nội dung chính
CHÂU Á - TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Trung Quốc : Khoảng 40 nhà đấu tranh mất tích sau khi công an đột kích

Công an chống bạo động hôm qua 24/08/2018 đã đột kích vào một căn hộ ở Huệ Châu (Huizhou), Quảng Đông, nơi khoảng 40 sinh viên và các nhà tranh đấu cho quyền lợi công nhân đang chuẩn bị cho việc thành lập công đoàn. Hãng tin Reuters có được video về vụ bố ráp, sau đó không thể liên lạc được với họ.

Các sinh viên tranh đấu cho quyền lợi công nhân đang chuẩn bị cho việc thành lập công đoàn tại Huệ Châu. Ảnh chụp ngày 23/08/2018.
Các sinh viên tranh đấu cho quyền lợi công nhân đang chuẩn bị cho việc thành lập công đoàn tại Huệ Châu. Ảnh chụp ngày 23/08/2018. REUTERS/Sue-Lin Wong
Quảng cáo

Cuộc bố ráp diễn ra vào khoảng 5 giờ sáng. Video cho thấy công an trang bị khiên và nón sắt xông vào căn hộ và xô xát với những người bên trong. Hiện chưa biết số phận của những người này ra sao, công an không trả lời hãng tin Anh.

Vụ đàn áp này là sự kiện mới nhất, trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc tìm cách dập tắt một phong trào công nhân đang nổi lên tại tỉnh Quảng Đông từ tháng trước. Nhiều công nhân tại công ty Jasic International, chuyên sản xuất máy hàn, đã bị sa thải khi họ định thành lập nghiệp đoàn độc lập.

Các phong trào công nhân luôn bị đảng Cộng Sản Trung Quốc coi là thách thức. Đảng không chấp nhận các nghiệp đoàn độc lập, và trừng phạt những người phản kháng. Hôm 27/7, công an bắt giữ 29 người gồm cả công nhân bị sa thải, thân nhân và những người ủng hộ ; hiện vẫn còn 14 người bị giam cầm. Sau đó nhiều nhà tranh đấu cho công nhân trong đó hầu hết là sinh viên đã đến Quảng Đông để ủng hộ người lao động.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters trước khi bị bố ráp, 15 nhà hoạt động liên quan đến vụ Jasic thuật lại rất nhiều thủ thuật của nhà cầm quyền để ngăn cản họ, từ buộc cha mẹ các thanh niên tranh đấu dự những « buổi huấn luyện » về việc dạy dỗ con cái, đọc cho phụ huynh nội dung các tin nhắn để gởi cho con, buộc họ phải chỉ địa điểm ẩn náu…Cũng theo hãng tin Anh, phong trào đấu tranh cho quyền lợi công nhân nay đã lan đến Bắc Kinh.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.