Vào nội dung chính
PAKISTAN - CHÂU Á

Pakistan : « Cải cách thuế », chướng ngại đầu tiên đối với tân thủ tướng

Ngày thứ Bảy, 18/08/2018, ông Imran Khan, cựu vô địch môn cricket đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Pakistan. Trong bài diễn văn, ông hứa hẹn đưa đất nước đi vào « một kỷ nguyên mới ». Le Figaro (21/08/2018) trong bài viết đề tựa « Imran Khan đối mặt với thách thức của một nước Pakistan mới », nhận định tân thủ tướng Pakistan sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cải cách thuế khóa.

Pakistan : Ông  Imran Khan (T) cạnh tổng thống  Mamnoon Hussain trong buổi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng ngày 18/08/2018 tại Islamabad.
Pakistan : Ông Imran Khan (T) cạnh tổng thống Mamnoon Hussain trong buổi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng ngày 18/08/2018 tại Islamabad. Press Information Department(PID) Handout via REUTERS
Quảng cáo

Tân thủ tướng Pakistan đặt ra ba ưu tiên : chống gian lận thuế, chống tham nhũng và giảm lãng phí chi tiêu nhà nước. Quả thật, ông không còn giải pháp nào khác. Bởi vì, đất nước đang đối mặt với một khối nợ khổng lồ : 28.000 tỷ rupi (tương đương với 200 tỷ euro), chiếm đến 80% tổng sản phẩm nội địa. Dự trữ ngoại tệ chỉ đủ dùng cho hai tháng.

Để tránh cuộc khủng hoảng, ông Imran Khan phải chọn một trong ba giải pháp : nguồn trợ giúp từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, nguồn tài trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương hoặc sự hỗ trợ từ đồng minh Trung Quốc. Và ông Imran Khan ý thức được rằng bất kể là kịch bản nào, bên cho vay đều sẽ đòi hỏi các chương trình cải cách.

Bên cạnh việc hứa hẹn làm trong sạch tài chính công, tân thủ tướng Pakistan còn cam kết nâng cao trình độ học vấn các trường công, tạo điều kiện cho 22,5 triệu trẻ em đến trường học và thiết lập một hệ thống bảo hiểm y tế cho người nghèo, cũng như xây thêm 5 triệu nhà xã hội.

Nói thì dễ, làm thì khó. Bởi vì, theo Le Figaro, khó khăn đầu tiên tân thủ tướng phải đối mặt là cải cách thuế. Chỉ có 800.000 người trong tổng số 200 triệu dân phải nộp thuế. Tầng lớp chính trị gia là nhà vô địch gian lận thuế. Theo số liệu của Trung Tâm Nhà Báo Điều Tra Pakistan, 60% các ứng viên bầu cử lập pháp và ba trong số 16 bộ trưởng là không nộp thuế.

Công cuộc cải cách thuế của tân chính phủ Pakistan sẽ còn khó khăn hơn khi mà ông Imran Khan, để giành thắng lợi cuộc bầu cử này, đã phải thành lập một liên minh với nhiều chính trị gia lão luyện, thay vì là đổi mới tầng lớp chính khách. Le Figaro cho biết trong số 16 tân bộ trưởng, có đến 12 người từng làm việc dưới thời chế độ độc tài của tướng Musharraf trong những năm 2000.

Đến mức bài xã luận của nhật báo Dawn của Pakistan số ra ngày thứ Hai 20/08, được Le Figaro trích dẫn đã không ngần ngại chỉ trích rằng « Imran Khan thông báo các dự án cải cách đầy tham vọng. Tiếc rằng ông đã chọn các nhân vật biểu tượng cho sự trơ ì ».

Quan hệ Islamabad và Washington « nổi sóng ba đào »

Liên quan đến đối ngoại, Le Figaro dự báo sóng gió trong mối quan hệ Mỹ - Pakistan. Việc ông Imran Khan trở thành thủ tướng còn làm cho mối quan hệ này thêm bất định.

Quan hệ Mỹ - Pakistan bỗng trở nên trục trặc từ đầu năm nay. Đầu tiên hết là dòng tweet đầu năm của ông Donald Trump với những lời lẽ giận dữ hiếm thấy nhắm vào Pakistan: « Hoa Kỳ phung phí 33 tỷ đô la cho nước này từ 15 năm qua để rồi chỉ nhận được những lời giả dối và lừa phỉnh ».

Quốc Hội Mỹ bực bội thái độ lửng lờ của Islamabad với phe Taliban nên cũng giảm viện trợ xuống còn ở mức 150 triệu đô la cho năm 2019. Mới đây nhất là ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn ngăn chặn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF hỗ trợ nước này để lấp vào khoảng tụt giảm nguồn dự trữ ngoại tệ, vì cho rằng Pakistan dùng tiền tài trợ IMF, nhưng trên thực tế có nguồn gốc từ Ngân Khố Mỹ, để trả nợ cho Trung Quốc.

Về phía Pakistan, ông Imran Khan, trong bài phát biểu mừng chiến thắng bầu cử, đã có những lời lẽ nặng nề cho rằng « đây không phải một mối quan hệ đối tác, mà là một mối quan hệ chủ - tớ. Quân đội Pakistan chỉ là một lực lượng đánh thuê của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ». Do vậy, cũng như Mỹ, chính sách của nước này phải là « Pakistan trước đã » như tuyên bố của tân ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi.

Thái độ hờ hững với Mỹ cũng bắt đầu hiện rõ trong giới quân đội, nhất là kể từ sau vụ ám sát Ben Laden do lực lượng Navy Seals của Mỹ tiến hành tại Abbottabad năm 2011. Kể từ đó, Pakistan chuyển hướng thắt chặt hợp tác quân sự với Trung Quốc. Trong giai đoạn 201-2017, Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Islamabad.

Đầu tư kinh tế cũng tăng theo với dự án « Một vành đai, một con đường ». Nhờ vậy mà Pakistan ngày càng ít lệ thuộc vào Mỹ. Liên minh với Trung Quốc ngày càng rõ nét hơn khi Pakistan cảm thấy khó chịu trước sự xích lại gần giữa Hoa Kỳ và đối thủ Ấn Độ.

Cuối cùng, Le Figaro cho rằng, cuộc trắc nghiệm cho quan hệ Mỹ - Pakistan sẽ diễn ra tại Afghanistan. Tổng thống Ashraf Ghani thông báo hưu chiến trong ba tháng. Phe nổi dậy Taliban chưa cho biết họ có ý định tạm ngưng các cuộc tấn công chống lại quân chính phủ Afghanistan hay không. Pakistan, nơi ẩn náu của nhiều lãnh tụ và chiến binh Taliban chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với cách thức tiến hành các chiến dịch.

Trump và Erdogan : Một cuộc đọ sức khác

Không chỉ căng thẳng với Islamabad, chính quyền Washington giờ còn phải đọ sức với Ankara. Le Figaro và Les Echos cùng nhận định « chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong cuộc đọ sức giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ».

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, vốn dĩ « cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt » kể từ sau vụ đảo chính hụt tổng thống Erdogan và làn sóng bắt bớ nhắm vào những người ủng hộ giáo chủ Gulen đang sống tỵ nạn tại Mỹ, nay còn căng thẳng hơn.

Nguyên nhân là vì Ankara giam giữ mục sư Andrew Brunson. Hôm thứ Sáu 17/08, tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ duy trì lệnh quản thúc tại gia đối với vị mục sư này bất chấp các áp lực từ Washington và đề nghị của luật sư. Chính quyền Ankara cáo buộc vị mục sư này, sinh sống tại Izmir từ 21 năm nay, có các hoạt động gián điệp và có quan hệ với các tổ chức khủng bố.

Trước việc chính quyền Erdogan từ chối « khuất phục » trước áp lực của Mỹ, tổng thống Donald Trump đã giận dữ áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và đồng thời tăng gấp đôi mức thuế đánh vào nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Để đáp trả, Ankara thông báo tăng thuế lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.

Hệ quả là kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo. Trong vòng vài ngày, đồng tiền quốc gia mất giá đến 40%, xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử. Dư chấn khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lan sang các nước khác, nhất là Đức. Vụ việc chưa biết hồi nào kết thúc, nhưng vụ nã súng vào đại sứ quán Mỹ ngày hôm qua chắc chắn còn làm cho căng thẳng hai bên tăng thêm một nấc.

Trang nhất các báo Pháp

Đề tài trên trang nhất các báo Pháp khá đa dạng. Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận « Doanh nghiệp : Cổ tức kỷ lục của thời hồi phục kinh tế thế giới ».

Trong quý II/2018, các doanh nghiệp đã trả gần 500 tỷ đô la lợi tức, một mức lớn chưa từng có. Bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Pháp gần như chiếm đầu bảng 12 quốc gia chi cổ tức nhiều nhất.

Liên quan đến thời sự châu Âu, La Croix chú ý đến « lời kêu gọi của giáo hoàng gởi đến các giáo dân trước vấn nạn lạm dụng tình dục ». Le Monde thì bận tâm đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Còn 9 tháng nữa mới diễn ra bầu cử, nhưng « các đảng phái chính trị đang rục rịch tìm kiếm ứng viên ». Le Monde còn dành một góc trang trọng trên trang nhất để tưởng niệm cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với hàng tựa « Kofi Annan, lương tâm toàn cầu ».

Về phần mình, Le Figaro đăng hình hai cụ người Triều Tiên, ôm chầm lấy nhau khóc nức nở rồi đề tựa « Cuộc hội ngộ đau xé lòng của các gia đình ly tán bởi cuộc chiến Triều Tiên ». Xé lòng vì những người tham gia cuộc hội ngộ này đều là các cụ già đã hơn 80 tuổi. Nhiều người trong số họ đã phải ngồi xe lăn. Đây là cơ hội cuối cùng để được gặp lại người thân trước khi về cõi vĩnh hằng. Và cùng với thời gian, những cuộc gặp như thế sẽ ngày càng hiếm hoi.

Le Figaro chua xót nhận xét, đối với họ, đó còn là một cuộc trắc nghiệm tâm lý nặng nề. Bao nhiêu năm xa cách chỉ được gặp vài giờ để rồi xa nhau mãi mãi. Những giây phút nặng đầy cảm xúc cho thấy những người tham dự phải có một sức chịu đựng tâm lý đáng kính phục.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.