Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐÀN ÁP

Trung Quốc : Một giáo sư bị bắt khi đang trả lời phỏng vấn đài Mỹ

Một nhà trí thức lỗi lạc Trung Quốc thường chỉ trích chế độ đã mất tích hôm nay 03/08/2018. Giáo sư đại học về hưu Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang) đang trả lời phỏng vấn trực tiếp một đài truyền hình Mỹ thì công an bỗng ập vào nhà, và từ đó không ai liên lạc được với ông.

Giáo sư đại học về hưu Trung Quốc Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang). Ảnh chụp màn hình www.voanews.com, ngày 02/08/2018
Giáo sư đại học về hưu Trung Quốc Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang). Ảnh chụp màn hình www.voanews.com, ngày 02/08/2018 (Capture d'image@voanews.com)
Quảng cáo

Giáo sư Tôn Văn Quảng, khoảng 80 tuổi, qua điện thoại đã đồng ý trả ời đài truyền hình bằng tiếng quan thoại thuộc hệ thống truyền thông VOA, thì tám công an vũ trang ập vào nhà ông ở Tế Nam (Jinan). Theo băng ghi âm được công bố hôm nay, giáo sư Tôn la lên : « Công an đã trở lại để buộc tôi im tiếng ». Trước khi đoạn ghi âm kết thúc, người ta còn nghe ông nói với công an : « Các ông vào nhà tôi bất hợp pháp ! Tôi có quyền tự do ngôn luận ! ».

Những cuộc gọi liên tục của AFP vào điện thoại di động cũng như máy bàn ở nhà giáo sư Tôn Văn Quảng đều không được hồi âm, cũng như các tin nhắn trên ứng dụng WeChat. Cơ quan an ninh Tế Nam không trả lời hãng tin Pháp.

Phát ngôn viên đài VOA, bà Bridget Serchak cho biết : « VOA theo dõi sát tình hình, và sẽ thông báo ngay cho thính giả khi nào có tin mới ».

Sự kiện này minh chứng cho nạn đàn áp các nhà đấu tranh nhân quyền và những tiếng nói ly khai ngày càng tăng lên từ khi Tập Cận Bình nắm quyền. Những chỉ trích dù nhẹ nhàng đối với đảng Cộng Sản đều bị kiểm duyệt và trấn áp.

Giáo sư Tôn Văn Quảng tháng trước đã viết một lá thư ngỏ cho ông Tập Cận Bình, phản đối « chính sách ngoại giao chi phiếu » của Bắc Kinh ở châu Phi, trong lúc chủ tịch Trung Quốc bắt đầu chuyến công du trên lục địa đen.

Trong băng ghi âm, ông cố giải thích với các công an xuất hiện đột ngột trong nhà : « Hãy nghe những gì tôi nói, có gì sai chăng ? Người dân Trung Quốc còn nghèo, không nên đem tiền quẳng sang châu Phi ».

Vị giáo sư về hưu là một trong những nhà đấu tranh cho quyền công dân bền bỉ nhất tại Trung Quốc, bị chính quyền giám sát nghiêm ngặt. Năm 2008, ông đã ký vào bản Hiến chương 08 – bản kiến nghị đã đưa Lưu Hiểu Ba vào tù trước khi nhận được giải Nobel hòa bình. Năm 2009, giáo sư Tôn Văn Quảng bị đánh đập tàn nhẫn khi định ra khỏi nhà dự lễ tưởng niệm ngày mất của cố tổng bí thư cải cách Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), người đã phản đối vụ đàn áp Thiên An Môn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.